Friday, December 18, 2009

Chiến Trường A Phú Hản / NT Đại Tá Phan Văn Huấn







Kính thưa quý vị, người ta nói, trăm nghe không bằng một thấy; tôi nghe nhiều về cuộc chiến ở A Phú Hản (A.P.H.) mà chưa thấy tận mắt nên chỉ xin thận trọng đưa ra một vài góp ý thô thiển để mong các nhà chiến lược xét xem có nên áp dụng cho chiến trường APH được không. Bài góp ý trước đây, tôi đưa ra chiến thuật Năng Động Hành Quân Đêm (NĐHQĐ) và việc Ém Quân (EQ) sau hậu tuyến địch. Tôi chưa lần nào nghe thấy quân đồng minh tại APH áp dụng 2 chiến thuật trên mà chỉ nghe thấy quân đồng minh hành quân cấp tiểu đoàn, trung đoàn hay nhiều hơn nữa với pháo binh, chiến xa, và không quân yểm trợ để giải phóng những làng xóm đã bị quân Taliban chiếm giữ. Có lẽ quân đồng minh chưa biết lợi hại của 2 chiến thuật trên nên không muốn áp dụng mà thôi? Ngoài chiến thuật NĐHQĐ và EQ ra, liên quân đồng minh cũng phải thành lập một Lực Lượng Truy Kích ( LLTK) được trang bị nhẹ để đáp ứng nhu cầu cho các cuộc hành quân.

Thời đệ nhất cộng hòa có quốc sách Ấp Chiến Lược (ACL), tôi may mắn là người gần gủi với ACL kiểu mẫu Lương Sơn thuộc tỉnh Bình Thuận nên cũng có vài ghi nhận để chiến trường APH xét xem có nên thực hiện ACL không. Ngoài những vấn đề nêu trên, tôi cũng có vài hiểu biết về việc Nắm Dân (ND) của VC trước đây cũng xin kể ra để chiến trường APH xem có còn cách nào hay hơn VC không?


A. Năng động hành quân đêm, ém quân, và lực lượng truy kích:

Rút kinh nghiệm chiến trường Việt Nam năm xưa, Trung Tâm Hành Quân Delta và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) do tôi chỉ huy thường áp dụng NĐHQĐ và EQ nên đã đoạt được những chiến thắng như sau:


1. Năng động hành quân đêm. Tết Mậu Thân năm 1968 tại Saigon, Việt cộng (VC) tổng công kích đợt 2, chúng đưa quân vào đóng chốt tại ngả ba Cây Quéo và ngả ba Cây Thị, chỉ cách tòa tỉnh trưởng Gia Định trên dưới 1 cây số mà thôi. Nhảy Dù có nhiệm vụ giải tỏa ngả ba Cây Quéo và TQLC giải tỏa ngả ba Cây Thị. Đã một tuần sau, hai nơi này vẫn còn vang tiếng súng nên tổng tham mưu gọi đơn vị Delta và tiểu đoàn 81/BCND do tôi chỉ huy, từ Nha Trang vào giúp giải quyết mặt trận này. Lần đầu tôi thay tiểu đoàn 11 Nhảy Dù do thiếu tá Nhả chỉ huy ở mặt trận Cây Quéo. Chỉ một đêm, tôi áp dụng chiến thuật NĐHQĐ nên mặt trận Cây Quéo đã bị quân Delta và BCND tràn ngập hoàn toàn vào sáng sớm hôm sau. Tôi rút quân về nghỉ ngơi tại bệnh viện ung thư Gia Định, hai hôm sau thì được lệnh đến thay TQLC ở mặt trận Cây Thị, tại đây do trung tá Hoàng Tích Thông chỉ huy. Mặt trận Cây Quéo đã bị đơn vị tôi thanh toán xong hai hôm trước, số VC còn sống sót liền chạy qua tăng cường cho mặt trận Cây Thị, do đó mặt trận này khá gay go nhưng với chiến thuật NĐHQĐ, chỉ mất hai đêm là chúng tôi đã đánh tan mặt trận này. Số VC sống sót thoát ra khỏi nơi đây liền bị TQLC bao vây và bắt sống trên 100 tên. Sau mặt trận này, TQLC và đơn vị tôi đã nhận được giấy ban khen của đại tướng Cao Văn Viên tổng tham mưu trưởng QLVNCH.


Nhảy Dù và TQLC là hai đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH nhưng tại sao một tuần rồi mà không hoàn thành được nhiệm vụ giao phó? Có 2 lý do chính sau đây: (Theo lời kể của thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô cho biết khi tôi đến trình diện để nhận nhiệm vụ) vì tổng thốngThiệu nói ”đây là thủ đô VNCH, có nhiều tòa đại sứ của ngoại quốc, không được xử dụng Pháo Binh và Không Quân, tiếng nổ lớn làm kinh động thủ đô có ảnh hưởng xấu đến VNCH”. Lý do thứ hai là hai đơn vị này luôn luôn xử dụng chiến thuật Tiền Pháo Hậu Xung, nay không được xử dụng tiền pháo thì khó thể hậu xung hữu hiệu được nhất là hậu xung ban ngày.


