"Bạn sẽ không thật sự hiểu được giá trị của cuộc sống cho đến khi nào bạn va chạm với tữ thần và những người đã từng chiến đấu cho sự sống còn, cuộc đời có một giá trị thiêng liêng, một hương vị đặc biệt, mà những kẻ khác không bao giờ hiểu được ". ------------------------------------------------------------------------------------- You have never lived until you have almost died. For those who have fought for it, life has a special flavor, the protected will never know
Thursday, August 5, 2010
Thursday, July 15, 2010
SỨC MẠNH TÌNH CHIẾN HỮU
Ba hồi kẻng báo thức chưa dứt là Lộc đã có mặt ở đầu hàng tù nhân đứng chờ giờ mở cửa. Họ có mười lăm phút đồng hồ để làm vệ sinh thân thể mỗi buổi sáng. Cánh cửa phòng giam vừa hé mở, Lộc phóng thẳng đến khu vệ sinh. Nhu cầu trước tiên trong ngày là giải quyết cấp bách cái ruột già chứa đầy chất cặn bã của các món "cải thiện" không lấy gì bổ dưỡng chỉ cốt cho qua cơn đói cồn cào ruột gan của ngày hôm qua . Có lẽ đây là thời gian hạnh phúc nhất của chàng trong suốt ngày dài trong chốn lao tù cộng sản.
Trần Xuân Lộc gốc người Hà Nội, di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Gia đình chàng sống tại một thị trấn nhỏ của một tỉnh ở miền Trung. Ông bố dạy học ở trường tiểu học trong làng. Mẹ Lộc có một quày bán hàng vải nằm ngay trung tâm thị trấn. Gia đình Lộc tuy không giàu có, nhưng với số tiền lương công chức của bố và tiền thu nhập của mẹ, cuộc sống trong gia đình cũng sung túc hơn nhiều người.
Những năm 59, 60 tại địa phương Lộc ở đã bắt đầu xảy ra những xáo động vào ban đêm. Cán bộ Cộng sản được gài lại hầu như đồng loạt đi hoạt động tuyên truyền tại khắp các vùng hẻo lánh. Không khí thanh toán, hận thù bắt đầu bao phủ khu thị trấn yên lành này. Mọi người lo sợ, không biết bao giờ những kẻ lạ mặt thường xuất hiện về đêm sẽ gieo tai họa cho dân lành chỉ biết bám vào ruộng đồng và ngôi chợ. Trước tình hình ấy, bố mẹ Lộc đã chuẩn bị rời bỏ thị trấn này.
Mùa mưa năm đó đến rất sớm. Nước sông dâng lên làm ngập cả một vùng mênh mông. Mưa tối trời tối đất. Nước xối xả tuôn tràn tạo thành trăm ngàn dòng thác đổ xuống từ đỉnh núi cao. Nước tràn đồng lênh láng. Những xóm làng dọc hai bên bờ sông chỉ còn nhấp nhô mấy nóc nhà cao. Dòng nước lũ cuốn phăng tất cả. Xác súc vật chết trôi lễnh nghễnh. Năm ngày sau, cơn mưa mới dứt. Nước lụt từ từ rút dần để trơ lại cảnh nhà vườn xơ xác tiêu điều. Người dân không còn miếng ăn. Chính quyền phải cấp tốc chở thực phẩm đến cứu đói.
Mưa làm sập hầm bí mật, cuốn trôi tất cả thức ăn dự trữ trên rừng. Bọn Việt Cộng nằm vùng và số người hồi kết sống trên căn cứ địa tận núi cao, chờ khi màn đêm bao phủ là xục xạo vào làng và thị trấn, buộc dân đóng thuế bằng những món hàng cứu lụt. Sau mấy ngày bị ngập nước, chúng hành động chẳng khác gì bầy chuột đói tràn xuống đồng bằng rúc rỉa dân nghèo. Người nào có thái độ chống đối hay chỉ trích lối đánh thuế theo kiểu cướp ngày là bị ghi vào sổ đen.
Không đầy hai tháng sau, trong một đêm tối trời, ba người lạ mặt xông vào nhà bắt thầy giáo Hoàng, bố của Lộc dẫn đi. Sáng sớm hôm sau, dân trong vùng phát hiện xác ông bị bắn chết nằm bên ven rừng cầy. Trên ngực áo có ghim một mảnh giấy gọi là: “Bản án của quân Giải phóng” có nội dung rất hồ đồ: “Tên Quốc Dân đảng phản động đã đến ngày đền tội”.
Trong cơn đau buồn, uất ức, mẹ Lộc lâm trọng bịnh rồi qua đời. Lộc bấy giờ trở thành đứa trẻ mồ côi. Vừa tròn 15 tuổi, chàng được người chú gởi vào trường Thiếu sinh quân.
Trước tháng 4, 1975, Lộc mang cấp bậc Ðại uý Công binh bị cộng quân bắt sống trên tuyến đường rút lui về tỉnh lỵ. Vợ và hai đứa con đã di tản vào Sài Gòn trước khi các tỉnh miền Trung rơi vào tay quân Bắc Việt. Từ ngày đó, Lộc mất hẳn tin tức gia đình và suốt mấy năm tù chưa hề được một lần thăm nuôi.
Những ngày cuối tuần, bạn bè háo hức chờ đợi được gọi tên gặp thân nhân. Riêng Lộc chỉ biết chú tâm vào cái nghề khắc bản gỗ. Lộc đã học được nghề nầy từ một thuộc cấp chuyên ngành điêu khắc trong đơn vị.
Khởi đầu, trong lúc nhàn rỗi, Lộc khắc chơi tên mình vào mảnh gỗ đơn sơ. Thấy đẹp, cán bộ bắt anh khắc tên cuả họ trên những bản gỗ công phu hơn. Nhờ khéo tay và có kỷ thuật cao Lộc trở thành “điêu khắc gia” bất đắc dĩ chuyên thực hiện những bức tranh điêu khắc cho cán bộ từ cấp nhỏ đến cấp lớn.
Công việc mỗi ngày thêm bề bộn . Từ chỗ “làm ăn nhỏ” tiến lên “sản xuất lớn”. Trước, Lộc hành nghề trong nội bộ, bây giờ phát triển lên toàn tổng trại và lan sang cả Trung đoàn bộ. Gỗ lồng mứt do toán tù đi rừng đốn mang về, toán thợ cưa xẻ thành ván, đội thợ mộc bào láng mặt. Lộc chỉ lo phác họa hình ảnh và khắc vào bản gỗ.
Mùa lúa chín đã vàng đồng. Ðợt thu hoạch vụ hè-thu lại bắt đầu. Các đội tù được xuất trại sớm hơn thường lệ. Mọi công tác đều phải ngưng lại, ngoại trừ toán nhà bếp và chăn nuôi. Riêng “điêu khắc gia” Trần Xuân Lộc được lệnh ở lại trại khắc cho xong bức tranh của quản giáo T. để kịp mang về Bắc nhân chuyến nghỉ phép. Lộc làm việc tại trại nhưng cũng không kém phần vất vả, bởi bức tranh có khá nhiều chi tiết phức tạp: Một thiếu nữ khỏa thân đứng bên dưới tàng dừa nhìn ra mặt biển có chiếc thuyền buồm bồng bềnh trên sóng. Màu trắng mịn của loại gỗ lồng mức chẳng khác gì màu da trắng ngà của người con gái ngoài đời. Bộ ngực căng đầy cùng với cặp đùi thon dài thêm chiếc mông khêu gợi đã làm cho con mắt “chuyên chính vô sản” mê mẫn.
Bầy cán bộ tranh nhau đặt hàng. Lộc điên đầu bởi sự hối thúc, hăm dọa nếu không được ưu tiên. Nghề của Lộc trở thành mối hành hạ lại anh. Ðể tránh sự bất bình, Lộc đề nghị cán bộ theo qui tắc nếp sống “văn hóa mới” ghi tên theo thứ tự . Người nào muốn lên ưu tiên phải được sự đồng ý của người ghi trước. Với số lượng hàng đặt ấy, Lộc phải làm hết tháng này qua tháng khác.
Chính uỷ Sư đoàn bất ngờ đến thanh tra trại tù . Mọi người đều ra ruộng , lán trại trống vắng, chỉ còn Lộc đang ung dung ngồi trên sạp khắc bức tranh. Cán bộ chính uỷ rất ngạc nhiên khi thấy Lộc vẫn điềm nhiên ngồi làm việc. Ðến gần nhìn vào bức tranh, da mặt cán bộ từ màu xám ngoét của bịnh sốt rét kinh niên đổi sang màu đỏ bầm. Cơn tức giận dồn vào đôi mắt làm nổi lên những đường gân máu đỏ. Tiếng gầm gừ phát ra từ đôi hàm răng nghiến lại. Luồng máu sát nhân đang thôi thúc y xuống tay giết người! Nhưng hắn kịp ghìm lại vội giật bức tranh trên tay Lộc và cả gói đồ nghề bỏ vào túi dết rồi ra lệnh vệ binh giải Lộc về Trung đoàn bộ.
Sau hai ngày bắt khai báo và viết bản tự kiểm, Lộc được áp giải về lại trại để thi hành kỷ luật.
Bản án kết tội chàng được công bố trên toàn tổng trại :
“Tên Trần Xuân Lộc, Ðai úy Ngụy quân đã dùng sách lược Tâm lý chiến của Mỹ Ngụy cố tình đầu độc cán bộ bằng hình ảnh đồi trụy. Y đã khắc những bức hình không lành mạnh, làm băng hoại tinh thần cách mạng của người chiến sĩ quân đội nhân dân. Y đã trốn tránh lao động, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ hành động trên là ý đồ chống phá đảng và nhà nước. Nay quyết định trừng phạt Trần Xuân Lộc 10 ngày cùm sấp hai chân,7 ngày nhốt hầm kỷ luật, cắt giảm tiêu chuẩn phần ăn và cấm thăm nuôi sáu tháng”.
Sau hơn hai tuần lễ thọ hình, sức khỏe Lộc xuống thấy rõ. Khuôn mặt anh tóp lại, trông dài ra. Ðôi má trũng sâu làm nổi bật bộ râu quai nón tua tủa như hình Chúa Ki-tô bị đóng đinh trên thập tự giá. Lộc ra khỏi nhà cùm đúng ngày Chúa nhật, bạn hữu đãi anh bằng bữa cháo gà và chè nếp.
Có một điều, anh em tự hỏi là tại sao Lộc không tìm nơi kín đáo ngồi làm việc hoặc giấu bức tranh khi cán bộ chính uỷ vào lán?
Nhân lúc này, Lộc thổ lộ:
“Biết việc làm của mình khá nguy hiểm, nhưng đây là dịp để triệt hạ tên quản giáo T. Hắn luôn tự thần thánh hóa bản thân mình bằng cái mặt nạ đạo đức cách mạng để che giấu cái tâm địa ti tiện và bản chất dâm ô của mình.”
T. là một hung thần đối với tù; xục xạo, rình rập, cố bắt những tù nhân vi phạm nội quy. Tù cải thiện được khúc sắn, ngọn rau mà y bắt gặp là bị hành hạ bằng những tờ kiểm điểm. Hắn bắt viết đi viết lại nhiều lần với lý do chưa thành khẩn. Mặt hắn lúc nào cũng vênh váo của kẻ chiến thắng , nhục mạ tù bằng những lời hạ cấp, xấc xược, không giấu giếm lòng hận thù đối với tù chính trị. Có lần hắn thẳng thừng tuyên bố : “Thằng pháo binh ngụy đã lấy mất bắp chân trái này đây, thằng giặc lái đã múc của tao con mắt phải này. Chúng bay có trả lại được phần thân thể của tao đã mất” ? Kẻ thua trận chỉ còn ngậm đắng nuốt cay trước lối lý luận hàm hồ!
Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng 4 , ban Giám thị ra lệnh các đội tù thực hiện tờ báo tường. Nhóm phụ trách được tuyển chọn gồm ba người. Công tác đầu tiên là phát họa một bức tranh mô tả đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố. Ði đầu là lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay. Tiếp sau là đơn vị bộ binh cùng những chiến xa yểm trợ chĩa nòng trọng pháo hướng về phía trước. Nền phông của bức tranh là dãy núi xanh mờ từ xa. Khi hoàn tất, nhóm phụ trách mời quản giáo T. đến duyệt xét. Nhóm ba người yên chí là sẽ được những lời khen ngợi, bởi bức tranh mang nội dung hợp với tinh thần ngày lễ, màu sắc khá hài hòa, hình ảnh lại vô cùng sống động.
T xem bức họa một hồi lâu rồi đưa cặp mắt xoi mói về phía ba tác giả với một giọng lạnh lùng, đay nghiến :
.“Hừm, đến giờ này mà các anh còn ngấm ngầm chống lại tổ quốc” Hắn ngừng nói, hít một hơi thuốc rồi tiếp :
“Nầy nhé: các anh vẽ nòng súng hướng vào lá cờ là các anh có ý đồ kêu gọi bọn phản động tấn công vào chính quyền cách mạng. Lá quốc kỳ là tượng trưng cho tổ quốc mà tổ quốc là Ðảng và chính quyền. Còn nữa, phía sau đoàn quân là rừng núi, rõ ràng các anh muốn chơi xỏ những chiến sĩ cách mạng của chúng tôi là những thằng Mán xuống đồng !”
Nói xong, hắn cuốn bức tranh mang về ban giám thị. Ngày hôm sau, hắn ra lệnh cho ba người phụ trách tờ bích báo viết tự kiểm, phải xoáy vào trọng điểm : có tư tưởng che giấu ý đồ phản động. Kết quả, ba nạn nhân của bức tranh “đoàn quân chiến thắng trở về” bị nhốt tại phòng kiên giam bảy ngày, cùm chân ba hôm với lý do: lợi dụng vẽ tranh để hô hào nổi dậy chống Ðảng và nhà nước, làm sai lạc ý nghĩa ngày lễ, hạ thấp giá trị người chiến sĩ cách mạng.
Tục ngữ ta có câu : “Bói ra ma quét nhà ra rác”. Ma và rác ở đây lại được moi ra từ bức tranh để nâng lên hàng quan điểm. Chỉ tội nghiệp cho nhóm ba người đã bỏ công sức trong giờ nghỉ để trở thành công cốc chuốc họa vào thân. Anh em tù thì có được một trận cười thỏa thích trước lý luận của "loài cáo xem tranh"! Nhờ biến cố đó mà những ngày lễ lớn sau này tù khỏi phải khốn khổ vì báo tường!
