Trước đây tại Việt Nam, người Việt chúng ta có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, trong đó, ngày Quân Lực 19 tháng 6 hàng năm cũng là một ngày lễ trọng đại đánh dấu thời điểm quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã đứng lên nhận lãnh trách nhiệm lịch sử trước đất nước và đồng bào.
Sứ mạng Vì Dân Vì Nước đã trở thành nghĩa vụ chung của những người cầm súng trước mối âu lo hiểm họa Cộng sản. Người chiến binh VNCH đã đem mồ hôi và chính xương máu của mình để làm tròn bổn phận được giao phó. Trưởng thành trong dòng sinh mệnh của dân tộc, người chiến binh sống gởi thác về còn là niềm hãnh diện của quân lực cũ và xét cho cùng, chúng ta - những người chiến binh VNCH - đất nước rơi vào tay cộng sản bạo tàn nhưng chắc chắn dân tộc và đất nước thì không bao giờ mất chúng ta.
Nhớ đến trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975), một cuộc chiến tranh mà người chiến binh của quân lực VNCH đã cầm súng chiến đấu vì muốn giữ gìn từng tấc đất của nơi chôn nhau cắt rún; vì muốn thực hiện trách nhiệm bảo vệ tự do và sự thịnh vượng của đời sống đồng bào. Người chiến binh VNCH đã chiến đấu từng chiến trường khốc liệt đã anh dũng sáng ngời quân sử thế giới.
Người chiến binh VNCH hiên ngang đứng vững trên khắp bốn vùng chiến thuật của đất nước Miền Nam; đã chiến đấu kéo dài hơn 20 năm liên tiếp bằng những loại vũ khí thứ cấp, cũ kỷ được viện trợ luôn luôn thua kém đối phương; đã kiên trì đấu tranh bằng chính tấm lòng đơn sơ thắm đượm tình tự dân tộc chứ không phải bị giáo huấn, tẩy não bằng bất cứ thứ chủ nghĩa ngoại lai nào cả ...... để rồi có một tháng tư rất đen cho số phận toàn dân tộc; có một ngày thật buồn thảm cho vận mệnh đất nước. Người chiến binh của quân lực VNCH được lệnh rời khỏi chiến trường mà địch chưa bao giờ thực sự chiến thắng; được lệnh bỏ lại xóm làng, thị xã, thành phố mà địch chưa bao giờ dám mơ ước chiếm giữ lâu ngày và cuối cùng rời đơn vị; bỏ luôn cả cuộc chiến tranh mà Bắc phủ bộ Hà Nội tưởng chừng như đường đi không đến và chỉ " lượm được đất nước Việt Nam nhưng không chiếm được lòng người " bởi vì người dân ai cũng ngỡ ngàng, xa lạ với những kẽ từ trong rừng rú và còn sống đời tiền sử đã xuất hiện chiếm đoạt Miền Nam.
Người chiến binh của quân lực VNCH có mỗi người đã từng là một chiến sĩ thiện nghệ;
Nếu trong quá khứ, ngày Quân Lực 19 tháng 6 đã là cái mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn quân đội thống nhất hành động, quân dân một lòng thì ngày 19 tháng 6 năm nay, các chiến binh của quân lực VNCH tại khắp nơi trên thế giới đều hướng về ngày này, tụ họp lại cùng nghe nhau nói, cùng nói nhau nghe để suy nghiệm những việc đã làm và cũng để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân.
Nếu ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm xưa, Quân Lực đã vì nhu cầu của thời thế mà làm nên lịch sử thì ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm nay, đây là dịp người chiến binh VNCH tự vấn lương tâm và trách nhiệm trước nỗi an nguy, ly tán của vận mệnh đất nước và dân tộc.