Mùa hè đỏ lửa năm 72 tại thành phố An Lộc, VC chiếm hơn nửa phía bắc thành phố, tướng Lê Văn Hưng kêu gọi tiếp viện. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù do đại tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy vào An Lộc ngày 24 tháng 4, liên đoàn 81/BCND do tôi chỉ huy vào ngày 26 tháng 4 năm 72, Nhảy dù và BCND được trực thăng vận vào Đồi Gió, cách An Lộc 4 cây số về phía đông, tôi tiến vào phía bắc An Lộc, nơi có hơn một nữa thành phố đã lọt vào tay VC. Nhảy Dù tiến vào phía nam An Lộc. Tôi vẫn áp dụng chiến thuật NĐHQĐ, sau nhiều ngày chiến đấu gian nguy, cuối cùng chúng tôi chiếm lại được đồi Đồng Long phía bắc An Lộc là kể như thành phố đã được giải tỏa hoàn toàn. Một phái đoàn do trung tướng Nguyễn Văn Minh tư lệnh QĐ III vào thăm An Lộc đầu tiên và tôi là người đầu tiên và duy nhất được gắn lon đại tá tại mặt trận, sự kiện này đã được tác giả Sao Bắc Đẩu trong cuốn “ Một ngày trong An Lộc” ở trang 296 và 297 diển tả rỏ ràng. Đến ngày 7/7/72 tôi đang cùng với Nhảy Dù và TQLC tái chiếm Quảng Trị thì biết được tổng thống Thiệu lên An Lộc, đã quỳ lạy trước nghĩa trang BCD, và thăng cấp đặc cách tại mặt trận cho một số quân nhân đã có công giữ vững An Lộc.


Sự kiện thứ hai là đơn vị tôi đã lập được một nghĩa trang cho 68 Biệt Cách Dù tử trận ngay trong lúc chiến trận còn đang ác liệt mà không một đơn vị nào làm được. Chính chúng tôi đã áp dụng chiến thuật NĐHQĐ để gom những tử sĩ BCD khắp nơi khi màn đêm buông xuống, về mai táng vào nghĩa trang này. Khi An Lộc được giải tỏa, mọi người rời nơi ẩn núp đi thăm nhau, ai cũng sửng sốt khi thấy nghĩa trang BCD sừng sửng ngay giữa lòng thành phố An Lộc cho nên cô giáo Pha quá xúc động và đã tặng cho chúng tôi hai câu thơ để khắc vào nghĩa trang này là:


An Lộc địa sử ghi chiến tích


Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.


2. Ém Quân. Là dấu quân trong vùng kiểm soát của địch để thi hành nhiệm vụ; ngoài chiến thuật NĐHQĐ, chiến thuật EQ cũng rất hữu hiệu với chiến trường VN ngày đó. Có rất nhiều cách EQ, tôi đưa ra việc EQ vào thung lũng A Shau để đánh Việt cộng tiếp viện cho mặt trận Huế vào dịp tết Mậu Thân năm 68.

 Khi thành phố Huế đã được quân Mỹ và VNCH giải tỏa gần xong thì đơn vị Delta và BCD được lệnh ra Huế để nhảy vào thung lũng A Shau, mong chận đường tiếp viện của VC cho mặt trận Huế. Tôi liền thả các toán Thám Sát (TS) của đơn vị Delta vào thung lũng A Shau cách thành phố Huế 70 cây số về hướng tây, sát biên giới Lào để EQ mà thi hành nhiệm vụ giao phó là phải nắm vửng tình hình hoạt động của địch vùng này. Chỉ vài ngày sau, TS báo cáo tình hình địch như sau: VC đã làm xong con đường cho xe di chuyển từ Lào qua thung lũng A Shau đi về hướng thành phố Huế và chỉ cách lăng vua Minh Mạng 5 cây số mà thôi! Tôi liền thả 3 đại đội BCD vào cách con đường 3 cây số về hướng nam để EQ. Khi màn đêm buông xuống, 3 đại đội này liền tiến ra phục kích con đường đó. Đến 10 giờ đêm thì có 8 chiếc Molotova từ Lào di chuyển về hướng lăng Minh Mạng để tiếp viện cho mặt trận Huế và đã lọt vào ổ phục kích của ta. Kết quả cả 8 chiếc molotova bị tiêu diệt với nhiều quân dụng và VC bỏ xác tại chỗ. Báo Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đăng hình 8 molotova đã bị Delta BCD phục kích ở thung lũng A Shau vào trang bìa với bài tường thuật chi tiết trận đánh ở trang trong tờ báo ngày đó. Trong báo Green Beret của Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ đăng rất chi tiết chiến công này. Đây là trận phục kích trong lòng địch đầu tiên được thực hiện thành công nên đơn vị tôi cũng được giấy ban khen của đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng QLVNCH.