Lộc cố tình để cán bộ Chính ủy Sư đoàn bắt quả tang bức tranh với mục đích đẩy tên quản giáo T. đầy nham hiểm nầy ra khỏi trại. Lộc đã viết bản khai báo cụ thể là làm theo lệnh cán bộ T. với hình ảnh do chính tay y phác họa và hắn bắt buộc Lộc phải làm cho xong bức tranh để kịp ngày đi phép mang về Bắc. Ngoài ra Lộc còn liệt kê tất cả những cán bộ có tên trong danh sách đặt hàng.
Ðúng với sự mong muốn của Lộc và toàn thể tù nhân trong trại, tên quản giáo T. bị chuyển đi nơi khác và nghe đâu còn bị kỷ luật nặng nề. Ðể tránh lây nhiễm “dịch mê hình đồi trụy” số cán bộ quản giáo và vệ binh cũ đều được thay thế bằng loạt người mới.
* * *
Mùa trăng Trung Thu thứ ba đến với tù nhân. Niềm hy vọng đoàn tụ với gia đình hoàn toàn tiêu tan trong lòng mọi người. Cái mốc “mười ngày mang gạo đi học tập” của cộng sản chẳng ai ngờ nó kéo dài đến mười năm, mười lăm năm. Xưa Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc vào động tiên vui hưởng một năm , khi trở về trần gian mất trăm năm. Giờ đây, sống một ngày ở chốn “thiên đường cộng sản” dài đằng đẵng bằng một năm địa ngục! “Chính sách khoan hồng nhân đạo” của đảng và nhà nước là thế đấy. Giết người không tuyên án, bỏ tù không xét xử… Sau ngày 30/4/1975, Hà Nội đã thủ tiêu, sát hại biết bao nhiêu cán bộ Quân Cán Chính của miền Nam mà có tổ chức quốc tế nào đứng ra thống kê số nạn nhân ấy?
Một bằng chứng cụ thể, chỉ trong một xã của Quận Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi, VC đã tập trung số người cộng tác với chế độ cũ về trình diện địa phương trên dưới một trăm người, dồn họ vào trong một căn hầm chỉ huy của một tiền đồn cũ rồi cho nổ mìn làm sập hầm chôn sống trọn gói.
Mười lăm năm sau, một nạn nhân (Trung trưởng Nghĩa quân) trong căn hầm ấy xuất hiện, như bóng ma đội mồ sống dậy. Mười lăm năm sợ lưng mật, mười lăm năm mai danh ẩn tích không dám đối mặt với người quen thân. Anh là người sống sót duy nhất trong căn hầm đó, thoát chết một cách hết sức kỳ diệụ. Mười quả mìn nối dây chuyền phát nổ không có lực nào có thể chịu đựng sức ép cả ngàn cân thế mà anh vẫn sống. Khi tỉnh dậy thấy lỗ hổng trên đầu, anh dồn tàn lực vào đôi tay moi đất thoát ra ngoài.
Anh thất thểu đi trong bóng đêm mà tưởng chừng như đi giữa miền âm phủ. Vào đến đất Sài Gòn, anh thay họ đổi tên, sống lây lất đơn độc suốt mười lăm năm. Mười lăm năm, thời gian đủ để hận thù phôi pha - anh nghĩ, và quyết định về quê để báo tin cho các thân nhân những người đã chết. Trước áp lực của số dân hoạt động cơ sở và đảng viên bất mản, chính quyền địa phương đành cho phép gia đình các nạn nhân quật hầm nhận cốt người thân.
Một nhà báo Pháp đã viết về chủ nghĩa Cộng sản bao gồm bốn chữ M : Mensonge , Meurtre, Misère và Menace, có nghĩa là Lừa dối, Giết chóc, Ðói khổ và Khủng bố. Thật vậy, có sống trong chế độ Cộng sản mới cảm nhận chính xác về nhận định này. Trước kia, câu nói: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu , đồng bào miền Nam rất thờ ơ trước ý nghĩa của nó, nhưng sau khi sống với Cộng sản một thời gian, người dân mới thấy thấm thía và thán phục sự chính xác có tính cách tiên tri của lời cảnh cáo ấy.
* * *
Ðêm rằm tháng Tám, ánh trăng sáng vằng vặc trên miền thung lũng. Núi rừng vây quanh như be bờ kiên cố cho cái hố tử thần. Ánh trăng xuyên qua mái lá, lồng qua cửa liếp khiến cho tù nhân tăng thêm nỗi nhớ nhà. Những kỷ niệm thời vàng son lần lượt hiện ra như đoạn phim chiếu chậm trong trí nhớ người tù.
Mùa Trung Thu là mùa Tết Nhi Ðồng nhưng cũng là mùa hạnh phúc của những gia đình có trẻ thơ. Nhìn trăng, tù lại nhớ đến bánh Trung thu ngày nào. Những chiếc bánh nướng thơm mùi nhân thịt, mùi trứng béo ngậy và ngon ngọt. Thế là nước bọt tiết ra làm cho bao tử bào xót kéo người tù trở về với thực tại phũ phàng. Cơn đói đang hành hạ họ tăng thêm gấp bội, tàn nhẫn hơn, khốn khổ hơn !
Những dãy nhà tranh vách nứa san sát dưới chân đồi vây quanh một khu đất rộng như ngâm mình trong ánh trăng. Tiếng dế, tiếng ễnh ương nhịp đều cùng tiếng vượn hú từ xa vọng về tạo thành một âm thanh não nề giữa rừng đêm tĩnh mịch. Bỗng, tiếng bốp! hự ! bịch ! hộc ! rồi tiếng la ú ớ vang lên ngoài sân. Anh em tù nhốn nháo nhìn qua cửa liếp thấy Trần Xuân Lộc bị bốn tên bộ đội trụ bốn góc thay nhau đấm đá vào người như thoi vào bao cát tập võ. Anh muốn thoát thân hướng nào cũng đều bị chận đánh. Chúng vừa đánh vừa đẩy Lộc ra cửa sau của rào vi trại. Biết được âm mưu muốn ám hại mình, Lộc bèn dồn hết tàn lực lao vào tên đứng trước mặt. Với cú đẩy bất ngờ ấy, tên bộ đội bật ngã xuống đất. Thừa cơ hội Lộc phóng thẳng vào dãy nhà gần đó. Bốn tên sát thủ liền đuổi theo. Rất bất ngờ, gần một trăm bạn tù trong căn lán Lộc đang trốn, không ai bảo ai đồng loạt ùa đến khung cửa độc nhất bít ngay lối vào. Bọn côn đồ cố lách mình vào giữa đám đông. Nhưng với lực trụ của một trăm con người như những chiếc nêm đóng chặt vào khung cửa, chúng đành lui ra.
Ðứng ngoài sân, một tên quát lớn :
“Nghe đây, ông ra lệnh chúng mầy phải giải tán ngay, về chỗ nằm, kẻ nào không thi hành sẽ bị bắn bỏ!”
Một sự yên lặng nặng nề đầy thách thức. Giờ phút nầy anh em tù không còn là những cá thể riêng rẽ nữa. Họ hiện hữu như một thực thể có một quả tim duy nhất và chung cùng một dòng máu luân lưu trong cái phần đại thể đó. Mọi hành động bỗng nhiên rập ràng, nhanh nhẹn. Tình chiến hữu dâng cao vượt lên trên mọi sợ hãi. Máu căm phẫn chảy rần rật trong từng mỗi tế bào. Tuy vậy, họ đã kiềm chế được một hành động có thể gây tai hại là tràn ra ngoài sân đánh gục bốn tên bộ đội để trả đòn cho Lộc. Họ vẫn giữ đúng nội quy không ra khỏi phòng giam, nhưng tù có quyền ngăn chận hành động trái phép của những người không trách nhiệm đột nhập vào trại tù giữa đêm khuya.
Trước sức cản của khối người nơi khung cửa, chúng biết khó đột nhập vào trong bèn rút dao găm ra hăm dọa. Bỗng, có tiếng người la lớn: “Hãy cứu chúng tôi, có người hành hung tù !” Tức thì, bạn tù trong chín dãy nhà còn lại trong toàn khu trại đồng loạt la lên: “Có người hành hung tù, có người hành hung tù!. . .” Cứ như thế, tiếng la hòa thành một vang cả một góc trời. Trong sự đồng cảm hình như mọi biểu lộ giống nhau, bộc phát nhịp nhàng cùng thời gian. Bởi vậy mà tiếng kêu cứu trong đêm của gần một ngàn tù nhân làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho nhau.
Không ngờ tù phản ứng quá mãnh liệt, bốn tên bộ đội hoảng hốt kéo nhau chuồn khỏi trại.
Ai là người đứng sau lưng chủ trương hành hung Trần Xuân Lộc giữa đêm khuya , ban Giám thị, tên Quản giáo T hay cả nhóm cán bộ bị Lộc tố cáo ? chẳng biết nữa. Duy có một điều chắc chắn là đêm ấy còn hai tên bộ đội khác chỉa súng đứng chờ ngoài hàng rào phía cổng sau sẵn sàng nổ súng một khi Lộc bị đám côn đồ đẩy ra khỏi rào vi./
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Wednesday, July 14, 2010
SỰ THẬT TRẬN CHIẾN HOÀNG SA
Từ ngày trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra đến nay, tôi vẫn giữ im lặng, không viết ra những điều mắt thấy tai nghe những gì xảy ra trong trận chiến, vì nghĩ rằng trận chiến Hoàng Sa là một thất bại vì đã không giữ được đảo Hoàng Sa. So với những chiến tích lẫy lừng cửa tiền nhân trong lịch sử thì chúng tôi đã không làm nên được tích sự gì, vì vậy tôi cảm thấy hổ thẹn khi phải viết ra.
Nhưng nay đã có nhiều người viết về trận Hoàng Sa, trong đó có Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc là người chỉ huy trận chiến, và Trung úy Hải quân Đào Dân thuộc HQ-16. Nay lại có thêm Hải quân Trung tá Vũ Hữu San, Hạm trưởng HQ-4 viết một cuốn sách nói về trận chiến Hoàng Sa. Trong các bài viết cũng như cuốn sách đó, mỗi người nói một cách, không ai giống ai. Nếu ai chỉ đọc một bài thôi thì có thể tin đó là thật, nhưng nếu người đọc tinh ý thì vẫn có thể tìm thấy một vài chi tiết chứng tỏ người viết thiếu thành thật hay nói vu vơ phô trương nhiều hơn những gì cần nói. Còn nếu đọc hết tất cả các bài viết thì sẽ thấy người nói hươu kẻ nói vượn, chẳng biết tin ai. Người đọc sẽ đánh giá thấp Hải quân Việt Nam Cộng hòa và sẽ thắc mắc không biết trận chiến Hoàng Sa thật sự như thế nào.
Chính vì lý do này mà tôi phải lên tiếng.Tôi biết trong Hải quân có một số người biết sự thật, nhưng ai nói sai họ vẫn mặc kệ, miễn người viết đề cao Hải quân, còn nói thật thì họ cho là mất mặt Hải quân.Vì vậy khi viết bài này, tôi biết trước là sẽ có nhiều người bất mãn vì bài viết của tôi, không những bất mãn mà tệ hơn, còn lên án tôi là kẻ bêu xấu Hải quân, nhưng tôi vẫn phải viết để nói lên sự thật và nói thay cho những người đã chết trong trận Hoàng Sa.
Tôi cũng xin độc giả hiểu cho rằng trong các quân binh chủng, hàng tướng tá, úy, sĩ quan hay trong bất cứ tập thể nào cũng có người tốt kẻ xấu, người có trình độ cao, kẻ trình độ thấp, do đó xin quí vị không nên vơ đũa cả nắm. Hơn nữa bây giờ ra hải ngoại rồi, chúng ta phải nhìn nhận sự thật Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ chính vì cấp lãnh đạo và những người có trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi cho đồng minh phản bội để chối tội.
Trước khi vào bài, tôi xin nêu lên vài ý kiến về bài viết của Trung úy Đào Dân vì ông ta cùng ở trên HQ-16 với tôi. Những gì xảy ra trên HQ-16, Trung úy Dân viết có thể đúng nhưng chưa chắc đã thấy hết mọi chuyện xảy ra trên HQ-16 vì ông chỉ ở một vị trí nào đó trên chiến hạm chứ không thể có mặt ở trên khắp mọi nơi, ngoài ra ông còn phải lo làm phận sự của ông chứ không thể ngồi không mà quan sát trận chiến. Những gì ông viết về HQ-4, HQ-5 và HQ-10 là hoàn toàn không đúng sự thật. Chính tôi là người chỉ huy HQ-16 mà cũng không biết những hoạt động của HQ-4, HQ-5 làm sao ông Dân biết được ?
Tôi nghĩ là ông Dân muốn viết về trận chiến Hoàng Sa mà ông có tham dự, nhưng khi muốn viết cho đầy đủ, ông phải nói đến các chiến hạm khác mà ông không biết hoạt động của các chiến hạm này nên phải tưởng tượng ra hoặc dựa vào phần nào bài viết của Đại tá Hà Văn Ngạc mà bài viết của Đại tá Hà Văn Ngạc thì hoàn toàn sai sự thật (tôi sẽ đề cập sau), điều này chắc chắn ông Dân cũng biết nên ông dễ dàng phóng bút theo mà không dám nói sự thật.
Ông Dân nói Trung Cộng đặt đài quan sát trên đảo, xây dựng doanh trại, và toán người nhái đổ bộ trong ngày cuộc chiến xảy ra báo cáo là có cả một tiểu đoàn quân Trung Cộng trú đóng, là không đúng sự thật. Chỉ có một dãy nhà gỗ đang xây cất dở dang. Còn người nhái không đổ bộ trong ngày cuộc chiến xảy ra và cũng chưa bao giờ lên được đảo.
Ông Dân viết: « Khi chúng tôi được lệnh tiến về phía đảo, HQ-10 hình như có vẻ chần chừ vì khoảng cánh giữa chúng tôi ngày càng xa và hạm trưởng HQ-16 đã nhiều lần thúc dục HQ-10 phải chạy sát nhau hơn » . Đây là chuyện không có. Sự thật, trong trận chiến HQ-16 tiến một hướng, HQ-10 tiến hướng khác để vào lòng chảo quần đảo Hoàng Sa chứ không tiến cùng một hướng. Từ đầu đến cuối trận chiến , HQ-10 đã làm đúng những gì tôi nói với Hạm trưởng HQ-10 tối hôm 18 tháng 1 năm 1974 trước ngày khai chiến 19 tháng 1 năm1974.
