Saturday, April 24, 2010

30.4


Chuyện chưa kể của người lái trực thăng di tản

2010-04-20
Hàng năm, vào dịp 30/4, tại triển lãm trên chiến hạm Midway của Mỹ tại San Diego, đông đảo người Việt lại họp mặt để ôn lại kỷ niệm xưa khi họ rời Việt nam bằng trực thăng và hạ cánh xuống tàu.

Photo courtesy of vnwarflight.com
Trực thăng tải thương trong chiến tranh Việt Nam.
Rất nhiều người Việt đã rời Việt nam như vậy. Đó là nhờ những người phi công Việt nam tài giỏi đã góp phần làm nên một phần lịch sử trên tàu Midway. Có một người phi công lái trực thăng cũng ra đi vào ngày đó và mang theo mình sinh mạng của hàng chục người khác. Nhưng ông không hạ cánh xuống tàu Midway nổi tiếng. Chuyến bay ngày hôm đó của ông cũng ly kỳ chẳng kém gì những đồng đội của ông trên tàu Midway. Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được gửi tới quý vị câu chuyện 35 năm trước của Trung uý phi công Vũ Minh Thám.

35 năm trước

Trong những dấu ấn không thể nào quên cuả cuộc đời của mỗi con người, có những kỷ niệm buồn và những kỷ niệm vui, nhưng đối với phi công tải thương Vũ Minh Thám, thì ngày định mệnh 30 tháng tư của 35 năm về trước lại là một kỷ niệm hòa trộn cả buồn lẫn vui.
Đầu năm 1975 là những tháng ngày gần cuối cuộc chiến. Quân Bắc Việt mở các cuộc tấn công dồn dập vào nhiều thành phố lớn của miền Nam, kéo theo đó là hàng đoàn người, xe di tản theo quốc lộ 1 vào Sài gòn. Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Buôn Ma Thuột thất thủ. Lúc này, trung uý Vũ Minh Thám, 25 tuổi, đang lái máy bay trực thăng Huey cho phi đội tải thương 259 Pleiku thuộc sư đoàn sáu không quân.

Trong phi trường lúc đó có rất nhiều máy bay, không biết là bao nhiêu phi đoàn phi đội khắp nơi họ đổ về. Ai chụp được cái máy bay nào thì cứ việc bay cái máy bay đó lên.
Ông Vũ Minh Thám
Sau khi Việt Cộng chiếm được Buôn Mê Thuột, sư đoàn 6 không quân được lệnh rút về Nha Trang. Ở Nha trang được khoảng 3 ngày, phi đội lại rút về Sài gòn. Ít ngày sau, do phi trường Tân Sân Nhất rối loạn, ông được lệnh rút tiếp về  Cần Thơ.
Sáng 30 tháng 4, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông Vũ Minh Thám nhớ lại khoảnh khắc đó:
Vũ Minh Thám: Lúc đó tôi đang ở dưới Cần Thơ. Cả phi đội tải thương của chúng tôi và những phi đoàn tác chiến khác cũng ở dưới Cần Thơ. Khi đầu hàng rồi, thì phải có hệ thống chỉ huy thì mới có thể chống đỡ nổi chứ hỗn quân hỗn quan thế này thì phải chạy. Trong phi trường lúc đó có rất nhiều máy bay, không biết là bao nhiêu phi đoàn phi đội khắp nơi họ đổ về. Ai chụp được cái máy bay nào thì cứ việc bay cái máy bay đó lên. Lúc đó không còn gọi là phi hành đoàn chung với nhau mà người nào nhảy lên được cái nào thì bay cái đó giống như xe buýt vậy. Có khoảng 10 người lính trong phi trường họ nhào lên máy bay, họ bay với tôi.
Suy nghĩ đầu tiên mà ông Thám có lúc đó là làm sao bay về nhà để cứu mẹ, và đưá con trai 3 tuổi ở Đại Ngãi thuộc tỉnh Sóc Trăng, và gia đình người yêu trong thành phố Cần Thơ. Chiếc Huey của ông bình thường chỉ trở tối đa không quá 15 người.
Ông bay thẳng từ phi trường đến nhà người yêu ở thành phố mất khoảng 5 phút. Khác với bao lần khác đến nhà người yêu, lần này ông đến bằng trực thăng, và vì nhà không được thiết kể để có chỗ đáp máy bay nên ông phải đáp lên giàn hoa gỗ mong manh trên sân thượng căn nhà gác. Ông kể:
Vũ Minh Thám: Nó chỉ là một cái patio (dàn hoa). Lúc đó đậu rất nhẹ , vì nếu mình mà đáp lên trên đó thì nó nặng nó sụp hết, hư hết máy bay. Hovering rất sát, có một chút xíu trọng lượng lên đó, không quá nặng để giàn hòa sập và không quá nhẹ để mất điều khiển của mình, vì nếu hovering không thì nó rung dữ lắm. Tôi đáp rất nhẹ và người ta nhào lên máy bay.
Khi máy bay của ông đến đón gia đình ở Cần thơ, thì những người đi đường nhìn thấy và họ cũng trèo lên mái để được vào máy bay di tản. Trong khi đó, một số khác ào vào nhà để hôi của.