Khi chấm dứt hành quân, chúng tôi về dưởng quân tại hậu cứ Nha Trang và được đội văn nghệ Hoa Tình Thương của tổng cục Chiến Tranh Chính Trị ra trình diển văn nghệ giúp vui tại bờ biển Nha Trang, ngay hôm đó tôi nhận được lệnh vào Saigon để cùng với Nhảy Dù và TQLC giải tỏa vùng ngả ba Cây Quéo và ngả ba Cây Thị Gia Định. Hôm sau thì chúng tôi đã có mặt tại mặt trận này như đã kể ở phần trên.


Kính thưa quý vị, việc EQ còn rất nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như toán phục kích đêm hay đơn vị hành quân ngày, khi rút về, nếu tình hình cho phép thì EQ lại một số nhỏ, nếu thấy địch xuất hiện, ít thì tấn công, tiêu diệt hoặc bắt tù binh, nhiều thì báo cho ở nhà biết để hoặc bắn pháo binh, hoặc gọi phi cơ oanh tạc hay hướng dẩn quân bạn hành quân diệt địch. VC thường EQ vào vùng kiểm soát của ta để nắm dân bằng nhiều cách như EQ ở hầm bí mật, ở nơi kín đáo do dân có cảm tình che dấu, hoặc những đảng viên cộng sản chưa bị lộ, hoạt động hợp pháp trong vùng kiểm soát của ta. một ấp chiến lược (ACL) VC chỉ cần EQ vài người là về lâu về dài VC có thể khuynh đảo ACL kiên cố của ta được!




Liên đoàn 81/BCND có những toán Thám Sát (TS), mỗi toán 6 người, do một sỉ quan chi huy thường được trực thăng thả sâu vào hậu phương địch, nếu không biết chiến thuật EQ để thi hành nhiệm vụ thì sẽ bị lực lượng hùng hậu của địch bao vây và tiêu diệt ngay! Đơn vị tôi thường tăng phái cho các Quân Đoàn để hành quân dọc theo biên giới Việt Miên Lào, nơi mà lực lượng lớn của ta khó thể hành quân vào đây được. Tôi thường thả các toán TS vào vùng hành quân trước để đi tìm dấu vết địch trong vùng giao phó. Nếu gặp đường mòn, thì phục kích bên đường, nếu địch đông thì báo cáo về bộ chỉ huy biết số lượng, trang bị, vủ khí v.v. nếu ít thì bắt tù binh để khai thác tin tức. Chính nhờ các toán TS nên chúng tôi mới biết địch đã làm một con đường cho xe chạy từ Lào qua thung lũng A Shau để tiếp viện cho mặt trận Huế, cho nên chúng tôi mới mở cuộc phục kích đoàn xe tiếp vận của VC cho chiến trường Huế năm Mậu Thân.


Năm 72 ở vùng tam biên thuộc tỉnh Kontum, các toán TS đã cho biết một con đường cho xe chạy đã được VC thiết lập từ tam biên đến ngọn núi cao gần quốc lộ 14 để chôn dấu quân dụng, chuẩn bị cho việc đánh chiếm cao nguyên. Chúng tôi liền cho các toán TS mang mìn vào chôn trên con đường đó, kết quả một chiếc xe vận tải bị trúng mìn nên VC đã phải ngưng xử dụng con đường đó một thời gian.


Năm 74 VC làm những con đường xe chạy trong chiến khu D và chạy gần đến sông Đồng Nai, chỉ cách phi trường Biên Hòa không bao xa, các toán TS lại mang mìn vào chôn trên con đường đó, có 2 chiếc xe vận tải của VC bị trúng mìn của chúng tôi v.v.


Không rõ chiến trường APH có xử dụng các toán TS như liên đoàn chúng tôi chưa? Nếu chưa thì xin nên thành lập những đơn vị có những toán TS như vậy vì những tin tức các toán TS cho là những tin tức từ hậu phương của địch, tin tức do mắt thấy tai nghe đúng vào thời điểm đó. Tư lệnh chiến trường APH cần những tin tức sốt dẻo của các toán TS mới hữu ích cho mọi soạn thảo kế hoạch hành quân. Viết đến đây tôi được tin nay quân đồng minh tại APH chú trọng đến chiến thuật truy kích địch quân, muốn truy kích hữu hiệu cần phải có các toán TS nhìn rõ mục tiêu tận mắt, nghe tận tai mới chính xác được; khi cánh quân truy kích đến,thì chính những toán TS là người dẩn đường cho lực lượng truy kích mới dễ thành công hơn.