Ông Dân nói việc các chiến hạm hải hành tập đội để phô trương lực lượng là hoàn toàn không có. Đã đi đánh trận mà còn phô trương lực lượng thì không còn gì ngớ ngẩn bằng.
Ông Dân nói HQ-4 dùng mũi tàu để ủi tàu Trung Cộng ra xa đảo Hoàng Sa là chuyện không đúng sự thật và cũng không thể nào làm như vậy được. Cũng như phóng đồ kế hoạch điều quân của ông Dân cho thấy HQ-4 và HQ-5 tiến vào lòng chảo để tác chiến cũng là không thật nữa. Hướng tiến quân của HQ-4, HQ-5 vào lòng chảo chính là hướng tiến quân của HQ-10. Ông Dân đưa thêm HQ-4, HQ-5 vào cho đủ bộ thành trật lất. Sự thật là HQ-4 và HQ-5 chỉ ở vòng ngoài chứ không tham dự trận chiến trong lòng chảo.
Nếu HQ-4 và HQ-5 có mặt trong lòng chảo thì khi HQ-16 và HQ-10 bị trúng đạn thì HQ-4 và HQ-5 làm gì không thấy ông Dân nói đến !
Trên đây là các điểm tôi muốn đính chính về bài viết của Trung úy Đào Dân. Và sau đây là những gì xảy ra trong trận chiến mà tôi đã chứng kiến. Trước khi nói đến trận đánh, tôi xin sơ lược về quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa (gọi chung là Paracels) cách bờ biển Đà Nẵng 180 hải lý về phía đông. Như quí vị thấy trong bản đồ, quần đảo Hoàng Sa gồm một số đảo ghi trong bản đồ quây quần nhau làm thành một lòng chảo, muốn vào bên trong lòng chảo đó phải theo hai lộ trình mà chúng tôi thường gọi là cái « pass ». Một cái ở giữa đảo Hoàng Sa và đảo Cam Tuyền. Cái kia ở giữa bãi đá ngầm Antelope và đảo Quang Hòa.
Bản đồ này tỷ lệ xích quá nhỏ nên các đảo chỉ bằng lóng tay hay chỉ là những dấu chấm. Hoàng đảo Hoàng Sa không chỉ có bấy nhiêu đảo trong bản đồ mà còn một số đảo khác nữa nằm rải rác ở phía đông bắc. Những đảo trong bản đồ là những đảo tận cùng phía nam của quần đảo Hoàng Sa . Nhìn vào bản đồ, quí vị thấy các đảo rời nhau, có khoảng trống ở giữa, những tàu bè không chạy qua được vì đá ngầm và san hô ở dưới mặt nước, chỉ ra vào lòng chảo bằng hai cái « pass » tôi nói ở trên.
Quần đảo Hoàng Sa có đảo lài, có đảo cao nhưng cũng chỉ cao hơn mặt biển chừng vài chục thước. Các đảo phần nhiều trơ trụi, hiếm có cây cao, toàn đá lởm chởm, chỗ cao chỗ thấp, ít có nơi bằng phẳng. Gần bờ thì có đá ngầm, san hô. Hết đá ngầm, san hô thì biển rất sâu. Đáy biển cũng có đá nên neo tàu không an toàn. Quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa không thể lập căn cứ hải quân được vì không có chổ ẩn núp cho tàu bè, chỉ có thể lập căn cứ trên đảo mà thôi.
Tất cả các đảo đều không có nước ngọt, trừ đảo Hoàng Sa mà chúng tôi thường gọi là « đảo khí tượng » vì có đài khí tượng do người Pháp thiết lập và sau này luôn luôn có nhân viên khí tượng Việt Nam làm việc cho đến ngày trận chiến Hoàng Sa xảy ra. Người Pháp xây một hồ chứa nước bên trong nhà, có các máng xối hứng nước mưa chuyền vào bên trong hồ chứa để dùng cho cả năm.
Trên đảo Hoàng Sa mấy năm đầu tiên có một trung đội Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ. Về sau vì nhu cầu chiến trận, Thủy Quân Lục Chiến phải rời đảo và được thay thế bởi Địa Phương Quân của tiểu khu Quảng Nam. Họ phải ở trên đảo Hoàng Sa vì chỉ đảo này mới có nước ngọt. Thủy Quân Lục Chiến hay Địa Phương Quân đều được trang bị xuồng cao su để di chuyển quanh các đảo mà kiểm soát.
Sau khi biết tổng quát vị trí các đảo, quí độc giả có thể theo dõi diễn tiến trận chiến Hoàng Sa sau đây. Tôi cũng xin thưa trước là những gì xảy ra tôi không nhớ chính xác giờ giấc, chỉ phỏng chừng. Nhưng những sự kiện thì xác thực. Ngày giờ và sự kiện xảy ra đều có ghi trong «nhật ký hải hành» và «nhật ký chiến hạm» nhưng nay không có thể tham khảo được.
Ngày 15 tháng 1 năm 1974 tàu tôi, HQ-16, được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một cố vấn Mỹ và một Thiếu tá bộ binh thuộc Quân đoàn 1 (mà nay tôi không còn nhớ tên).
Tàu khởi hành tối ngày 15 tháng 1 năm 1974 và đến Hoàng Sa sáng 16 tháng 1 năm 1974. Khi đến nơi, Địa Phương Quân trên đảo thấy tàu đã lái xuồng ra đón viên Thiếu tá Bộ binh lên đảo. Trong khi chờ đợi đưa Thiếu tá Bộ binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tàu rời đảo Hoàng Sa ra biển, thả trôi tàu gần đảo Quang Hòa. Tôi lấy ống nhòm nhìn lên các đảo chung quanh để ngắm nhìn phong cảnh và tiêu khiển thì giờ.
Khi nhìn lên đảo Quang Hòa thì thấy có một dãy nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái. Tôi thấy lạ, liền gọi máy về Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải (BTL/HQ/VIZH) hỏi thì nơi đây hỏi lại tôi là có biết người nào trên đó không? Tôi trả lời chỉ thấy bốn, năm người di chuyển tới lui nơi dãy nhà đang xây cất chứ không biết là ai. Họ ăn mặc thường dân, có người ở trần, nhưng có nhà xây cất thì chắc là người ngoại quốc mà không ai khác hơn là Trung Cộng, vì cách đảo Quang Hòa chừng 20 hải lý về phía đông bắc có căn cứ của Trung Cộng, cũng nằm trong quần đảo Hoàng Sa.
HQ-16 vẫn thả trôi tàu để chờ Thiếu tá Bộ binh và chờ lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.
Trưa ngày 16 tháng 1 năm 1974 một chiến hạm Trung Cộng xuất hiện trong vùng.
Tối ngày 17 tháng 1 năm 1974 Bộ Tư Lệnh Hải Quân gởi ra một toán người nhái do HQ-4 chở ra. Toán người nhái này rời HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ-16.
Sáng ngày 18 tháng 1 năm 1974 HQ-5 và HQ-10 có mặt ở khu vực Hoàng Sa. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc ở trên HQ-5 là người chỉ huy cuộc chiến.
HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh (khoá 11) chỉ huy.
HQ-16 do tôi, Trung tá Lê văn Thự (khoá 10) chỉ huy.
HQ-4 do Trung tá Vũ Hữu San (khoá 11) chỉ huy.
HQ-10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà (khoá 12) chỉ huy.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 1974 Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, sau đó cho toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Vĩnh Lạc.
Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán người nhái lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho tàu tôi tiến gần đến đảo (xin xem hình 1).
Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng. Nhờ xáp lại gần, tôi thấy tàu Trung Cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của tàu tôi. Tàu Trung Cộng nhỏ hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.
Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc những gì xảy ra. Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài biển (mặt nam) của đảo Quang Hòa vào chiều ngày 18 tháng 1 năm 1974.
HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa? Họ trả lời là đang lội nước ngang ống chân, còn vài chục thước nữa mới tới bờ. Họ cũng cho biết là không thấy người trên bờ.
Vài phút sau thì nghe báo cáo là một Thiếu úy người nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc và xin cho người nhái rút lui. Toán người nhái đã trở về lại HQ-16.
Chiều ngày 18 tháng 1 năm 1974, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa. Sau khi đại tá Ngạc ra lệnh này xong, thì từ đó về sau tôi không còn nghe lệnh lạc gì thêm từ Đại tá Ngạc nữa.
Đến tối ngày 18 tháng 1 năm 1974 máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi Đại tá Ngạc, HQ-4 hay bộ tư lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý.
Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ toán người nhái vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người nhái đã vào trót lọt được vì có thể tàu Trung Cộng theo dõi và liên lạc chỉ điểm cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ. Ngoài ra thức ăn, nước uống không có, làm sao toán người nhái có thể hoạt động lâu hơn một ngày được, và ít nhất cũng phải có một tiểu đội hay trung đội Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ gần bờ yểm trợ cho toán người nhái khi họ rút lui nếu bị phát hiện hay khi gặp lực lượng địch mạnh hơn. Vì thế, muốn thi hành lệnh của Đại tá Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải tiêu diệt tàu Trung Cộng trước rồi mới tính chuyện đổ bộ người nhái lên đảo sau.
Lúc này phía Trung Cộng xuất hiện thêm hai chiếc tàu nữa cùng loại với chiếc đã có trước.
Tôi gọi Thiếu tá Thà HQ-10 và nói ý định của tôi: Đêm nay HQ-16 và HQ-10 ra thật xa đảo, làm tối chiến hạm (không cho ánh sáng lọt ra ngoài) để tàu Trung Cộng không biết chúng tôi ở đâu. Sáng mai (19 tháng 1 năm 1974) sẽ tiến vào lòng chảo. HQ-16 vào cái “pass” gần đảo Hoàng Sa, HQ-10 vào cái “pass” gần đảo Quang Hòa (xin xem hình 2).
Tôi cũng nói với Thiếu tá Thà là anh cũng như tôi, phải cố gắng hết sức mình. Nếu một trong hai đứa mà loạng quạng, chỉ còn lại một, thì bọn chúng (ba chiếc tàu Trung Cộng) xúm lại, mình không thể nào chống nổi.
Đêm hôm đó (18 tháng 1 năm 1974) khoảng nửa đêm, tôi tập họp thủy thủ đoàn HQ-16 để thông báo ngày mai sẽ tiến vào đánh tàu Trung Cộng. Tôi cũng nói với thủy thủ đoàn là tất cả mọi người phải can đảm, cố gắng hết sức mình, ai làm phần việc của mình cũng phải nhanh nhẹn, chính xác mới mong thắng và còn sống. Nhất là các ổ súng và toán phòng tai phải lo chuẩn bị trước, xem xét lại súng ống, đạn nước phải đem từ hầm đạn lên để sẵn ở các ụ súng, ống nước cứu hoả phải trải sẵn ra. Máy bơm nước phải sẵn sàng.
Sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974 HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo như dự định.
Tôi gọi máy cho Thiếu tá Thà và nói là nếu chừng nào thấy tôi khai hỏa là phải khai hỏa theo liền.
Khi HQ-16 và HQ-10 qua khỏi hai cái “pass” và vừa tầm súng, tôi quay ngang tàu HQ-16 đưa phía hữu hạm của HQ-16 hướng về ba tàu Trung Cộng. Mục đính của tôi là để tận dụng tất cả súng từ mũi ra sau lái. Nếu hướng mũi tàu về phía tàu Trung Cộng thì chỉ sử dụng được hỏa lực ở phía trước mũi thôi.Với lợi thế sử dụng tối đa hỏa lực nhưng cũng có cái bất lợi là hứng đạn của địch nhiều hơn. Nhưng vì tôi đánh phủ đầu tàu Trung Cộng nên phải sử dụng tối đa hỏa lực. So với tàu Trung Cộng, tàu tôi có đủ loại súng tàu Trung Cộng có, ngoài ra còn có thêm khẩu 127 ly mà tàu Trung Cộng không có. HQ-10 chỉ có hỏa lực ngang bằng tàu Trung Cộng.
Khi đang tiến vào lòng chảo, tôi đã mừng thầm khi thấy ba tàu Trung Cộng đều ở trong lòng chảo, tức là những mục tiêu tốt cho HQ-16 và HQ-10 tác xạ. Nếu chúng ở rải rác, chiếc trong chiếc ngoài lòng chảo thì tôi cũng chưa biết tính sao vì tàu Trung Cộng tuy nhỏ nhưng linh động hơn, nếu chúng ra ngoài biển thì khó bắn trúng hơn vì nó nhỏ và chạy nhanh, còn tàu tôi lại là mục tiêu tốt cho tàu Trung Cộng vì to con nên nặng nề, chậm chạp nên dễ lãnh đạn hơn. Nhưng nay thì cả ba tàu địch bị vây trong vòng chảo vì hai cái “pass” đã bị HQ-16 và HQ-10 chặn rồi.
Khi đã ở đúng vị trí và vị thế dự định (xin xem hình 2), HQ-16 cách HQ-10 chừng một hải lý, hai tàu HQ-16 và HQ-10 cách ba tàu Trung Cộng từ 3 đến 4 hải lý, tôi ra lênh lần chót: các ổ súng phải luôn luôn theo dõi mục tiêu, mục tiêu nào thuận lợi thì bắn mục tiêu đó. Sau khi hỏi tất cả các ổ súng đã sẵn sàng chưa, tôi ra lệnh khai hỏa.
HQ-16 và HQ-10 đứng yên một chỗ còn ba tàu Trung Cộng di chuyển loanh quanh sát vòng cung lòng chảo gần đảo Duy Mộng và bắn trả chúng tôi.
Tôi hy vọng trong 5,10 phút là triệt hạ được tàu Trung Cộng vì khai hỏa trước và sử dụng tối đa hỏa lực trong khi tàu Trung Cộng bị tấn công bất ngờ vì ngày hôm trước, tàu tôi bị họ chặn, tôi bỏ đi mà không có gì xảy ra nên họ không ngờ rằng tôi sẽ tấn công họ.
Mười phút trôi qua mà chưa thấy tàu Trung Cộng hề hấn gì, tôi bắt đầu sốt ruột, trong khi đó tôi nghe tiếng lách tách, lép bép trên trời như tiếng pháo bông, giữa tàu tôi và HQ-10 và về phía HQ-10 nhiều hơn. Tôi nghĩ chắc là đạn thời chỉnh tức là đạn tự động nổ mà không cần chạm mục tiêu. Trận chiến vẫn tiếp tục. Chừng khoảng phút thứ 20 hay 30, tôi thấy một tàu Trung Cộng bốc khói, một tàu khác có thể bị trúng đạn làm hư hệ thống tai lái nên tàu cứ xoay quanh như gà trống chạy lòng vòng trước khi đạp mái.
Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả.
Sau đó hầm máy hữu HQ-16 báo cáo trúng đạn ở lườn tàu dưới mặt nước. Nước tràn vào tàu.Trung sĩ điện khí Xuân bị thương. Nhân viên cứu hỏa tìm cách bít lỗ thủng. Chừng vài phút sau, tàu bắt đầu nghiêng. Hầm máy báo cáo lỗ thủng bít không được vì nước vào quá mạnh, chỗ thủng nằm trong kẹt không có chỗ cho nhân viên cứu hỏa xử dụng đà chống để chặn tấm bố và tấm gỗ bít lỗ thủng. Nước ngập đến đầu gối. Tôi ra lệnh nếu không bít được lỗ thủng thì đóng nắp hầm máy lại đừng cho nước chảy ra khỏi hầm máy. (Tôi nhớ hầm máy hữu trúng đạn mà trong bài viết của ông Dân thì lại viết là hầm máy tả !).
Tàu chỉ còn một máy tả và một máy điện, phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy tình thế không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, tôi vận chuyển tàu quay trở ra theo cái “pass” đẻ rời lòng chảo.
Tàu mỗi lúc một nghiêng thêm (trên 10°) và chỉ còn một máy nên vận chuyển rất khó khăn. Hầm máy hữu báo cáo nhân viên phải rời hầm máy vì tàu sắp chìm.
Thấy độ nghiêng của tàu đến mức gần hết độ an toàn, có thể tàu sẽ lật, nên tôi ra lệnh: toàn thể nhân viên vào nhiệm sở đào thoát vì sợ họ không còn thì giờ đào thoát kịp. Ra lệnh xong, tôi nắm lấy tay lái tiếp tục lái thay cho nhân viên ra nhiệm sở.
Trong khi tôi đang lái thì Đại úy Hiệp, cơ khí trưởng, chạy lên đài chỉ huy, nói với tôi: “Vì sao hạm trưởng cho nhiệm sở đào thoát? Tôi đang ráng làm cân bằng tàu”. Tôi nói là tàu mỗi lúc một nghiêng thêm, không biết sẽ lật chìm lúc nào nên phải chuẩn bị đào thoát.
Lúc này tàu nghiêng đã đến độ bão hòa (không nghiêng thêm nữa) vì nước đã vào đầy hầm máy. Tôi cho giải tán nhiệm sở đào thoát và vào lại nhiệm sở tác chiến. Lúc này ở đài chỉ huy có Trung úy Đoàn Viết Ất, tôi nói với Trung úy Ất: “Tàu nghiêng như thế này, khó mà lái ra biển an toàn được, chắc tôi phải ủi tàu vào đảo khí tượng (đảo Hoàng Sa) để cố thủ và chờ HQ-4, HQ-5 tiếp viện”.
Trung úy Ất nói với tôi: “Xin Hạm trưởng đừng ủi tàu vào đảo khí tượng. Mình sẽ bị Trung Cộng bắt làm tù binh. Làm tù binh Trung Cộng thì kể như chết rục xương trong tù, không còn thấy cha mẹ, vợ con, quê hương xứ sở. Xin Hạm trưởng cứ lái ra biển. Tàu có chìm thì đào thoát vẫn còn cơ may sống sót. Nếu chết thì chết trên biển vẫn sướng hơn”.
Bây giờ viết lại câu nói này của Trung úy Ất tôi vẫn còn xúc động đến chảy nước mắt. Nghe Trung úy Ất nói, tôi suy nghĩ thêm: Nếu tôi cứ ủi vào đảo khí tượng thì cũng không thể nào ủi sát vào bờ được vì gần bờ đá ngầm rất nhiều. Nếu ủi, tàu sẽ mắc cạn, lườn tàu sẽ bị đá ngầm rạch nát, nước sẽ vào thêm, tàu sẽ hoàn toàn tê liệt mà thủy thủ đoàn cũng không thể nào lên đảo được. Do đó tôi tiếp tục lái tàu ra khỏi “pass” đồng thời ra lệnh nhân viên hướng súng về đằng sau và về phía quần đảo Hoàng Sa canh chừng tàu Trung Cộng truy kích theo.
Khi rời Hoàng Sa, tôi hết sức ân hận đã bỏ lại trên đảo một toán nhân viên 8 người do Trung úy Liêm chỉ huy khi có lệnh đưa nhân viên lên giữ đảo. Trung uý Liêm và toán nhân viên sau đó đã mạo hiểm vượt biển bằng bè vì không muốn Trung Cộng bắt làm tù binh. Sau hơn mười ngày lênh đênh trên biển, bè trôi về tận ngoài khơi Qui Nhơn, được ngư phủ cứu và đưa vào bệnh viện Qui Nhơn cấp cứu. Họ vượt biển mà không chuẩn bị thức ăn nước uống nên Hạ sĩ quản kho Nguyễn Văn Duyên đã chết vì kiệt sức khi đưa vào Qui Nhơn.
Ra khỏi “pass” tôi hướng tàu về Đà Nẵng, lúc này khoảng 5 - 6 giờ chiều ngày 19 tháng 1 năm 1974. Tàu chỉ còn một máy và nghiêng nên chạy chậm. Khi trời bắt đầu tối, tàu cách Hoàng Sa chừng 15 hải lý. Lúc này tôi mới thở ra nhẹ nhõm vì chắc tàu Trung Cộng cũng bị thương tích cả người lẫn tàu nên không truy kích tàu tôi.
Bây giờ mối lo khác lại đến với tôi là tàu có thể lật chìm bất cứ lúc nào nếu có sóng chếch xuôi rất dễ làm tàu lật. Tôi cho nhân viên chuẩn bị các bè nổi, xem xét lại cách xử dụng để khi hữu sự thì làm cho nhanh chứ khi tàu lật thì không có thì giờ mà mò mẫm.
Lúc này hệ thống truyền tin vừa được sửa chữa xong. Nhân viên vô tuyến báo cáo tình trạng chiến hạm về Bộ Tư lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, nhưng không thấy HQ-4 và HQ-5 lên tiếng.
Một tin làm bàng hoàng mọi người trên chiến hạm là Trung sĩ Điện khí Xuân trút hơi thở cuối cùng vì vết thương quá nặng mà không được săn sóc đúng mức.
Đại úy Hiệp mang họa đồ chiến hạm các khoang hầm trên tàu lên đài chỉ huy cho tôi biết đã làm cân bằng tàu bằng cách bơm nước và dầu từ hầm này sang hầm khác và dồn về phía tả hạm, nhưng tàu cũng không bớt nghiêng bao nhiêu. Đại úy Hiệp nói: “Bây giờ chỉ còn cách bơm xả nước ngọt và dầu ra biển may ra mới làm tàu bớt nghiêng”. Xả nước ngọt và dầu ra biển thì tôi rất ngại mà cũng không chắc là khi xả xong tình trạng có khá hơn không hay lại tệ hơn vì phải biết trọng tâm con tàu trước và sau khi xả nằm ở đâu rồi mới dám làm.
Học môn lý thuyết thuyền bè trong trường Hải Quân nhưng ra trường lâu ngày và gặp lúc hữu sự, lại không còn nhớ cách tính trọng tâm con tàu nên tôi không dám bảo Đại úy Hiệp làm và giữ nguyên tình trạng như vậy mà chạy về Đà Nẵng. Cũng may nhờ biển rất êm nên không có gì xảy ra.
Sáng 20 tháng 1 năm 1974, khoảng 7 - 8 giờ, tàu vào vịnh Tiên Sa Đà Nẵng nhưng tôi không vận chuyển cặp cầu được. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải phải xin tàu dòng từ Ty Thương Cảng Đà Nẵng, kẹp ngang hông HQ-16 mà cặp cầu quân cảng Đà Nẵng.
Cặp cầu xong, Thủy xưởng Đà Nẵng sang bơm dầu, nước ngọt ra, làm nhẹ tàu cho tàu nổi lên rồi tìm cách bít tạm lỗ thủng dưới nước (do người nhái lặn xuống nước mà bít, tôi nhớ như vậy không biết có đúng không?). Sau đó bơm nước ngập hầm máy ra và hàn lại lỗ thủng ở hầm máy.
Ngày hôm sau, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải xin toán tháo gỡ đạn dược từ Quân đoàn I sang để tháo gỡ viên đạn còn nằm lại trên tàu. Viên đạn được bắn vòng cầu, rơi xuống nước gần HQ-16, do tốc độ của viên đạn nên khi xuống nước gặp sức cản của nước, viên đạn không đi thẳng xuống nước mà bị lệch hướng rồi đâm vào lườn tàu HQ-16 dưới mặt nước. Viên đạn vẫn còn tốc độ di chuyển, xướt qua một góc máy điện, xuyên đứt tay Trung sĩ điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó. May là viên đạn không nổ, chứ nổ thì HQ-16 chìm tại chỗ!
Lấy được viên đạn ra, toán tháo gỡ đạn dược ngạc nhiên cho biết rằng viên đạn “made in USA” và cỡ 127 ly. Sau này truy ra mới biết là đạn do HQ-5 bắn.
Sau khi sửa chữa xong, sơn phết lại, làm sạch sẽ, chiến hạm HQ-16 được lệnh về Sài Gòn làm lễ tiếp đón chiến hạm trở về từ Hoàng Sa. Phần thượng tầng kiến trúc của chiến hạm bị lỗ chỗ các lỗ thủng do đạn 40 ly và 20 ly bắn vào vẫn để y nguyên, mục đích cho dân chúng Sài Gòn ai tò mò muốn xem chiến hạm dự trận Hoàng Sa về ra sao, khi lên tàu xem sẽ thấy dấu tích còn để lại trên tàu. Tàu cặp cầu B ở bến Bạch Đằng.
Trong buổi lễ tiếp đón, tôi cùng 4 - 5 nhân viên được Tư Lệnh Hải quân gắn huy chương. Sau buổi lễ dân Sài Gòn được lên xem tàu.Và phóng viên BBC là ông Tôn Thất Kỳ phỏng vấn tôi. Ông hỏi tôi có thấy máy bay phản lực Trung Cộng dự chiến trong trận Hoàng Sa không? Tôi trả lời là tôi không thấy.
Ngày hôm sau, Khối Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư Lệnh Hải Quân (lúc đó Đại tá Trần Văn Triết làm trưởng khối thì phải), phái một Thiếu úy hay Trung úy (mà tôi không nhớ tên hay cấp bậc), xuống HQ-16. Anh ta nói với tôi “Tại sao Hạm trưởng trả lời phỏng vấn đài BBC là không thấy phản lực cơ Trung Cộng?”
Tôi trả lời vị sĩ quan đó: “Anh về nói lại trên Bộ Tư Lệnh là tôi không thấy nên tôi trả lời không có. Nếu Bộ Tư Lệnh muốn tôi nói có thì phải báo trước cho tôi biết”.
Tôi nghĩ nguồn tin này do Đại tá Ngạc báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân nên Bộ Tư Lệnh Hải Quân muốn tôi trả lời phỏng vấn cho phù hợp với nguồn tin. Cũng như Đại tá Ngạc báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân: HQ-10 và HQ-16 mất tích.
Lúc HQ-16 về Sài Gòn, tôi nghe nói lại (không biết có đúng không) là khi nhận được tin HQ-16, HQ-10 mất tích, Đại tá Võ Sum, Trưởng khối Truyền tin Hải quân, đã dùng con lắc (một loại dụng cụ cảm ứng) để xem thử HQ-16 còn hay mất. Tôi không nghe nói kết quả của việc dùng con lắc này.
Sau khi trình bày chi tiết những gì xảy ra trong trận Hoàng Sa, tôi xin nêu lên những nhận xét của tôi về trận chiến này:
1. Trong trận Hải chiến Hoàng Sa, Hải Quân Việt Nam không có loại tàu thích hợp cho trận chiến. HQ-5, HQ-16, HQ-10 là loại tàu cồng kềnh, vận chuyển chậm, súng quay bằng tay nên theo dõi mục tiêu khó khăn cũng như nhịp bắn chậm. Chỉ có HQ-4 là tối tân nhất, các súng đều sử dụng bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao. Nhưng HQ-4 lại không xung trận.
Lúc trước sở phòng vệ Duyên Hải ở Đà Nẵng có loại tàu PT chuyên đi bắn phá phía bắc vĩ tuyến 17 là loại chiến hạm thích hợp với trận chiến Hoàng Sa. Nhưng tôi nghe nói Hoa Kỳ đã thu hồi lại loại tàu này khi họ rút quân khỏi Việt Nam, trước ngày trận chiến Hoàng Sa xảy ra.
2. Không có kế hoạch hành quân. Kể từ khi có mặt ở Hoàng Sa, tôi chỉ có biết một lệnh duy nhất từ Đại tá Ngạc qua máy âm thoại, chỉ định tôi chỉ huy HQ-10 và có nhiệm vụ phải đổ bộ toán người nhái, mà trong bài viết của ông, ông gọi là Biệt Đội Hải Kích, lên đảo Quang Hòa bằng bất cứ giá nào. Ngoài ra tôi không biết gì về hoạt động của HQ-4 và HQ-5 cũng như nhiệm vụ của họ.
Gần đây đọc bài “Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa” của Đại tá Ngạc, tôi mới biết là ông chia bốn chiến hạm thành hai phân đoàn:
· Phân đoàn I gồm HQ-4 và HQ-5 (Đại tá Ngạc ở trên HQ-5), do Hạm trưởng HQ-4 chỉ huy là nổ lực chính.
· Phân đoàn II gồm HQ-10 và HQ-16 do Hạm trưởng HQ-16 chỉ huy là nổ lực phụ.
Nội việc chỉ định Hạm trưởng HQ-4 chỉ huy Phân đoàn I là sai nguyên tắc chỉ huy, vì Đại tá Ngạc ở trên HQ-5, như vậy thì Hạm trưởng HQ-4 (Trung tá Vũ Hữu San) chỉ huy luôn cả Đại tá Ngạc sao? Đại tá Ngạc là người chỉ huy trận chiến thì phải kiêm luôn chỉ huy Phân đoàn I mới đúng. Suốt trận chiến, HQ-4 và HQ-5 làm gì tôi không được biết. Và cho đến lúc rời Hoàng Sa về Đà Nẵng, tôi chẳng thấy HQ-4 và HQ-5 đâu.