Cuộc di tản khó khăn


Ông Vũ Minh Thám, hình do Ông cung cấp cho RFA.
Ông Vũ Minh Thám, hình do Ông cung cấp cho RFA.
Sau khi đón xong gia đình người yêu, ông bay về Đại Ngãi để đón mẹ và con. Thời gian bay mất khoảng 15 phút. Lúc này, dù cuộc chiến đã được tuyên bố chấm dứt, nhưng trên thực tế lính hai bên vẫn bắn nhau và làm cho cuộc di tản bằng trực thăng của ông vốn đã khó khăn lại trở nên vô cùng khó khăn. Ông nhớ lại:
Vũ Minh Thám: Về tới Đại Ngãi, đó là quê của tôi, tôi lớn lên ở đó mấy chục năm nên tôi rất rành rẽ. Lúc đó quân đội Bắc Việt đang tấn công vào trong xã Đại Ngãi. Hai bên đang bắn nhau. Tôi ở trên trời tôi thấy súng đạn lửa bắn qua bắn lại như vậy. Và tôi cũng nhìn thấy mẹ tôi ẵm con tôi chay ra bãi đáp đó. Lòng tôi phân vân giờ làm sao. Xuống hay không xuống. Không lẽ mình đi mình bỏ gia đình, bỏ mẹ lại làm sao. Tôi bay hai vòng trên chỗ mà tôi định đáp xuống. Tôi quyết định thôi cứ đáp xuống đi. Mẹ mình đã ẵm con mình ra như vậy. Tôi đáp xuống thì họ thôi không bắn nhau nữa. Lính Việt cộng nhấp nhố, bên Cộng Hòa cũng vậy. Mẹ và con tôi nhảy lên máy bay.
Ngay sau khi mẹ và đứa con đã lên máy bay an toàn, ông quyết định cất cánh. Nhưng ngay chính lúc ông cất cánh cũng là lúc các tay súng nhắm thẳng máy bay ông bắn tới tấp. Ông cho rằng phía Việt cộng đã làm vậy vì lính bên xã Đại Ngãi biết rõ ông nên không thể bắn ông.
Lúc này máy bay ông đã chở đến 35 người, tức là quá sức chở quy định đến 20 người. Ông phải sử dụng công suất tối đa để bay ra. Ông bay sát ngọn cây ra ngoài khoảng 500 thước thì mới bắt đầu nâng độ cao. Lúc này trời mưa, thời tiết hoàn toàn không thuận lợi cho phi hành:
Vũ Minh Thám: Tôi còn nhớ hôm đó trời mưa. Không có mưa lớn lắm, nghĩa là cũng đủ để nhìn nhưng không nhìn xa được. Bắt đầu máu của những người bị thương và dầu transmission cuộn lại và bao phủ phía trong kính máy bay. Tôi phải dùng tay trái để gạt nó đi để thấy đường bay. Sau đó tôi bay lên. Từ Đại Ngãi tôi bay về phía bờ biển là bờ biển Bảy Giá, cũng khoảng 5, 10 phút bay. Bờ biển lúc đó trống không toàn là rừng dừa nước, đáp chỗ nào cũng được. Lúc đó mình bình tĩnh mình nhìn trở lại thì những người chết họ nằm xuống. Những người bị thương than khóc.