Cái lợi thứ hai không kém phần quan trọng là những chiến sĩ TS sau một thời gian thử thách, người lính TS sẽ dần dần là những người lính vô cùng tinh nhuệ trên chiến trường, tại sao người lính TS lại tinh nhuệ hơn những người lính khác? Vì trước khi nhảy vào hậu phương địch, người lính TS biết là mình sắp nhảy vào hang cọp, bốn bề đều có địch mà đơn vị bạn ở xa hằng chục hay cả trăm cây số không thể nào tiếp cứu mình được! Cho nên người lính TS phải học hỏi những toán đàn anh đi trước, phải bình tỉnh, khôn ngoan, và dũng cảm mới mong hoàn thành nhiệm vụ được. Thông thường nếu có anh em TS bị tử thương đều phải để xác tại chỗ, những toán viên khác phải lo thoát thân trước đã! Khi tình hình cho phép, toán mới thận trọng trở lại để tìm cách đưa xác bạn mình về nơi an toàn nhưng rất nhiều trường hợp đành phải bỏ xác anh em tại chỗ, do đó, anh em TS đã có hai câu thơ: “Một mai anh chết trong rừng thẳm, chỉ có lá vàng rơi phủ liệm anh!” Chính những cuộc hành quân vào sau hậu tuyến địch là trường đào tạo nên những người chiến binh tinh nhuệ nhất cho đơn vị nào biết coi trọng những cuộc hành quân thám sát sau lưng địch.
 Cái lợi thứ ba là các toán TS khi nhảy vào hậu phương địch, phải thông hiểu chiến thuật EQ, nơi hành quân đa số là những vùng hoang vu, núi cao rừng rậm, phải di chuyển im lặng, có khi phải di chuyển đêm, hay di chuyển ngày nếu tình hình cho phép. Dù có di chuyển ngày đi nữa nhưng đa số là những nơi rừng rậm, di chuyển ngày cũng không khác gì ban đêm, đó là lý do tại sao đơn vị tôi khi áp dụng chiến thuật NĐHQĐ lại không khó khăn như các đơn vị bạn.


Đơn vị tôi là đơn vị tổng trừ bị, thường tăng phái cho các Quân Đoàn, cứ mỗi cuộc hành quân kéo dài từ một đến ba tháng, sau khi chấm dứt hành quân về là tôi có nhiệm vụ lên gặp đại tướng Cao Văn Viên để trình bày công việc tăng phái đã hoàn tất. Chính đại tướng Cao Văn Viên đã có lần nói với tôi là: “Đơn vị đại tá là một đơn vị có thể thi hành được 3 nhiệm vụ, đó là: 1. Có thể hành quân đêm, 2. Có thể tập trung lại hành quân như các đơn vị bạn, 3. Và có thể hành quân thám sát vào sâu sau lưng địch được, rất tiếc QLVNCH chỉ mới thành lập được một đơn vị của đại tá mà thôi! “


3. Lực lượng truy kích. Quân Viêt Mỹ trước đây, khi đi hành quân, trang bị nặng nề quá! Ngoài lương thực phải mang theo để ăn, còn phải mang theo một đơn vị hỏa lực, lựu đạn, dao găm, áo mưa, quân trang thay đổi, mặt nạ, ống dòm, địa bàn, cuốc xẻn để đào hầm, dao găm hoặc dao lớn để chặt cây v.v. nói tóm lại, tùy theo nhu cầu địa thế, địch tình mà mang theo, dù có giảm thiểu thế nào đi nữa, người lính chiến Việt Mỹ vẫn nặng nề, di chuyển chậm chạp, nhất là di chuyển ở những nơi có cây cối rậm rạp.


Lấy cấp đại đội làm thí dụ, khi đang di hành thì theo đúng đội hình, đa số là liên lạc bằng mắt. Tùy theo địa thế, nếu trống trải thì đại đội tản rộng ra như một hình vuông, nếu địa thế có cây cối khó di chuyển thì đại đội di chuyển thành một, hai hay ba hàng dọc, nói chung, hình thể một đại đội cũng gần như là một hình vuông. Khi đụng địch, phản ứng đầu tiên là nằm xuống, bố trí, sẳn sàng chống trả địch tấn công, gọi pháo binh trực tiếp yểm trợ hoặc không quân nếu cần. Trường hợp có thương vong, thì tìm bải đáp, gọi trực thăng tản thương, nếu không thì cắt người khiêng cán v.v.