Tại Việt Nam trước 1975, dù bị bạc đãi trong chiến tranh nhưng người chiến binh VNCH vẫn không sờn lòng chiến đấu và đã từng có một thời vang lừng địa danh ghi chiến tích; đã từng là niềm hy vọng của toàn dân mong chờ tin yêu Tự Do chan hòa chung cho cả nước thì tại hải ngoại hiện nay, người chiến binh VNCH dù đã được định cư nơi xứ người hay vẫn đang sống lang thang trên khắp nẽo đường đời, người lính Cộng Hòa cũ vẫn cảm nhận chính mình là một thành phần của toàn dân tộc cả nước và không hề mệt mỏi đối kháng chống lại Cộng sản Việt Nam ở mọi lúc và mọi nơi.
Người chiến binh VNCH năm xưa và hôm nay chính là những chứng nhân lịch sử của bao thời kỳ thăng trầm của dân tộc Việt và cũng từng là nạn nhân của các chế độ độc tài cũ và mới nên thấu hiểu nỗi lòng đau xót của toàn dân cả nước nhiều hơn ai hết. Người chiến binh của quân lực VNCH từ quá khứ cho đến hiện tại vẫn luôn luôn là thành phần trung thành gắn bó nhất với những ước vọng chung của người dân tại quê nhà.
Trong tiến trình đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền tại Việt Nam, người chiến binh VNCH trong nước hiện nay còn chính là thành phần tiêu biểu quan trọng trong một xã hội đang bị đảng Cộng sản Việt Nam kềm kẹp hầu như toàn diện vừa là những người nghèo khó nhất nước nên cũng giống như các tầng lớp quần chúng khác đang bị thống trị ở Việt Nam, họ không còn gì để mất mát nữa. Thậm chí đến mồ mả của những chiến binh VNCH đã bị vong thân, yểu tử cũng không được yên nghỉ. Hài cốt của họ đã bị Cộng sản Việt Nam cày xới cho bung lên dấu vết; đã bị tiêu hũy, vùi lấp cho tan đi chứng tích anh hùng. Chiến binh VNCH đã từng là những người có một thời cầm súng chiến đấu với lý tưởng yêu nước, thương dân, đất đai trân quí ở các nghĩa trang tại Việt Nam hiện nay chỉ dành riêng cho những người Cộng sản chiến thắng còn những người quốc gia yêu nước không ai có quyền được tưởng nhớ đến và không ai có quyền xây dựng mồ mả to lớn hay lưu lại dấu tích an nghỉ nghìn thu.
Trong khi đó nơi xứ người, thân phận lưu vong, bạc bẽo của một quân nhân may mắn được sống còn từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam trước 1975 vẫn không khác gì nhiều hơn khi so sánh với các ước vọng hướng đến tương lai của toàn dân tại Việt Nam. Vì vậy, người chiến binh VNCH chắc chắn còn là hình ảnh, biểu tượng của người cán bộ cách mạng sẵn sàng hy sinh, cống hiến cuộc đời còn lại của mình để đấu tranh cho sự nghiệp bảo quốc, an dân và phục hưng dân tộc.
Người chiến binh của quân lực VNCH đã trưởng thành từ trong kinh nghiệm đau thương của tất cả các cuộc chiến tranh đủ loại trong quá khứ và hiện tại. Họ đã có dịp học hỏi thêm kiến thức và tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới, cho nên, người chiến binh VNCH trong và ngoài nước còn là những con người tài hoa nhiều hữu ích mà suốt cuộc đời đã tận tuỵ hy sinh và phụng sự cho đất nước và đồng bào.
Vậy trước hồn thiêng sông núi, trước anh linh của những liệt sĩ, anh hùng, nhân ngày Quân Lực 19/6 năm nay, người chiến binh VNCH từ trong nước cũng như tại hải ngoại quyết tâm sát cánh bên nhau cùng với toàn dân cả nước, kiên nhẫn tiếp tục tranh đấu cho đến ngày hoàn thành quang phục quê hương, lật đổ cho bằng được chế độ Cộng sản bạo quyền tại Việt Nam.
Lôi Hổ Phạm Thanh Quang