Về tới Đại Ngãi, lúc đó quân đội Bắc Việt đang tấn công vào trong xã Đại Ngãi. Hai bên đang bắn nhau. Tôi ở trên trời tôi thấy súng đạn lửa bắn qua bắn lại.
Ông Vũ Minh Thám
Đây là lúc ông phải quyết định đi hay ở, một quyết định mà ông cho là khó khăn nhất từ trước đến giờ trong suốt cuộc đời vào sinh ra tử trên chiến trường của mình.
Vũ Minh Thám: Tôi bay hai vòng trên biển, tôi phải đi đến quyết định là đi hay ở. Đời tôi đã từng chiến đấu, vào sinh ra tử nhiều lần. Nhưng hồi đó mình chở người khác bị thương, và những người chết khác. Mình cứ làm nhiệm vụ của mình và mình không phải quyết định nhiều. Lần này là một chuyến đi, những người bị thương là những người quen biết của mình. Và chuyến đi này không biết đáp ở đâu, có ai cứu mình hay không. Lúc đó trời không có nóng lắm mà tôi nhớ mãi những giọt mồ hôi của tôi từ gáy nhiễu xuống theo áo tôi đi xuống ướt hết cả thắt lưng.
Sau hai vòng bay, cuối cùng ông quyết định ra đi. Ông đã biết từ trước là ngoài khơi, cách Sài gòn khoảng 50 hay 70 mile có tàu Mỹ đậu và ông hy vọng có thể bay tới tàu này để hạ cánh. Lúc này suy nghĩ duy nhất của ông là đến được tàu Mỹ để những người bị thương được chăm sóc.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Máy bay lúc này đã bị hư hỏng nặng. Đồng hồ chỉ vận tốc và xăng nhớt không còn hoạt động. Ông bay mà không biết máy bay có thể bay được bao lâu nữa. Nhưng rất may khi  bay đi tìm tàu Mỹ, vào khoảng trưa ngày 30 tháng 4 ông đã gặp một tàu hải quân Việt nam, chiếc HQ 5 ngoài khơi. Lúc đầu những người trên tàu chưa biết ông là ai nên họ chĩa súng vào máy bay. Ông cho máy bay bay chậm hai vòng để những người lính trên tàu hiểu là ông cũng như họ, đang trên đường di tản.

Mũi của tàu hình chữ V, tôi chỉ đáp được một càng. Trực thăng có hai càng, tôi đáp một càng xuống. Tất cả những người ở trên  xuống tàu.
Ông Vũ Minh Thám
Khi các họng súng trên tàu hạ xuống thì là lúc ông phải đối mặt với một quyết định khác nữa là tìm chỗ đậu để mọi người xuống tàu an toàn. Dù là một tàu hải quân lớn, nhưng tàu HQ5 không có chỗ đậu máy bay. Mũi tàu nơi có họng súng đại bác đã chĩa lên máy bay lúc trước là chỗ duy nhất mà ông có thể đáp máy bay.
Vũ Minh Thám: Mũi của tàu hình chữ V, tôi chỉ đáp được một càng. Trực thăng có hai càng, tôi đáp một càng xuống. Tất cả những người ở trên  xuống tàu. Những người bị thương hoặc chết thì lính hải quân hoặc những người trên tàu kéo xuống đem vào.