VC biết được yếu điểm của ta là nặng nề, di chuyển chậm chạp, khi đụng độ thì lo thủ hơn là truy kích, nếu có người bị thương thì còn phải lo tản thương đã nên càng chậm chạp hơn nữa! Chính đó là yếu điểm của ta nên VC đã thành lập những đội tấn công chớp nhoáng (TCCN) rồi rút chạy mau lẹ để ta không kịp truy kích chúng. Đội TCCN của địch thường có 9 người hoặc ít hơn, chia thành tổ tam tam chế. Một tổ súng cối 62 ly, còn các tổ kia, mỗi tổ có 1 AK 47, 1 CKC bắn sẻ và 1 B40. Đạn dược mang theo vừa phải với một phần lương khô cho một người. Không có mang theo quân trang hay trang cụ gì khác cho nên rất là nhẹ nhàn, rất dễ di chuyển nơi cây cối rậm rạp và rút chạy mau lẹ khi đã gây thương vong cho ta xong. Suốt cuộc chiến vừa qua ở nước ta, chưa bao giờ ta truy kích bắt sống hay gây thương tích cho lực lượng TCCN của VC được.


Chiến thuật của đội TCCN là tránh giao tranh trực tiếp, mặt đối mặt với ta mà thường ở cách ta từ 50 đến 1000 thước, chủ yếu là bắn súng cối 62 ly tới tấp vào đội hình của ta cùng song song với việc bắn sẻ, gây thương vong cho ta rồi rút chạy để ta không kịp truy kích. Liên quân Việt Mỹ khi di chuyển như một hình vuông nên việc địch xử dụng súng cối 62 ly thường dễ gây thương vong cho ta lắm! Dù ta chỉ một người bị thương cũng đủ làm chậm bước tiến của ta, có những cuộc hành quân, ta liên tiếp bị những đội TCCN gây thương vong mà chưa bao giờ ta gây thương vong cho chúng được!


Để đối phó với chiến thuật TCCN của địch, theo ý tôi thì quân ta nếu hành quân cấp tiểu đoàn trở lên, ta nên sẵn sàng một trung đội hay đại đội truy kích. Trang bị thật nhẹ, thay phiên nhau, luôn luôn phải có một đơn vị sẵn sàng truy kích địch mỗi khi bị địch TCCN. Thành phần truy kích còn lại, sẽ lên đường truy kích địch sau khi đội truy kích đầu tiên đã bám được chân địch. Nếu có trực thăng thì đổ quân vào sau lưng địch là thượng sách nhất. Đại bộ phận còn lại của cuộc hành quân khẩn trương di chuyển về hướng quân truy kích của ta để sẵn sàng yểm trợ khi lực lượng truy kích của ta gặp lực lượng lớn của địch. Khi bị lực lượng TCCN gây thương vong cho ta mà chỉ nằm chống trả và gọi pháo binh hay không quân đến yểm trợ thì đã không hữu hiệu còn làm chậm bước tiến quân của ta mà thôi.


B. Ấp chiến lược. ACL Lương Sơn được thành lập đầu năm 1962, phía bắc tỉnh Bình Thuận là niềm tự hào của thời đệ nhất cộng hòa ngày đó. Ấp này đã được ông cố vấn Ngô Đình Nhu đến thăm cũng như nhiều yếu nhân quan trọng khác như ông bộ trưởng quốc phòng Mc Namara và ông Thompson là chuyên viên phản du kích người Anh cũng được đưa đến đây. Nguyên thủy ACL có tên là Ấp Chiến Đấu nhưng kể từ khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu đến thăm, thấy ấp này rất an ninh nên được đổi tên là ACL và quốc sách ACL ra đời từ đó. Ấp có một hàng rào phòng thủ vững chắc, bên trong có trụ sở hội đồng xã cũng được bao bọc một hàng rào phòng thủ khá kiên cố. Ông Lợi, chủ tịch hội đồng xã là một người chống cộng quyết liệt. Lực lượng phòng thủ ACL là những đội thanh niên chiến đấu được trang bị súng trường springfield. Dưới sự lảnh đạo sáng suốt của trung tá Nguyễn Quốc Hoàng, tỉnh trưởng Bình Thuận nên tình hình an ninh của ấp này rất được nhiều ấp khác noi theo. Kế hoạch phòng thủ diện địa mà trung tá Hoàng đã chỉ thị cho ấp phải nghiêm chỉnh thi hành là:


Kiểm tra dân số,
Kê khai các nhà có thân nhân thoát ly theo cộng sản.
Kiểm tra kinh tế: thóc lúa, khoai, bắp tích trử, hàng hóa xuất nhập.
Yêu cầu mọi người tham gia sinh hoạt, nêu vấn đề và đề nghị cải thiện.
Vận động các gia đình có thân nhân ra bưng biền trở về.
Thiết lập các cơ sở y tế, xây cất thêm lớp học, đào giếng nước, hoạt động thể thao văn nghệ.
Tổ chức yểm trợ các phiên trực cho các đội thanh niên chiến đấu.
Thực tập báo động thường xuyên và huấn luyện bổ túc.
Những vấn đề khác theo nhu cầu làng xã.