Sau trận chiến, tôi thấy phải đổi lại Phân đoàn I (gồm HQ-4 và HQ-5) là nỗ lực phụ. Phân đoàn II (gồm HQ-10 và HQ-16) mới đúng vì Phân đoàn II trực chiến với tàu Trung Cộng trong lòng chảo, trong khi Phân đoàn I chỉ ở bên ngoài “wait and see”. Và vì quá lo sợ Trung Cộng nên tin chắc thế nào Phân đoàn II cũng bị đánh chìm, Đại tá Ngạc mới ra lệnh HQ-5 bắn vào lòng chảo 5-7 phát trước khi rút lui. Tôi không trách HQ-4 và HQ-5 vì họ chịu sự điều động của Đại tá Ngạc.
Vì không có kế hoạch hành quân nên máy truyền tin bị Trung Cộng phá rối không liên lạc được mà không có tần số dự trù thay thế.
3. Muốn thanh toán quân Trung Cộng trên đảo (tôi nghĩ không nhiều, chừng một tiểu đội) mà dự định đổ bộ một toán người nhái 9, 10 người thì khó mà thành công. Phải có 1, 2 tiểu đội Thủy Quân Lục Chiến tăng cường yểm trợ mới được. Cần thêm xuồng cao su để đổ bộ quân, tiếp tế lương thực, nước uống và vật dụng.
4. Ra lệnh đưa quân lên giữ đảo mà không cung cấp lương thực, nước uống đầy đủ. Thủy thủ đoàn không có kinh nghiệm tác chiến trên bộ, chỉ có súng cá nhân và một ít đạn bắn chừng nửa tiếng là hết, làm sao giữ được đảo. Nếu chiến hạm bận tác chiến hay bị thiệt hại thì số quân nhân đưa lên đảo phải bị bỏ rơi như trường hợp HQ-16. Đúng là lệnh lạc kiểu mang con bỏ chợ. Phải có kế hoạch đưa Bộ binh hay Thủy Quân Lục Chiến giữ đảo và phải có kế hoạch tiếp tế.
5. Không có bác sĩ trên chiến hạm, chỉ có y tá không kinh nghiệm cứu thương cũng như ngoài khả năng của họ nên ai bị thương thì khó mà sống sót.
6. Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có chiến thuật gì rắc rối, phức tạp cả. Tôi chỉ khai thác sơ hở của ba chiến hạm Trung Cộng tập trung một chỗ trong lòng chảo để tấn công. Nếu thủy thủ đoàn HQ-10 và HQ-16 có kinh nghiệm tác xạ, HQ-16 không bị trúng đạn của HQ-5 và Hạm trưởng HQ-10 không bị thương thì chắc chắn ba tàu Trung Cộng phải bị đánh chìm. Tôi còn nghi vấn về Hạm trưởng HQ-10 bị thương là do đạn thời chỉnh của Trung Cộng hay của HQ-4, HQ-5 ?
7. Sau trận chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân hay ít nữa là Bộ Tư Lệnh Hạm Đội cần có một buổi hội gồm các cấp chỉ huy các đơn vị tham dự trận chiến để mỗi người trình bày những hoạt động của đơn vị mình, nói lên những nhận xét để rút kinh nghiệm học hỏi, cùng những đề nghị nếu được áp dụng thì trận chiến sẽ có kết quả tốt hơn để mọi người cùng thảo luận. Đằng này mọi chuyện đều cho trôi xuôi luôn.
–�—
Bài viết của tôi đến đây xem như đã trình bày xong trận chiến Hoàng Sa, nhưng cũng xin nối tiếp thêm bài viết “Tường thuật trận hải chiến lịch sử” của Đại tá Hà Văn Ngạc.
Toàn bài viết của Đại tá Ngạc từ đầu đến cuối là sai sự thật. Những điều ông nói khó mà kiểm chứng. Chỉ những người ở trên HQ-4, HQ-5, HQ-10 và HQ-16 mới thấy là hoàn toàn do óc tưởng tượng dàn dựng ra. Tôi chỉ nêu lên một số chi tiết mà tôi thấy vô lý hoặc có liên hệ đến tôi mà sai sự thật.
Ông viết: “Bất thần về phía đông vào khoảng 11 giờ 25 sáng, cách xa chừng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung Cộng loại có trang bị mỗi bên một giàn phóng kép hỏa tiễn loại hải - hải đang tiến vào vùng giao tranh”. Cách xa chừng 8 đến 10 hải lý khó mà thấy được mỗi bên một giàn phóng hỏa tiễn. Chỉ tưởng tượng thôi!
Sau đó cũng chẳng thấy ông nói đến chiến hạm Trung Cộng này làm gì. Ngoài ra ông còn lo sợ cả phản lực cơ và tiềm thủy đỉnh Trung Cộng. Vì quá lo sợ nên không còn tinh thần để chiến đấu nữa. Ông Ngạc viết: “Khoảng 7:00 sáng ngày 20 tháng 1, 1974 thì hai chiến hạm Phân đoàn I về tới căn cứ an toàn. Tuần dương hạm HQ-16 cũng đã về bến trước đó ít lâu …”.
Sự thực, sáng ngày 20 tháng 11 năm 1974, HQ-16 về đến quân cảng Đà Nẵng và sau đó chẳng thấy HQ-4 và HQ-5 ở Đà Nẵng. Chỉ một mình tôi lên trình diện Tư Lệnh Phó Hải Quân trong phòng hội của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải để trả lời những câu hỏi liên quan đến tổn thất giữa địch và ta trong trận chiến.
Ông Ngạc viết: “Sau khi di tản các chiến sĩ thương vong và tử vong lên căn cứ thì chỉ có ba vị Đô đốc cùng Hải Quân Đại tá Nguyễn Viết Tân, chỉ huy trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải lên Tuần dương hạm HQ-5 và vào phòng Hạm trưởng để dự cuộc thuyết trình về trận đánh. Ba vị Hạm trưởng (HQ-5, HQ-16 và HQ-4 – ghi chú của người viết) đều có mặt để trình bày chi tiết về chiến hạm của mình .v.v…”.
Tôi (Hạm trưởng HQ-16) đâu có mặt trên HQ-5 như Đại tá Ngạc viết.
Trong bài của ông có viết HQ-4, HQ-5 bị trúng đạn, thiệt hại khá nhiều, định chạy về Subic Bay Phi Luật Tân để xin Hoa Kỳ sửa chữa.
Sự thật HQ-4 và HQ-5 chẳng bị trầy một mảnh sơn nào cả. Cả Hải quân đều biết. Vì thế cho nên chỉ một mình HQ-16 được tiếp đón ở Sài Gòn và gắn huy chương chứ không có Đại tá Ngạc hay HQ-4 và HQ-5.
Trong bài viết “Biển Đông dậy sóng” của ông Trần Bình Nam, có câu: “Đại tá Ngạc biết có một cái gì đó sau lưng trận đánh nên đã dè dặt đôi lời trước khi viết rằng, … vân vân …”. Cái gì sau lưng đó, nay được ông Trần Bình Nam nói ra: Đó là chuyến công du Trung Quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 của ông Henry Kissinger mà nội dung ghi lại trong cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval” và được ông Trần Bình Nam trích ra trong bài viết của ông ta. Đại khái là Hoa Kỳ bắt tay với Trung Cộng để chống lại Nga Sô và qua một vài câu dẫn chứng, ông Trần Bình Nam kết luận có lẽ có sự thỏa thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung Quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Trần Bình Nam viết: “Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung Quốc lén lút đổ bộ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels và vân vân …” Phần tiếp theo của đoạn này chỉ dựa vào những chi tiết sai sự thật trong bài viết “Tường thuật trận hải chiến lịch sử Hoàng Sa” của Đại tá Ngạc. Như trước ngày trận chiến xảy ra, quân Trung Cộng đã chịu rời đảo mà họ đã chiếm khi có quân từ các chiến hạm Việt Nam đổ bộ chiếm lại đảo (Trung Cộng chỉ chiếm một đảo duy nhất là đảo Quang Hòa. Còn quân từ các chiến hạm chỉ đổ bộ lên các đảo không có quân Trung Cộng như đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc. Toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa nhưng bị bắn nên phải rút ra - lời người viết).
Những điều ông Trần Bình Nam viết chỉ là những phỏng đoán, chẳng có gì chứng tỏ được Hoa Kỳ ngầm thỏa thuận cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Ngược lại, theo nhận xét của tôi, khi dự trận chiến Hoàng Sa, tôi thấy Trung Cộng rất dè dặt trong việc xâm chiếm Hoàng Sa. Trước sau họ chỉ đưa ra vỏn vẹn có ba chiến hạm không thuộc loại tối tân, có thể vì họ ngần ngại có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Họ không đưa ra một lực lượng hùng hậu để đánh chiếm Hoàng Sa vì họ sợ nếu Hoa Kỳ phản ứng thì sẽ thành lớn chuyện khó xử. Ngoài ra họ còn sợ dư luận thế giới nữa.
Ông Trần Bình Nam nói, nhờ Hoa Kỳ can thiệp nên Trung Cộng đã nhanh chóng trao trả (qua ngả Hồng Kông) số quân nhân và dân chính trên đảo Hoàng Sa cùng một số ít thủy thủ đoàn của HQ-10 còn sống sót. Tôi không chắc có phải do Hoa Kỳ can thiệp không. Theo tôi, Trung Cộng đã chiếm được đảo Hoàng Sa rồi thì sá gì mấy chục mạng người mà không trao trả. Giữ để làm gì? Không cần Hoa Kỳ can thiệp họ cũng tự động dàn xếp để trao trả, vừa được tiếng nhân đạo vừa xoa dịu sự công phẫn của dân chúng Miền Nam Việt Nam và có thể của cả dư luận thế giới nữa.
Có sự bắt tay giữa Hao Kỳ và Trung Cộng để hai bên rảnh tay chống lại Nga Sô nhưng không chắc có sự thỏa thuận của Hoa Kỳ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Có thể một trong những lý do Trung Cộng chiếm Hoàng Sa là để thăm dò mức độ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng sau khi đã ngầm bắt tay nhau. Trung Cộng chỉ cần đưa tới Hoàng Sa ba chiếm hạm để thăm dò vừa Hoa Kỳ vừa Việt Nam Cộng Hòa.
Nếu Việt Nam Cộng Hòa sợ oai hùm của anh khổng lồ mà tháo lui thì họ không còn gì mong đợi hơn nữa. Còn nếu Việt Nam Cộng Hòa tận lực bảo vệ về đánh thắng họ thì họ sẽ chờ lúc khác, chắc cũng không lâu, nếu Hoa Kỳ không tỏ thái độ trong lần này. Còn giả sử nếu có sự thỏa thuận của Hoa Kỳ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa đi nữa thì dân nước Việt chúng ta có đánh hay không?
Nếu có ai hỏi Đại tá Ngạc hay ông Trần Bình Nam là những người thức thời, nhìn xa hiểu rộng, thì tôi chắc hai người này sẽ dõng dạc công khai tuyên bố: “phải đánh”. Còn đánh như thế nào, đồng tâm hiệp lực mà đánh hay đánh chiếu lệ, nửa nạc nửa mỡ, xem đồng đội như vật hy sinh, thì cái đó không phải là chuyện công khai …
Lê Văn Thự
March 2004
Friday, July 9, 2010
Quân Y Trong Thời Chiến
Tôi chỉ mong một điều là được góp phần nhỏ bé trong công việc làm cho các em, các thế hệ sau này biết thêm chân dung sự thật của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thấy được cuộc sống của những người đã 1 thời chiến đấu bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam và tôi xin riêng tặng cho những người lính Quân Y không danh, không lợi nhưng vẫn chiến đấu kiên cường, chấp nhận hy sinh gian khổ, sống đầy tình nghĩa, thực sự là huynh đệ chi binh. Xin 1 lần cám ơn đến các anh em quân nhân thuộc Trung Đội 2/ Đại Đội 14/ Tiểu Đòan 1 Quân Y / Sư Đòan 1 Bộ Binh QLVNCH, và mong sẽ có 1 lần chúng ta gặp lại nhau.
Vì không có khiếu văn chương, nên xin quý vị vui lòng ráng đọc dùm. Còn nhớ những ngày ở trong trại tù cộng sản, tôi cứ phải đi làm thêm 1 gánh củi trả công cho anh bạn nào làm giúp cho bài thơ báo tường dịp Tết theo chỉ tiêu của trại cải tạo và bọn cán ngố. Sau lễ mãn khóa ở trường Quân Y, chúng tôi được 2 tuần nghỉ phép về thăm nhà và thu xếp hành trang trước khi trình diện đơn vị mới.
Đáp xuống phi trường Đà Nẵng vào lúc 1 giờ khuya, bọn tôi là những tân sĩ quan trợ y được bổ nhiệm về các Sư Đoàn 1, 2 và 3 trấn đóng ở vùng 1 chiến thuật. Đây cũng là thời điểm quyết liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Về cùng Sư Đoàn 1 gồm có Long Lùn, Mỹ, và tôi. Nhóm đi Sư Đoàn 3 có Minh và Ngư ( Chuẩn Úy Nguyễn Ngư đã hy sinh tại mặt trận Quế Sơn sau đó chỉ có 3 ngày ). Sau khi trình diện ở Tiểu Đoàn 1 Quân Y, tôi nhận sự vụ lệnh về làm Trưởng Toán Quân Y Xung Kích thuộc Tiểu Đoàn 4 của Trung Đoàn 3 Bộ Binh. Ngày đầu tiên ra đơn vị đang hành quân vùng quanh đèo Sơn Na mặt Tây Nam Huế, ngồi ở sân bay chờ trực thăng bốc ra mặt trận để thay cho vị sĩ quan trợ y vừa mất tích trong lúc đánh nhau. Tôi vô cùng lo lắng, hồi hộp vì biết rằng sắp sửa được ném vào lò lửa nóng nhất lúc bấy giờ là mặt trận Bagstone Tây Nam Huế. Ngay lúc đó người hoa tiêu trưởng toán trực thăng UH1B có nhiệm vụ đổ quân vào vùng lửa đạn chợt kêu lên và hỏi tôi rằng :
-Mày đi chuyến này phải không ? Ngẩng nhìn lên mới biết đó là ông anh cả của tôi.
- Dạ, em ra trình diện đơn vị mới.