Đáp ngoạn mục

Khi mọi người đã xuống an toàn, ông nhìn lại và chỉ thấy một mình mình với cái máy bay. Ông không thể nhảy ra khỏi máy bay trong tình trạng nửa đậu nửa đứng lơ lửng trên mũi tàu với một càng máy bay. Chỉ còn một cách duy nhất là nhấc máy bay lên cao, bay ra xa và cho nó đâm xuống nước, rồi bơi ra ngay sau đó. Hồi còn học bên Mỹ, ông cũng có được học về cách đáp máy bay xuống nước nhưng chỉ được học lý thuyết mà thôi. Bây giờ là lúc ông phải làm thật:
Vũ Minh Thám: Tâm trạng lúc đó còn một mình mình mới sợ, cứ nhấp nhỏm lên xuống mãi không biết thế nào đây. Cuối cùng mình nói là mình không quyết định ra khỏi tình trạng này thì mình sẽ chết và không ai cứu mình được hết. Tôi bay máy bay cao lên hơn mái nhà, tôi tắt máy và đâm nó xuống dưới nước. Trước khi đó tôi dặn lòng mình là thế này nhé, khi máy bay xuống nước, nó có vỡ tan tành ra cái gì đó, cánh quạt nó rất to nó đập xuống nước thì gây tiếng động lớn lắm thì mình phải trồi khỏi mặt nước. Khi máy bay vừa xuống nước khoảng vài giây thì máy bay nghiêng đi và chìm xuống dưới nước, lúc đó tôi trồi người lên và bơi ra khỏi máy bay.

Ông Vũ Minh Thám cho trực thăng đáp xuống nước và bơi ra, hình do <br />Ông cung cấp cho RFA.
Ông Vũ Minh Thám cho trực thăng đáp xuống nước và bơi ra, hình do Ông cung cấp cho RFA.

Sau khi ra khỏi máy bay và bơi khoảng 3 phút, tàu hải quân đã thả thuyền xuống để cứu ông. Ông chỉ bị thương nhẹ ở mặt và người do những mảnh vỡ của kính máy bay.
Khi lên tàu ông được mọi người vỗ tay hoan hô. Thậm chí một viên tướng không quân lúc đó có mặt trên tàu đã đến tận nơi bắt tay ông và khen ngợi khả năng lái máy bay của ông. Lúc đó chàng trung uý trẻ cảm thấy rất tự hào, và xen vào đó là niềm hạnh phúc vì đã cứu được những người thân quen của mình. Giờ nhắc lại ông nói chắc có nhiều phi công khác cũng có thể làm được như vậy nếu họ gặp phải tình huống như của ông.
Còn về những người đi trên máy bay với ông, có 3 người lính không quân bị chết do trúng đạn đã được thuỷ táng sau đó. Những người bị thương được chăm sóc chu đáo.
Con tàu chính thức dời khỏi hải phận Việt nam vào ngày 1 tháng 5 năm 1975 cũng là ngày ông đón sinh nhật thứ 25 của mình. Ông cùng những người trên tàu sau đó đến Philippines và sau nữa là định cư tại Mỹ. Ông và những người được ông cứu hôm đó cuối cùng đã an toàn trên đất Mỹ. Rất nhiều người trong số họ đã có cuộc sống ổn định. Bản thân ông giờ cũng đã nghỉ hưu sau nhiều năm phục vụ cho hải quân Hoa Kỳ. Cậu con trai ngày đó giờ đã thành tài và đã có gia đình.
35 năm sau khi rời khỏi Việt Nam, ông vẫn không quên kỷ niệm ngày nào. Sang đất Mỹ, ông chỉ có dịp lái máy bay trực thăng để rải phân bón cho các cánh đồng tại bang Texas trong một thời gian vài tháng hồi mới sang Mỹ. Ông rất nhớ chiếc máy bay. Ông bảo chắc sinh nhật năm tới ông sẽ thuê một chiếc máy bay chở bà xã đi chơi cho đỡ nhớ.
Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được tạm dừng tại đây. Việt Hà xin thân ái chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.

No comments:

Post a Comment