Trong kế hoạch trên,theo tôi thì ông ấp trưởng phải thi hành chu đáo 2 điều quan trọng nhất mới mong giữ vửng ACL được, đó là: Bao vây kinh tế (BVKT) và tiêu diệt hạ tầng cơ sở (TDHTCS). muốn BVKT hữu hiệu thì phải TDHTCS trước đã. Chính phủ ta đã thấy rõ vấn đề này nên ủy ban Phượng Hoàng mới ra đời sau này. Cái khó của ta là ta không thể làm mạnh việc TDHTCS được, VC trong rừng có nhiều cách để móc nối thân nhân trong ấp được vì ban ngày thân nhân VC phải đi ra đồng hay vào rừng để làm ăn, ta ngăn cấm không được, ta cũng không có đủ lực lượng để theo họ khi ra ngoài làm ăn! Không phải thân nhân VC nữa, mà người dân bình thường khác khi ra ngoài làm ăn, VC cũng có thể mua chuộc, dụ dổ, hay hăm dọa phải làm việc cho họ, dân không nghe theo không được vì sẽ bị trừng phạt hay ngăn cản việc làm ăn của dân; đó là cái khó khi nghĩ đến việc thành lập ACL.Còn cái khó thứ hai là ACL này làm tốt công việc BVKT và TDHTCS nhưng ACL khác lại không thì VC cũng không gặp khó khăn về lương thực và tin tức của những ấp họ chưa móc nối được.


Một ACL xây dựng nên tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc, công sức nhưng bị VC móc nối, lũng đoạn, gây mất an ninh thì xét có nên không? Theo tôi thì ACL rất hữu dụng trong kế hoạch phòng thủ diện địa khi mà nơi VC thường ẩn trú để móc nối bị quân ta thường xuyên kiểm soát. VC nơi ẩn trú để móc nối dân trong ấp đâu có nhiều? lực lượng dân vệ và địa phương quân đủ sức làm việc này. Còn đối với những gia đình có thân nhân đi theo VC thì mình quy định mỗi tuần được đi ra đồng làm ăn vào những ngày nào đó thôi, những ngày đó là đã có quân ta nằm sẵn nơi ẩn trú của VC rồi. Mình cũng có thể giúp cho những gia đình có thân nhân đi theo VC làm ăn những nơi dễ kiểm soát, không để họ phải đi vào những nơi xa xuôi hẻo lánh để VC móc nối; nói thế không có nghĩa là chỉ lo đề phòng VC ở trong rừng móc nối mà ngay những đảng viên cọng sản chưa bị phát hiện đã ở sẵn trong ACL cũng có thể làm ung thối ACL được!


Tùy theo tình hình, lực lượng chính quy thì hành quân xa vào sào huyệt của VC để yểm trợ cho ACL. Nếu lực lượng địa phương, chính quyền địa phương được sự yểm trợ của lực lượng chính quy thì ACL cũng hữu hiệu trong kế hoạch phòng thủ diện địa.


C. Nắm dân. Bên nào ND nhiều là bên đó sẽ dành được chiến thắng cuối cùng. Chính ông Hồ Chí Minh cũng đưa ra hai câu thơ “ Việc dễ trăm lần, không dân cũng chịu, việc khó vạn lần, dân liệu cũng xong.” Cho nên VC rất xem trọng việc ND trong mọi hoạt động của chúng. Từ năm 1946 đến năm 1953, tôi đang đi học, tôi có thể đi từ vùng xôi đậu sang vùng Quốc Gia và ngược lại, cho nên tôi hiểu rất rõ kế hoạch ND của VC như thế nào.


Từ Đànẳng ra đến Quảng Trị, dọc theo quốc lộ số 1 và một vài nông thôn đều có đồn lính Pháp Việt đóng nhưng vẫn không ND được! Cho nên ruộng đất do VC phân chia cho dân làm, lúa gặt xong liền đóng cho VC chứ Pháp Việt không thu thuế được! Dù cuộc chiến có kéo dài hằng chục năm đi nữa, VC cũng có thể chịu đựng được, cho nên ông Trường Chinh mới viết cuốn sách “ Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi “ để toàn quân dân học tập.