- Thế mày có biết đơn vị mày đang ở đâu không ?
- Dạ, không rõ chi tiết, dường như đơn vị đang hành quân.
- Mày có nghe nói về mặt trận Bagstone Huế không ? Tiểu Đoàn 4 của mày đang nằm ở Đèo Sơn Na, cách căn cứ Bagstone khỏang 15 cây số, sâu trong rừng để làm chốt chặn đường 547 trên đèo, cản không cho VC tiếp tế mặt trận. Trên đường bay vào vùng khi nhìn xuống mày sẽ thấy mặt đất lỗ chỗ đầy hố bom như mặt trăng do máy bay B52 cày nát.
Vì thương thằng em ruột, anh bảo tôi rằng khi đến nơi thì cứ ngồi yên trên trực thăng, đừng nhảy xuống và anh sẽ tìm cách đưa về nhà đào ngũ. Vậy mà khi trực thăng vừa xà xuống bãi đáp dã chiến giữa núi rừng, tôi cũng nhào theo toán lính. Lúc nhìn lên thì trực thăng đã bay xa rồi. Từ đây bắt đầu 1 cuộc đời mới, lính chiến thực thụ, đối diện với quân thù, với súng đạn chết chóc bất cứ lúc nào, phải tập làm quen với quy luật sống còn của chiến tranh thôi.
Trong cuộc hành quân đầu tiên này có 1 điều mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên được là có 1 lần trong lúc di hành trời nắng khô và nóng bức, mọi người đều mệt lả, lệnh cho dừng quân nghỉ dưỡng sức. Gặp 1 hố bom có nước, ai nấy cũng nhào đến múc nước uống không kịp bỏ cả thuốc lọc nước sát trùng. Riêng tôi nằm dài ra úp mặt xuống vừa uống vừa rửa mặt luôn thể. No nê tỉnh táo thì tôi mới thấy 1 xác chết có lẽ là VC đang thối rữa, cách đó khỏang 1 mét. Tôi quay sang hỏi vị Đại Úy bên cạnh :
- Đại Úy có nhìn thấy cái xác chết kia không ?
- Thấy chớ sao không.
- Sao ông không cho tôi biết ?
- Cho anh biết làm chi, để anh uống mà có sức tiếp tục lội nữa chứ !.
Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh đến đóng quân tại căn cứ Mái Nhà, 1 cao điểm đối diện và gần căn cứ Bagstone, thuộc tuyến phòng thủ mặt Tây Nam Huế, kiểm soát con đường 547 từ Hạ Lào về. Ngày qua ngày, chiến sự dịu dần sau chiến thắng lẫy lừng tái chiếm lại căn cứ Bagstone. Tôi đã quen dần tiếng pháo binh mỗi lần đạn đi xé gió đến cả trăm quả. Tiếng hải pháo 400 ly từ biển bắn vào. Rồi chấm dứt hành quân, về lại hậu cứ của Trung Đoàn 3 tại Hiền Sĩ cây số 17, tôi lại nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển đi đơn vị khác, Tiểu Đoàn 2/3, còn Tiểu Đoàn 4 xung kích thì giải tán sau đó và nhập vào quân số của 3 tiểu đoàn 1, 2 và 3 cho đúng cấp số Trung Đoàn.
Kể từ lúc này tôi chính thức là Sĩ Quan Trợ Y Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh mà đám VC còn gọi là Sư Đoàn Anh Cả Đỏ. Cho đến bây giờ hơn 30 năm sau, trên đất Mỹ tôi vẫn còn nghĩ là mình cũng vẫn là Sĩ Quan Trung Đội Trưởng Trung Đội 2/14 thuộc Tiểu Đoàn 1 Quân Y như ngày nào. Tôi vẫn mong có ngày gặp lại anh em lính tráng quân y cũ, dù rằng đã hao hụt nhiều tại mặt trận. Đó cũng là điều mà tôi muốn nói lên sự hy sinh, chịu đựng gian khổ của những người lính quân y, những người lính với số tiền lương ít ỏi, không có cả phụ cấp tác chiến 4.500 đồng nhưng vẫn phải đương đầu với súng đạn quân thù, hy sinh tính mạng cho tới giây phút cuối cùng của tháng 3 đen gãy súng trên bãi biển Thuận An Huế năm 1975.
Sau khi nhận bàn giao hậu cứ cùng kho thuốc của Quân Y Tiểu Đoàn 2/3 xong, tôi theo xe tiếp tế lên vùng hành quân, trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưỏng TĐ 2/ trên căn cứ Hoàng Đế ( King ). Vì đơn vị đang hành quân nên tôi không làm sao gặp mặt được anh em y tá trực thuộc, chỉ nghe giọng nói qua máy truyền tin PRC 25, trở ngại lớn nhất lúc bấy giờ là tôi chưa nghe quen tiếng Huế hoặc tiếng Quảng Trị, anh em lính nói xong tôi chỉ hiểu có mỗi chữ ‘’ Hỉ ‘’ còn ngoài ra không hiểu gì ráo trọi, nên phải nhờ anh Trung Đội Phó, Trung Sĩ Nhất Thao thông dịch lại dùm, phụ làm công điện và điều hành mọi việc....
Tình hình có vẻ lắng dịu, nên tôi được lệnh dời Bộ Chỉ Huy 2/3 về căn cứ ‘’ Tea Point ‘’ hay Hiệp Khánh, đóng chung với bộ chỉ huy hành quân của Trung Đoàn 3, Sư Đoàn1 Bộ Binh. Càng gần ngày ngưng bắn theo Hiệp Định Paris là ngày 27 tháng 1 năm 1973, thì đám VC càng pháo kích vào căn cứ dồn dập hơn, từ đại pháo 130 ly đến hỏa tiễn 122 ly rồi súng cối 82 đến 106 ly đủ loại, nhưng anh em Quân Y vẫn thất nghiệp không có gì làm vì cộng quân bắn quá tệ, cả ngàn quả đạn mà không có được 1 quả nào trúng trong vòng rào căn cứ, chỉ vài quả rớt gần sân bay nên vô sự. Đúng 8 giờ sáng ngày 27 tháng 1 năm 1973 lệnh ngưng bắn có hiệu lực, tiếng súng im bặt, mọi người khoan khoái chui ra khỏi hầm vươn vai hít thở không khí trong lành của buổi sáng nhưng khi nhìn xuống núi mới kêu trời. Bọn VC thừa dịp trong đêm trước đã cho lính cắm cờ tràn lan đồng thời đưa quân đánh chiếm 1 số làng xã miệt Lai Chữ, Hương Trà...
Tiểu Đoàn nhận lệnh hành quân gỉai tỏa, chia làm 2 cánh quân. Đại Úy Ngẫu Tiểu Đoàn Phò cùng bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2 do Thiếu Tá Toại Tiểu Đoàn Trưởng cùng chi đội thiết vận xa M113 tấn công giải tỏa làng Lai Chữ, xong lại di chuyển qua căn cứ Bình Minh để tấn công mặt trận vùng Thượng Lưu sông Bồ. Trận chiến xảy ra dữ dội, Quân Y làm việc cật lực, gần như không nghỉ tay, có lúc thương binh về quá đông nằm cả cánh đồng, cấp cứu phân loại nặng nhẹ để lo tản thương, cao điểm là lúc cả 3 tiểu đoàn của Trung Đoàn 3 BB vượt sông Bồ.
Đứng trên căn cứ Bình Minh nhìn xuống xem còn hơn trong phim. VC lập tuyến phòng thủ dọc theo bên bờ Bắc của sông Bồ, pháo 133 ly dập liên tục dài theo sông, 1 quả rớt trúng ngay bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn Trưởng cùng 1 số sĩ quan ban tham mưu đã tử trận, nhưng mức độ tấn công vẫn không thay đổi, nhìn qua phe ta tôi thấy Thiếu Tá Thoại ( biệt danh Thoại Đế ) đang ở trần mặc quần cụt, chân đi giầy sô mang dây ba chạc, lon lá gắn trên dây đạn đen thui, đầu không nón sắt đứng chỉ huy, nhìn giống như ông Táo Quân. Quan như vậy thì hèn nào lính đánh giặc ngon là đúng rồi. Xếp dám đứng giữa lửa đạn thì Sĩ Quan Trợ Y sợ chi mà không đứng cho oai !. Tôi cũng đứng lên. Gần chiều tối tôi chợt nghe y tá nhìn tôi la lên : ‘’ Ông bị thương rồi kìa! ‘’. Nhìn xuống chân tôi thấy có máu chảy nhưng không thấy đau. May mắn mảnh đạn đi cạn qua bắp chân, chỉ chảy chút máu mà thôi, tiếc là làm rách cái ống quần của tôi. Băng bó sơ rồi tôi lại làm việc tiếp như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhờ vậy mà tôi kiếm được cái chiến thương bội tinh đầu tiên trong đời lính.
Sau cùng các đơn vị cũng vượt qua sông, đánh sâu vào trong, truy kích địch đến tận chân núi. Chỉ có binh nhất y tá Thống bị thương nặng phải chuyển về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, còn toàn bộ anh em Quân Y Trung Đoàn 2/14 thì vô sự. Trong trận này riêng Quân Y thu được 1 trung liên RPD do Hạ Sĩ Tống Đình Phước ( dân Thiếu Sinh Quân AET ) đoạt được khi xung phong vào tuyến kháng cự của VC và 1 tiểu liên AK47 do Hạ Sĩ 1 Giao tìm thấy mang về coi như là chiến lợi phẩm của Quân Y giao lại cho tiểu đoàn. Sau trận đánh này Quân Y được 2 chiến thương bội tinh, riêng 1 anh dũng bội tinh thì dành cho Hạ Sĩ Phước. Đầu năm Tết 1973 bộ chỉ huy tiểu đoàn về đóng quân tại cầu An Lỗ ( cây số 19 ) , đến lúc này tôi mới có dịp gặp mặt tất cả anh em y tá thuộc quyền và là lúc chia phiên cho anh em thay nhau đi phép vui Tết cùng gia đình. Thời gian này thì tình hình có vẻ yên tĩnh, đơn vị chỉ hành quân quanh căn cứ Hoà Khánh ( Barbara ), gần động Ông Đô xong lại dời quân về vùng Mái Nhà, Bagstone, Hoàng Đế.
Lúc này chúng tôi được bổ sung thêm 2 y tá là Hạ Sĩ 1 Lê Mịch và Hạ Sĩ 1 Lê Tế thương binh được phân loại yếu kém đưa về đơn vị quân y cùng 1 Hạ Sĩ Quan Quân Y về trung đội 2/14 đó là Trung Sĩ Nguyễn Đình Tám mới mãn khóa từ trường Quân Y. Thực sự quân số tham chiến cuả 1 trung đội quân y thường vào khoảng 16 người, gồm 8 y tá chia ra 4 đại đội, hạ sĩ quan trung đội phó quân y đi theo cánh B hay bộ chỉ huy nhẹ với vị tiểu đoàn phó bộ binh, số còn lại là 4 hoặc 5 y tá cùng tôi theo bộ chỉ huy nặng tiểu đoàn, còn dưới hậu cứ có 2 hạ sĩ quan quân y lo sổ sách, tiếp liệu, công điện, công văn, lương bổng, nhu yếu phẩm tiếp tế, cùng điều hành kho thuốc trạm xá.....
Tuy nhiên, do nhu cầu và tình hình chiến trường tại vùng hành quân, nên ngoài số anh em quân y chuyên nghiệp còn có thêm khoảng hơn 40 y tá cơ hữu của bộ binh tuyển chọn từ các đại đội tác chiến đưa về huấn luyện căn bản về cấp cứu, băng bó và 1 ít kiến thức y tế thông thường, sau đó được trang bị 1 túi cứu thương để có thể vừa chiến đấu vừa cấp cứu tản thương tại mặt trận, do đó hầu như ở bất cứ ở tiểu đội nào của đơn vị cũng có bóng dáng anh em quân y sẵn sàng. Sau Tết cổ truyền 1973, tình hình chiến trường có phần lắng đọng yên tĩnh, vị Tiểu Đoàn Trưởng vừa được thăng cấp, Trung Tá Toại rời tiểu đoàn thuyên chuyển đi làm Quận Trưởng ở Phú Lộc, Huế. Đại Úy Trần Quang Niệm về nhận chức vụ tân tiểu đoàn trưởng cũng vừa đúng lúc chiến sự sôi động trong vùng Quảng Nam/ Đà Nẵng. Các mặt trận bùng lên dữ dội ở Thường Đức, Đức Dục, Quế Sơn, mỏ than Nông Sơn.....
Ngoài Huế nặng nhất là vùng Động Truồi, Cầu Hai, Đá Bạc, Núi Bông, Đồi Nghệ, dãy đồi 300, Đồi Không Tên, Suối Máu..... Hậu cứ trung đội 2/14 quân y có thay đổi nhỏ, Hạ Sĩ 1 Xuân được thuyên chuyển về đơn vị không tác chiến, vì thế tôi phải đưa 1 y tá về thay chỗ ở hậu cứ. Theo đúng nguyên tắc thì người nào thâm niên nhất sẽ được về, Hạ Sĩ 1 Châu đã lội hành quân hơn 7 năm nên được ưu tiên 1 nhưng anh xin nhường lại cho Hạ Sĩ 1 Lê Lự vì Lự có gia đình vợ cùng 6 con nhỏ cần thiết hơn. Anh Châu còn độc thân nên chưa cần lắm và tôi cũng đồng ý. Số không may, Hạ Sĩ 1 Châu ở lại hành quân và đã tử trận sau đó chỉ có 7 ngày trong 1 trận đánh ác liệt trên đỉnh 300. VC tung ra 1 E+ ( trung đoàn ) cộng thêm 1 tiểu đoàn của trung đoàn 3 với quân số áp đảo. Tiểu đoàn 1 và 3 phải lui ra gần quốc lộ 1, riêng tiểu đoàn 2/3 chúng tôi vẫn còn chiến đấu và trụ lại được với tổn thất nặng, cánh B hay bộ chỉ huy nhẹ nằm chung với đại độì bị tan nát, Đại Úy Đơn Tiểu Đoàn Phó cùng Trung Úy Thức Đại Đội Trưởng đã nằm lại chiến đấu để cố gắng chận không cho bọn VC xâm nhập tấn công bộ chỉ huy tiểu đoàn, nhưng vì quân số quá ít so với chiến thuật biển người thí quân của VC nên toàn thể đã hy sinh tại mặt trận. Hạ Sĩ Châu bị trúng 1 quả B40 bên cạnh hông khi anh nhoài người ra ngoài giao thông hào ném lựu đạn. Trung Sĩ Tám Trung Đội Phó Quân Y bị thương chuyển về được tuyến sau và anh đã báo tin buồn này.