Vậy kế hoạch ND của VC như thế nào mà Pháp Việt không làm được? Đó là: 1. VC ra sức bao vây các đồn bót của ta dù cho lực lượng VC rất yếu vào những năm 46-50. 2. Các lý trưởng ta đặt ra để kiểm soát dân đều bị VC ám sát hết, nếu không thì cũng chỉ ở trong đồn, không dám đi ra ngoài để tiếp xúc với dân. 3. Những người nào VC nghi ngờ làm việc cho PhápViệt thì sẽ bị VC bắt đi mất tích. 4. Có những người chỉ ăn nói lung tung cũng bị VC bắt đi mất tích (sau này mới biết những người bị bắt đi mất tích đều bị thủ tiêu hết). 5. Đoàn ngủ hóa nhân dân thành những hội đoàn để học tập và kiểm soát lẩn nhau. 6. Đêm đến thì du kích đến bắn quấy rối các đồn bót PhápViệt để bảo đảm an ninh cho cán bộ tổ chức các buổi học tập chính trị, thu thuế, tuyển quân hoặc kiểm tra dân. 7. Tổ chức rào làng chiến đấu để ngăn cản bước tiến của quân Pháp Việt khi mở các cuộc hành quân.
 Những đồn dọc theo quốc lộ số 1 thì VC không bao vây hoàn toàn được nhưng những đồn ở xa thì kể như bị bao vây suốt ngày đêm, nếu chậm tiếp tế thì kể như lính trong đồn phải ăn cháo cầm hơi! Như đồn Sư Lổ, huyện Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên bị bao vây, hết lương thực, đói quá phải mạo hiểm ra khỏi đồn để kiếm ăn, du kích liền chận đánh, một số lính Pháp bị chết nên VC đã đặt bài hát: “Tây đồn Sư Lỗ đói mèo, ra một trung đội xúc heo bắt gà, chị phụ nữ vừa chạy vừa la: Tây ra Tây ra ơi đồng bào ơi . . .” Hôm nay tôi đọc được tin làng Kamdesh APH đã bị quân Taliban kiểm soát từ lâu, đồn Kamdesh bị bao vây, hôm 3 tháng 10/09, trận đánh kéo dài từ chiều mồng 3 cho đến sáng 4 tháng 10 thì bị tràn ngập mặc dầu không quân, kể cả trực thăng vỏ trang yểm trợ suốt đêm, có 8 lính Mỹ tử thương với nhiều quân chính phủ bị bắt! Ông trưởng đồn cho biết, từ ngày đến đóng đồn ở đây, chưa bao giờ ông dám vào làng Kamdesh vì rất nguy hiểm!!! Thế thì đóng đồn để làm gì? Đóng đồn để ND chứ đâu đóng đồn để phòng thủ đồn, để trở thành một gánh nặng cho quân chính phủ APH và đồng minh?


Đó là kế hoạch ND của VC trước đây mà Pháp Việt không làm được! Bên ta tuy có lực lượng mạnh hơn nhưng chỉ ở trong đồn, rất ít thời gian tiếp xúc với dân, bảo đảm an ninh cho dân thì làm sao mà ND được? Thời Pháp thì VC đưa ra khẩu hiệu “ Chống thực dân Pháp, dành lấy độc lập cho Việt Nam” Thời có Mỹ yểm trợ thì VC đưa ra khẩu hiệu “ Chống Mỹ cứu nước” để dành lấy Chính Nghĩa về phía họ! Ta nói chống cộng độc tài để dành lấy Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho dân nhưng không bảo đảm an ninh cho dân thì dù có nói hay ho đến đâu cũng không ND được!


Vậy ND được là phải bảo đảm an ninh cho dân suốt ngày đêm, những cuộc hành quân lớn nhỏ đều không ND được đâu! Đã không ND được mà còn gây thương vong cho dân, làm mất lòng dân, đã tốn kém và có thể bị thương vong nữa cho chính lực lượng hành quân thì nên xét lợi hại trước khi mở cuộc hành quân. Vậy muốn ND được ta phải làm thế nào? Theo thiển ý của tôi, muốn ND được ta phải làm được những việc sau đây:


a. Dành lấy chính nghĩa cho cuộc chiến đấu của ta trước đã.
b. Tạo một vùng an ninh cho quân dân ta suốt ngày đêm để ta ND rồi sẽ dần dần mở rộng vùng kiểm soát của ta để ND thêm khi tình thế cho phép.
c. Tạo sự phồn vinh cho vùng kiểm soát của ta.
d. Xây dựng được một mạn lưới tình báo và quân đội bí mật trong vùng kiểm soát của ta cũng như ở hậu phương địch.
e. Phải có chính sách chiêu hồi.
f. Tạo sự bất an cho vùng kiểm soát của địch như: mở những cuộc hành quân lớn vào sâu vùng địch kiểm soát để tiêu diệt lực lượng địch, để cho dân thấy là không có nơi nào là nơi an toàn cho địch được.





D. Kết luận.


Kính thưa quý vị, theo thiển ý của tôi, muốn dành lấy chiến thắng cuối cùng tại APH thì phải nắm được dân, mà muốn nắm được dân thì ta phải làm chủ chiến trường trước đã. Muốn làm chủ chiến trường, trước tiên ta nên xem lại chiến thuật mà quân đồng minh và APH áp dụng từ năm 2001 đến nay có hữu hiệu không?


Quân Taliban và Al Qaeda đi từ du kích chiến năm 2001 đến nay chúng đã chuyển sang vận động chiến với cấp tiểu đoàn rồi! Từ vận động chiến, chuyển sang trận địa chiến với cấp trung đoàn, sư đoàn mấy hồi? Vì sao tôi nói quân Taliban đã chuyển sang vận động chiến với cấp tiểu đoàn? Vì đồn Kamdesh có 50 quân Mỹ và 90 quân APH, đồn chắc chắn được xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố vì có đến 50 quân Mỹ ở trong đó. Đồn bị đánh suốt đêm với không quân yểm trợ vẫn không giữ được đủ biết lực lượng địch phải từ cấp tiểu đoàn trở lên mới lấy đồn được. Năm ngoái, đồn Vannut cũng bị quân Taliban đánh chiếm! Theo tôi nghĩ, chiến thuật mà quân ta áp dụng ở chiến trường APH cần phải xem lại và bổ khuyết thêm để phù hợp với chiến trường. Nếu tăng quân mà vẫn giữ nguyên chiến thuật cũ thì cũng khó làm chủ được chiến trường. Không làm chủ đươc chiến trường thì không ND được đâu! Không ND được thì về lâu về dài, quân đồng minh phải tháo chạy và chính phủ APH sẽ sụp đổ là điều không tránh khỏi!


Vậy làm thế nào để khỏi thất bại ở APH, theo thiển ý của tôi thì:


1. Phải bổ khuyết chiến thuật đã áp dụng từ trước đến nay, chiến thuật NĐHQĐ, EQ, LLTK, và những chiến thuật nào thêm nữa tùy theo sáng kiến của cấp chỉ huy, sao cho phù hợp với chiến trường APH hiện nay.
2. Không ai nắm vững tình hình chiến sự ở APH bằng vị tư lệnh chiến trường, một khi tư lệnh chiến trường xin tăng quân thì nên thỏa mản để phần nào làm chủ chiến trường trước đã.
3. Tăng tốc độ tuyển mộ dân địa phương để dần dần chuyển giao trách nhiệm phòng thủ địa phương cho họ, chính đó là hành động dành chánh nghĩa về cho chính phủ APH.
4. Lực lượng đồng minh cần nhiều trực thăng để chuyển quân và tiếp tế nhanh chóng những nơi địa thế hiểm trở, có như thế mới tăng niềm tin cho địa phương, địa phương tin tưởng thì việc tuyển quân sẽ được dễ dàng hơn, ta sẽ không lo thiếu hụt quân số.
5. Xây dựng được một mạng lưới tình báo và vỏ trang bí mật để điều hành một cuộc chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát, ngay chính vùng ta kiểm soát mà muốn ND cũng cần có lực lượng bí mật đó mới hy vọng thành công được.Tức là lấy du kích ta chống du kích địch hữu hiệu hơn là lấy chính quy ta chống du kích địch.

6. Tất cả những mục 1, 3, và 5 phải huấn luyện cho quân APH thi hành mới hữu hiệu, quân đồng minh đặt nặng vấn để yểm trợ nhu cầu cho quân APH, chỉ yểm trợ quân sự khi cần mà thôi.


Kính thưa quý vị, quân Taliban và Al Qaeda kết hợp nhau với khối hồi giáo Iran, Pakistan, và hồi giáo các nơi khác bí mật yểm trợ nữa, liên quân Taliban và Al Qaeda lại cuồn tín như thế thì quân đồng minh và APH muốn thắng cũng không phải dễ dàng lắm đâu! Cứ xem như cuộc chiến Việt Nam ngày trước, VC tự tạo ra nhân vật Lê Văn Tám không có thật để khuyến khích dân quân liều mình giết giặc nhưng đã có ai chịu ôm bom tự sát như APH không? Việt Nam không cuồn tín như quân Taliban và Al Qaeda mà đồng minh còn phải tháo chạy, nay với sự cuồn tín của địch quân như thế, liên quân đồng minh và APH xin được cân nhắc kỷ càng trước khi tiếp tục cuộc chiến. Theo tôi thì dù ta giàu có, dù ta có binh hùng tướng mạnh, dù ta có vủ khí tối tân đến đâu nhưng ta không Nắm Dân được thì về lâu về dài, ta không thắng được quân Taliban và APH đâu! Không Nắm Dân được, không thắng được, ta nên nghĩ đến việc chấm dứt cuộc chiến trong danh dự là điều nên tính trước.


Làm tại Garden Grove, ngày 15 tháng 10 năm 2009


Phan Văn Huấn













No comments:

Post a Comment