Mặt trận càng lúc càng ác liệt nên tôi được lệnh đem số y tá cùng 4 người lính của tiểu đoàn theo bảo vệ, xách theo 1 M79 phóng lựu cùng máy truyền tin PRC 25 liên lạc trên tần số nội bộ di chuyển qua ngọn đồi phía sau để thu gom thương binh lo cấp cứu, tải thương. Trời sáng hẳn, tiếng súng khắp nơi đã phần nào dịu bớt, do không chọc thủng được phòng tuyến và pháo binh bắn chận có hiệu quả. Cộng quân thổi còi chém vè ( chạy làng ), chia thành nhiều toán cố gắng chạy vào rừng có lẽ vì thấy ngọn đồi quân y đóng không có tiếng súng nên 1 toán đông VC nhắm hướng này mà chạy băng qua đồi như 1 bầy chuột.
Thế là quân y, thương binh, lính tráng ai còn ngồi được là nổ súng đánh trả. Sĩ quan trợ y biến thành tiền sát viên lên máy xin cối 81 ly của tiểu đoàn bắn yểm trợ, cũng xa hơn 10 mét, về phải 5 mét ....điều chỉnh cối như thật, tôi học được nghề từ đám bạn tiền sát viên cuả tiểu đoàn 14 pháo binh trước đây. Nhờ phước đức ông bà độ, trận này quân y thắng lớn. Chúng tôi tịch thu được 31 súng đủ loại, có cả đại liên và 16 xác VC. Vụ này Quân Y được thưởng 2 anh dũng bội tinh do trung đoàn cấp, nhưng làm sao vui được khi thương vong quá nhiều. Lúc lên lấy xác Hạ Sĩ 1 Châu, anh chết mà mắt vẫn mở không nhắm, tôi cảm thấy buồn và ân hận rằng nếu để Châu về làm việc tại hậu cứ thì đâu có ra nông nỗi này.
Nhưng tôi chợt nghĩ là người nằm xuống có thể là Hạ Sĩ 1 Lự sẽ là nỗi bất hạnh lớn cho gia đình vợ cùng 6 đứa con thơ của anh. Dù sao Hạ Sĩ 1 Châu ra đi cũng nhẹ gánh hơn, anh còn độc thân lại mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, chỉ còn mỗi bà chị ở xa mà thôi. Lúc trao lại kỷ vật của Châu cho gia đình anh, chúng tôi không cầm được nước mắt. Chiến trận vẫn tiếp diễn ác liệt trong khoảng 4 tháng cho đến ngày tổng phản công tái chiếm lại tỉnh Mỏ Tàu, Núi Bông, Đồi Nghệ, Động Truồi cùng các cao điểm 303, 300, đỉnh 1416...
Trong giai đoạn cam go nguy hiểm này mới thấy được tinh thần chịu đựng của người lính quân y, mỗi y tá ngoài cấp số bông băng, thuốc men, quân trang quân dụng hành quân, họ còn ráng mang thêm 10 quả lựu đạn và 1 quả đạn cối 81 ly, hoặc 1 thùng đạn đại liên giùm cho lính bộ binh. Riêng sĩ quan trợ y được miễn vì còn phải mang theo chai Serum hay Dextran nhưng tôi cũng kẹp theo 1 quả mìn định hướng Claymore. Lúc này tôi mới thấy được tài dụng binh và sự phán đoán nhạy bén cuả vị Tiểu Đoàn Trưởng Trần Quan Niệm, có nhiều lúc tình hình gay go, gần như tuyệt vọng, ông đã có những quyết định nhanh và đúng, đảo ngược thế cờ chuyển bại thành thắng thật ngoạn mục , vì thế mặc dù lúc đó chỉ còn mỗi tiểu đoàn 2/3 trụ lại giữa vòng vây địch, các tiểu đoàn bạn phải ra ngoài gần quốc lộ 1 nằm chờ tái phối trí, còn tiểu đoàn điạ phương quân bên cạnh sườn đã bị tan nát, cả vị tiểu đoàn trưởng và 3 đại đội trưởng đều tử trận nên phải rút ra xa. Nhìn lên bản đồ hành quân trận liệt, đơn vị chúng tôi lọt thỏm ở giữa, chung quanh là màu đỏ ghim đầy chỗ đóng của địch quân.
Nhưng sau 2 lần đụng độ, bọn vịt con có vẻ sợ nên chúng tránh chúng tôi tối đa. Một trận đánh oai hùng và đẹp mắt khác dưới chân Động Truồi đã khiến địch quân gờm mặt chúng tôi. Sau trận đánh mở đầu đưa đến thương vong lớn, Tiểu đoàn 2/3 buộc lòng rút ra khỏi dãy đồi 303, 300.... di chuyển trên các đồi trọc và thấp bên dưới. Cả 3 yếu tố thiên, địa, nhân đều kém địch, bọn vịt con với quân số đông hơn nhiều, tinh thần đang lên cao, chiếm lĩnh hầu hết các cao điểm quan trọng nên hung hăng định nuốt sống chúng tôi. Ban ngày lúc di chuyển qua các đồi tranh, trinh sát VC bám theo sát,Tiểu Đoàn Trưởng Niệm đã có lúc ngửa mặt nhìn lên Động Truồi mà than rằng chưa bao giờ ông ở vị thế hạ phong như vậy.
Trời về chiều ông cho lệnh dừng quân, đào hầm hố phòng thủ, gài mìn và lựu đạn, thông báo các toạ độ rào cản tiên liệu mục tiêu cho sư đoàn cùng pháo binh, lính tráng căng poncho làm lều, lo ăn uống xong ông gọi cho 4 đại đội con cái chung quanh dóng súng 60 ly vào đúng tọa độ của bộ chỉ huy tiểu đoàn rồi chờ lệnh khỏang 10 giờ tối lệnh miệng cho toàn bộ chỉ huy lặng lẽ cuốn gói đi nơi khác. Lều vải để nguyên ngoại trừ lều quân y được cuốn theo để dùng cho thương binh sau này, di chuyển mò mẫm trong bóng đêm gần 1 giờ đồng hồ qua đến ngọn đồi gần đó, tất cả nằm yên chóng súng chờ, ông cùng sĩ quan tham mưu ngồi như cọp rình mồi, và đúng như dự đoán lúc khỏang 4 giờ sáng địch ào ạt nổ súng tấn công rồi xung phong vào ngọn đồi trống, tiếng súng tiếng lựu đạn và mìn claymore gài nổ lung tung, ông vẫn ngồi yên cho đến khi hỏa pháo màu xanh báo tin chiến thắng của VC vút lên cao, mới thấy ông cười và ra lệnh khai hỏa cùng lúc 2 cối 81 ly, 4 cối 60 ly, của các đại đội nã súng liên tục như gĩa thịt vào mục tiêu, đồng thời báo cho trung đòan xin pháo binh bắn vào các hỏa tập tiên liệu.
Sáng hôm sau chúng tôi cho lính trở lui thu gom chiến lợi phẩm, súng đạn....... xác địch quân nằm la liệt trên cả đỉnh đồi. Lại di chuyển, phòng thủ, đúng 1 tuần sau lại tái diễn như vậy, ông cũng đoán đúng ý đồ của địch, nhưng lần này bọn vịt con khôn ranh hơn, sau khi nổ súng xung phong lên, đột nhiên chúng thổi tu huýt thu quân bỏ chạy thật lẹ , có lẽ chúng biết bị lừa vì không thấy tiếng súng và đạn bắn trả, kể từ đó lính lên tinh thần thấy rõ, mọi chuyện yêm xuôi cho đến ngày đổi quân, nhưng cũng chỉ về đến hậu cứ của Sư Đoàn1 tại Dạ Lê được 3 tiếng đồng hồ là có lệnh gấp rút lên hành quân lại liền. Tiểu đoàn bạn lên đổi quân bị đánh úp trong lúc còn đang bố trí. Thiệt hại nặng, tiểu đoàn trưởng bị tử thương, binh lính thương vong khá nhiều.
Sĩ Quan Trợ Y tôi lúc đó còn đang du hí dưới phố, chợt nghe tin từ các anh bạn phi công trực thăng phi đoàn 257 tải thương đêm ở Mang Cá cho hay, tôi vội tốc theo lên, vào vùng lên máy liên lạc với bộ binh đang lập bãi đáp để tải thương, nghe trên máy giọng nói của Tiểu Đoàn Trưởng Niệm ( bí số là 63 ) có vẻ bối rối, tôi vội lên tiếng là đại bàng yên tâm, thẩm quyền thuốc đỏ đang có mặt.
Có lẽ đã từ lâu, hầu hết các Pilot trực thăng thuộc Sư Đoàn 1 Không Quân tôi đều quen biết, trong đó có cả ông anh ruột, nên chi mỗi khi có tiếp tế hoặc tản thương bằng trực thăng, đơn vị đều phải nhờ tôi đứng ra liên lạc phụ điều động thì dù thời tiết có bị mù, xấu cách chi cũng đều được trót lọt. Có lần ông anh tôi cùng bạn bè ổng còn chở dùm đạn dược tiếp tế thẳng ra tuyến trước 1 buổi thay vì để lính cõng bằng đường bộ mất đến cả tuần và trong 1chuyến tản thương đêm, đã có lúc VC dùng PRC 25 thu lượm được để đánh lừa trực thăng cũng tung trái khói, trái sáng tùm lum cứ thấy vậy trực thăng mà nhào xuống là lãnh thẹo liền. Lần đó sau khi liên lạc hướng dẫn trực thăng vào vùng, tôi chợt nghe Đại y Dương Đình Long ( tự Long Dê ) trưởng phi cơ gọi trên máy :
- Bây giờ bạn đốt đuốc và cho khói lên để tôi đáp.
Chợt 1 ý tưởng lóe lên, tôi lặng thinh không cho khói hoặc sáng gì hết và nói :
- Nghe rõ, xong rồi anh thấy chưa ? Tiếng anh Long Dê la lớn :
- Sao mà tùm lum chỗ, biết ở đâu mà xuống !
- Vậy thì nhờ anh kêu Gunship ( trực thăng võ trang ) đánh chết mẹ chúng nó đi, VC đó, tôi chưa có cho trái sáng hay khói gì hết..... nghe rõ trả lời.
Từ đó rút kinh nghiệm, tôi không bao giờ nói rõ chi tiết trái sáng hay trái khói trên máy truyền tin mà để trực thăng tự nhận diện, khi nào thấy đúng và phù hợp thì OK... xuống đi bạn, và do vậy tôi đương nhiên kiêm nhiệm luôn chức vụ sĩ quan không trợ cho đơn vị mà không có lương. Lại hành quân, từ ngày này qua tháng khác, anh em y tá không 1 tiếng than dù đã lâu không được phép tắc xả hơi. Lương lãnh ra gởi dưới hậu cứ, khi cần nhu yếu phẩm hoặc thứ gì, anh em lập danh sách cho hậu cứ lo đầy đủ rồi gởi lên, chớ để mấy cậu lãnh lương trên hành quân lâu ngày, đến khi về nghỉ dưỡng quân có cậu không chịu về phép thăm gia đình, lý do là thua bài cào hoặc sóc đĩa hết rồi lại phải móc tiền túi ra cho mượn rồi trừ lương sau thì phiền quá.
Ngay chính bản thân của quan tôi cũng đã có lần tập họp cả trung đội, mượn tiền mỗi đứa một ít để xuống phố du hí với đào, sau đó thì è cổ ra mà trả lại. Mặt trận cứ lằng nhằn, lúc nóng lúc nguội, qua hết mùa hè, trời bắt đầu dịu mát thì cũng là lúc chiến sự nóng bỏng hơn, phe ta cố ngăn chận các hành lang xâm nhập, tiếp tế của địch, còn VC thì cố đánh thông đường, chuẩn bị lương thực cho mùa mưa lũ lụt. Trung đoàn 3 được tăng viện thêm Liên Đoàn 11 Biệt Động Quân của Đại Tá Thiệt, Liên Đoàn Trưởng ( biệt danh là Tử Thần hay Tu Thân không rõ ).
Các pháo 105, 155, 175 ly nằm dài ngoài đường 1 bắn phá các cao điểm mục tiêu. Trước khi tổng phản công tái chiếm, tôi đã dặn dò kỹ lưỡng tất cả các y tá là khi lên đến nơi phải ở dưới giao thông hào làm việc, không được chạy bậy hay đứng lâu trên mặt đất vì quân y mà nằm xuống thì lấy ai cấp cứu băng bó cho thương binh vậy mà chúng tôi vẫn mất thêm 1 thằng em thân thương, Binh Nhất Phục trong lúc vui mừng vì chiến thắng, đứng trên giao thông hào mà hò hét, bị dính 1 viên CKC vô bụng, được chuyển gấp về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, anh may mắn còn sống nhưng bị tàn phế và phải giải ngũ. Ngày về nghỉ dưỡng quân ở Dạ Lê, tôi có xin với Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưỏng cho thêm lính để huấn luyện thêm y tá cơ hữu tiểu đoàn, ông nói :
- Mới giao cho cụ mi một mớ rồi xin chi nữa ?
- Trình Thiếu Tá, lớp y tá trước đây có 42 người bây giờ còn có 1, chết 40 và tàn tật giải ngũ 1.
- Đ.M. số mi sát quân.
Tôi chỉ cười chứ không muốn cãi là ông sát quân chớ sao lại tôi !. Đơn vị lại chuyển về vùng La Chữ, Hương Trà rồi đi lên vùng Hải Cát, Hoàng Đế, Mái Nhà, Xích Mích xong trở ra Cảnh Dương , Cầu Hai, Đá Bạc, La Sơn. Lại thay đổi Tiểu Đoàn Trưởng mới là Thiếu Tá Đoàn Thanh Sung, đúng lúc tôi nhận được lệnh thuyên chuyển đi đơn vị khác, đơn vị tỉnh, không tác chiến, tiểu đoàn 14 pháo binh. Trợ y pháo binh thì nhàn nhã vô cùng, có gì đâu mà làm, mặc dù ở đó có bạn bè của tôi như Hiệp Xì Ke ( Thiếu Uý tiền sát viên xuất sắc Trần Thanh Hiệp ) gầy nhom giống như hút xì ke. Vinh, Mới, Cân sữa....
Tôi về ghé qua xem đơn vị mới xong là quay trở lại đơn vị cũ Trung Đoàn 2/24 và xin ở lại không thuyên chuyển dù nguy hiểm cực khổ hơn, nhưng quen nếp sống rừng rú rồi, không muốn về ngồi cạo giấy, dù sao ở đơn vị cũ anh em nhau và hơn nữa là lúc đó vị Bác Sĩ Trưởng Đại Đội 14 Quân Y Phạm Quý Giao ( nay ở San Jose ) , Bác sĩ Phó Nguyễn Đình Ái đã đối xử với mọi người và tôi rất tốt, vui vẻ không hề có bất cứ sự khó dễ, sách nhiễu, hống hách nào cho nên tôi đi nơi khác làm chi, sống chết có số mạng chẳng phải lo nghĩ gì.
Từ đó cho đến cuối năm 1974 tình hình trở lại yên tĩnh, dễ chịu, công việc quân y chỉ là ngừa sốt rét lặt vặt, khám bệnh phát thuốc cho dân chúng như kiểu dân sự vụ. Đúng là nhàn cư vi bất thiện !, lính tráng rảnh rang ra nghỉ phép dưỡng quân thường xuống ngủ đò sông Huơng bị bệnh phong tình, lậu liệt tùm lum. Nhiều lúc tôi chích trụ sinh Peniciline cho bọn lính mỏi cả tay, chúng còn than đau nữa, đúng là sướng chả thấy thằng nào kêu mình, bây giờ đau mới kêu !.
Dưới các đại đội, y tá cứ gọi xin thêm trụ sinh, tôi chạy bở hơi tai năn nỉ bạn bè có dư cho xin mới tạm đủ chích cho anh em. Ngày Tết cuối năm lại hành quân, nhưng chủ yếu chỉ ứng chiến giữ an ninh cho hậu phương được yên ổn để ăn Tết. Ở Huế hầu như gia đình nào cũng có giỗ kỵ người thân vào dịp này, hậu quả của cuộc tàn sát ghê rợn của VC năm Mậu Thân, gia đình lính tráng cũng vậy, nên tôi chia ra cho anh em thay nhau về mà ăn Tết với gia đình, dù sao tôi là dân Sài Gòn, lỡ xa nhà lâu qúa rồi nên gồng luôn cả 3 cái Tết 72, 73, 74 trực bệnh xá, chúc tết khu gia binh.... cho anh em vui vẻ. Trong năm lỡ mình có dzọt thì cũng không ai trách cứ chi cả.
Đầu năm 1975 tiếng súng bắt đầu nổ lại, VC quậy phá đánh chiếm 1 vài chốt lẻ tẻ vùng Tây Nam Huế, bên trong đồi Xích Mích, Mái Nhà, cao điểm 400, tấn công bộ chỉ huy tiểu đoàn 1/3 đồng lúc bắn 106 ly trực xạ, pháo 130 ly nên đơn vị này phải rút ra ngoài, chúng tôi trống lưng nên cũng phải bỏ cao điểm 400 về căn cứ hỏa lực của pháo binh 14 và tiếp tục đi về tập trung quân ở căn cứ Birmingham, án ngữ trước mặt bộ chỉ huy nhẹ trung đoàn 3 bộ binh tại căn cứ Hải Cát lúc đó do Trung Tá Huỳnh Như Xuân chỉ huy ( khóa 19 võ bị Đà lạt ) sau khi tái phối trí ta lần lượt đánh chiếm lại tất cả các cứ điểm. Ngày 18-03-1975 tình hình yên tĩnh, tôi được đi phép thường niên, theo trực thăng về Đà Nẵng để từ đó đáp C130 vận tải cơ về Sài Gòn, tại đây tôi nghe bạn bè cho hay tình hình ở Quảng Trị báo động đỏ đồng thời Sư Đoàn 1 Không Quân đang kiểm kê bom đạn, có vẻ là sắp có gì đây. Về đến Sài Gòn ngày 19 tháng 3 tôi ghé thăm gia đình cha mẹ xong là lo trở ra Huế, may mắn là có chuyến bay quen nên tôi đã có mặt ở Huế ngày 20-3, đó là chuyến bay cuối cùng đáp ở phi trường Phú Bài Huế.
Thật lòng lúc đó tôi không nghĩ là mình yêu nước hay chi cả, chỉ e rằng sẽ có đánh lớn như năm 1972 mà thôi. Tôi trở ra để báo cho anh em thuộc quyền biết đồng thời ký phép cho 2 Hạ Sĩ 1 lớn tuổi là Lê Mịch, có vợ và 6 con ở Duy Xuyên Đà Nẵng. Lê Tế có vợ 4 con ở Hương Điền, Huế. Mỗi ông 15 ngày phép về lo thu xếp cho gia đình và chuẩn bị chiến trưòng có thể bùng nổ lớn như năm 1972. Tôi căn dặn Mịch và Tế, nếu cần thiết 2 ông có thể trễ thêm15 ngày và tìm về đơn vị, nếu trễ hơn tôi bắt buộc phải báo cáo đào ngũ. Hạ Sĩ 1 Lê Tế xuống núi về luôn, từ đó đến nay không gặp lại, còn Hạ Sĩ 1 Lê Mịch quay trở lên hành quân ngày hôm sau vì sợ không ai lo cơm nước cho tôi.
Tình hình vẫn yên tĩnh nhưng Huế bị pháo kích, ngày 24 tháng 3 đột nhiên có lệnh rút quân về căn cứ Hải Cát. Tám giờ tối, quân của 3 tiểu đoàn 1, 2, 3 đang trên đường rút ra chỉ chạm súng lẻ tẻ, nhưng khi nghe máy truyền tin báo cho biết Hạ Sĩ Lê Mịch tử trận thì tôi thật bàng hoàng và vô cùng thương tiếc......
Sau đó chúng tôi lại được lệnh rút về Huế. Căn cứ Hải Cát bị phá huỷ trước khi rút bỏ, lửa cháy đỏ, cầu phao công binh qua sông cũng cho nổ. Trên đường về Huế tôi bảo lính thông báo cho dân biết chúng tôi rút đi. Tội nghiệp họ khóc lóc bồng bế chạy theo, gần 1 giờ khuya về đến Huế, quang cảnh thật điêu tàn, Huế đã di tản trước, số còn lại đổ dồn về Thuận An 1 hải cảng lớn của Huế, chúng tôi lại tiếp tục rút bỏ về Thuận An, nơi đây có đủ các đơn vị từ Tiểu Khu Quảng Trị, Thừa Thiên, các đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Lữ Đoàn 147 TQLC, Liên Đoàn Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Điạ Phương Quân.... họ chỉ có rút mà không có đánh đấm gì, tất cả đang chui vào 1 cái bẫy vĩ đại.
Tại đây trung đội 2/14 Quân Y lại mất thêm 1 đồng đội là Trung Sĩ Phúc, Trung Đội Phó Quân Y, anh tử trận vào giờ chót trên bãi biển Thuận An, 1 trận đánh cuối cùng mà chúng tôi cố gắng mở đường máu hy vọng nhập vào tuyến kháng cự của anh em TQLC trong khi quanh tôi 1 số các đơn vị khác đã bỏ súng dơ tay đầu hàng. Dưới tay tôi lúc đó ngoài Trung Đội 2/14 Quân Y còn có khoảng 40 binh sĩ của Tiểu Đoàn 2/3 Bộ Binh. Bao nhiêu cố gắng, máu đã đổ, bạn bè gục ngã, đến khi qua được tuyến TQLC thì nơi đây cũng bị tan hàng.
Tôi tuyệt vọng ngồi xuống dưới bãi biển, sau khi bắn vỡ các máy truyền tin PRC 25, súng ống tháo cơ bẩm liệng xuống nước để không lọt vào tay địch, với ý định không hàng giặc, tôi đưa điạ chỉ gia đình tôi ở Sài Gòn, và nhờ anh em sau này nếu có dịp đến đó báo lại cho cha mẹ tôi là tôi đã làm xong phận sự, tử trận tại đây ngày này.Tuy nhiên anh em y tá khóc và khuyên tôi ráng sống chờ ngày trả về, có lẽ cũng do là mình qúa hèn nên tôi đành buông thả và rồi kết quả là bị bắt và bị giam 6 năm tù đày còn gọi là cải tạo.
Thời gian 2 năm đầu trong tù, anh em y tá cũ còn ở Huế cố gắng gom góp tiền đi thăm nuôi tôi, dần dần kiệt quệ qua năm 1977 Hạ Sĩ 1 Quang thay mặt anh em lên thăm lần chót, xin phép về quê kiếm sống. Năm 1981 tôi được thả về, mẹ tôi ở lại cố gắng tìm tôi nên tôi còn có chỗ mà về. Giấy tờ bảo lãnh của anh tôi ở Canada đã gởi về. Năm 1982 tình cờ Trung Sĩ Tám vào Sài Gòn tìm theo địa chỉ mà tôi viết giờ chót trên bãi biển Thuận an, gặp lại tôi mừng rỡ và cho biết anh em vẫn còn gắn bó nhau đang tổ chức 1 chuyến vượt biên nên vào tìm và đưa tôi đi theo.
- Xin cám ơn tất cả anh em vì tôi sắp cưới vợ.
Năm 1985 anh em từ Huế vào gặp lại cho biết lần đó bất thành, kỳ này làm ở Quảng Nam và muốn tôi đi theo.
- Lại 1 lần nữa tôi xin lỗi anh em, tôi mới có đứa con đầu lòng. Đây chính là niềm vinh dự và hãnh diện của tôi với mọi người, gia đình vợ con cùng thân nhân, sau bao nhiêu năm trời qua mà lính tráng cũ vẫn còn nhớ thương đến mình. Qua đến Mỹ diện H.O.7, tôi gặp lại các vị bác sĩ trưởng năm xưa vẫn được họ thương mến và giúp đỡ hết lòng. Cám ơn bác sĩ Hoàng Trọng Tuấn cựu Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Quân Y, bác sĩ Phạm Quý Giao cựu Đại Đội Trưỏng Đại Đội 14 Quân Y và bác sĩ Nguyễn Đình Ái cựu Đại Đội Phó Đại Đội 14 Quân Y đã giúp đỡ tôi trong thời gian ở trại tù Cồn Tiên Ai Tử..
Có 1 điều quan trọng mà tôi muốn biết : Tại sao Huế mất ngày 26 tháng 3 năm 1975 ? trong lúc chúng ta thắng trên tất cả các mặt trận, không mất 1 chốt nhỏ nào, tự nhiên bỏ chạy, rút và rút.
Theo tôi được biết lúc đó lực lượng ta còn tại Huế rất mạnh : Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Lữ Đoàn 147 TQLC, 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân 11 và 12, Thiết đoàn 1 Kỵ Binh Thiết Giáp, toàn bộ Điạ Phương Quân Tiểu Khu Quảng Trị cùng Tiểu Khu Thừa Thiên ( quân số như sư đoàn nên còn gọi là Sư Đoàn Thuận Hóa ), Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát..... Tại sao lại phải rút xuống ngã Thuận An để đến nỗi khi vượt qua phà, qua sông phải bỏ lại toàn bộ vũ khí nặng, thiết giáp.... cuối cùng bị lùa vào rọ và rồi tất cả đều bị bắt !!. Tại sao không dùng đường bộ về Đà Nẵng ? Với bao nhiêu quân đó, thêm pháo binh, thiết giáp, không quân, hải quân yểm trợ. Nếu VC muốn chặn được đoàn quân đó ít nhất chúng phải cần có 4 hoặc 5 sư đoàn hay nhiều hơn nữa mới có thể làm chậm bước tiến của quân ta nhưng chắc chắn chúng phải chấp nhận 1 sự thiệt hại nặng nề, có thể dẫn tới sự sụp đổ toàn diện kể cả miền Bắc, 1 lũ quỷ gian manh xạo hết chỗ nói.
Thành phố Huế mất ngày 26 tháng 3 năm 1975, nhưng đến ngày 27 và 28 tháng 3 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến vẫn còn đóng quân trên đèo Phước Tượng và đèo Phú Giá trên quốc lộ 1 cách Huế chưa đến 30 cây số. Sau đó họ rút về Đà Nẵng mà không có 1 cuộc chạm súng nào dù lớn hay nhỏ, để rồi lại tái diễn cảnh tự động tan hàng trên bãi biển Sơn Chà Mỹ Khê ? Nếu các đại đơn vị tại Huế về được Đà Nẵng thì làm sao mất Quân Đoàn 1 và vùng 1 chiến thuật được, làm sao có chuyện tháng tư đen năm 1975.
Đó là 1 bí ẩn của lịch sử, sẽ không có bất cứ ai nghe được trận đánh nào đưa đến Huế bị thất thủ. Lúc ra đến bãi biển Thuận An, nhìn ra biển khơi tôi vẫn còn nhìn thấy 27 chiến hạm của Hải Quân nằm uy nghi trên mặt biển. Tôi còn nghe tin đồn là binh sĩ sẽ tập trung quân xuống tầu đổ bộ để tấn công ra Bắc. Lúc đó tinh thần binh sĩ lên rất cao, để rồi cuối cùng bị tan hàng và bị bắt làm tù binh trong khi lực lượng cộng phỉ chiếm Huế chỉ có 1 trung đoàn mà thôi. Nếu có phải đánh ‘’ bằng tay không chúng ta cũng thắng !! ‘’...... chứ đâu đến nỗi này.
Gần 30 năm trôi qua, tôi sống ở vùng Alambra thuộc Los Angeles, mỗi khi nhìn lên đỉnh núi San Gabriel và căn cứ của đài truyền hình Mỹ cùng các cột anten cao ngất, tôi lại chạnh nhớ đến căn cứ Tea Point của Trung Đoàn 3 Bộ Binh uy nghi năm nào.
Tôi vẫn nhớ đến Trung Đội 2/14 Quân Y của anh em chúng tôi. Những mong có 1 ngày nào đó sẽ gặp lại các anh em y tá trong trung đội cũ và tôi vẫn tự nghĩ là mình chưa hề giải ngũ, tôi vẫn là Sĩ Quan Trợ Y như xưa, vẫn nhớ ‘’ Danh Dự - Trách Nhiệm - Tổ Quốc ‘’ mà mình còn nặng nợ chưa hoàn thành.
Hồ Minh Đức
Cựu Sĩ Quan Trợ Y 2/14 Quân Y
Subscribe to:
Posts (Atom)