Saturday, April 2, 2022

Đói khát, thống khổ, đào ngũ: Quân đội của Putin là một trường huấn luyện nô lệ Michail Schischkin, 30.03.2022

Mikhail Schischkin sinh năm 1961 tại Moscow, là một trong những nhà văn Nga đương đại đáng chú ý nhất. Anh học tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Moscow, được đào tạo quân sự với tư cách là phiên dịch viên. Schischkin sống ở Thụy Sĩ từ năm 1995.
Bài viết rất có giá trị này của anh đăng trên hai trang báo hàng đầu của châu Âu: báo Thụy Sĩ "Neue Zürcher Zeitung" và báo Đức “Der Tagesspiegel”.
Tôi chỉ định dịch một đoạn, vì quá dài. Nhưng rồi bài viết thật hay, nó cuốn tôi đi.
Trân trọng giới thiệu.
—Lưu Thủy Hương
2.4.2022
*
🌗 Đói khát, thống khổ, đào ngũ: Quân đội của Putin là một trường huấn luyện nô lệ
Michail Schischkin, 30.03.2022
Người Ukraine biết họ đang chiến đấu vì điều gì. Lính Nga có biết không? Trong thời gian là một sĩ quan Liên Xô, tôi được dạy rằng: một tân binh giỏi trước tiên phải từ bỏ phẩm giá con người của mình.
Kế hoạch chiến tranh của Bộ Tổng tham mưu Nga đã thấy trước rằng các lực lượng vũ trang của NATO sẽ không can thiệp vào cái gọi là giải phóng Ukraine. Tại sao thế giới phải kết thúc trong địa ngục hạt nhân vì một Mariupol nào đó? Tính toán này đã có hiệu quả. Kèm theo nó cũng là việc để trống không phận Ukraine.
Ngược lại, các cơ quan tình báo Mỹ biết chính xác Nga có bao nhiêu xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa. Họ cho rằng Ukraine sẽ bị đánh bại trong vài ngày tới. Về vấn đề này, người Mỹ đã tính toán sai. Cuộc chiến không phải do xe tăng quyết định mà do binh lính.
°
🔘 Quân đội Nga vẫn luôn là một đội quân đói khát
Nga đang thua trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì hoảng sợ, binh lính Nga bỏ xe tăng và tháo chạy. Cuộc tấn công bị bế tắc, binh lính mất tinh thần, thiếu nhiên liệu và lương thực. Một ví dụ trắng trợn đã lột trần hiện thực của quân đội Nga là nguồn cung cấp lương thực.
Cả thế giới kinh ngạc trước những hình ảnh về khẩu phần ăn trên chiến tuyến đã hết hạn sử dụng từ năm 2015, nó được những người lính Nga tử trận và tù binh Nga mang theo. Quân đội của Putin phải đi ăn cướp ăn trộm để tránh bị chết đói. Tất cả những điều này nói rằng, quân đội ngày hôm nay của Nga vẫn là quân đội Xô Viết ngày trước, quân đội của những kẻ đói khát.
Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Matxcova với tư cách là một phiên dịch viên quân sự. Tôi là một sĩ quan trong Quân đội Liên Xô, trung úy lực lượng dự bị. Tôi sẽ không bao giờ quên lời thề trong buổi lễ tuyên thệ tại doanh trại quân đội ở Kovrov: “Tôi thề sẽ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của tôi đến giọt máu cuối cùng.” Sau đó, tôi hôn lá cờ, nó có mùi cá hun khói. Các chỉ huy của chúng tôi đã uống bia, ăn cá rồi chùi tay lên lá cờ.
Thức ăn trong quân đội rất thảm hại, luôn là loại cám xay và một thứ nước uống không tên, chúng tôi cứ phải chạy lòng vòng với cái bụng cồn cào và ngày Chủ Nhật, chúng tôi đột kích vào ngôi làng gần nhất. Ở đó chúng tôi ăn trộm rau trong vườn, rung táo trên cây và sau đó hầu như tất cả đều bị tiêu chảy.
Phục vụ nhà bếp là một công việc yêu thích. Vâng, nó được xem như là đi dự bữa tiệc. Ở đó người ta có thể ăn bao nhiêu tùy thích. Mỗi khi chúng tôi khui những hộp thịt hầm ra, thì chúng tôi lén ăn một nửa. Nửa còn lại mang tới bàn của các sĩ quan. Chỉ còn lại những nắm cám xay không có thịt cho đám lính trơn. Không ai chống đối chuyện này, không ai nghĩ đó là ăn cắp thức ăn từ đĩa của người khác, bởi vì tất cả mọi người đều làm điều đó, khi họ đến phiên được phục vụ trong bếp.
Mỗi đội quân đều là tấm gương phản ảnh thực chất của nền trật tự xã hội. Quân đội Nga đóng một vai trò xã hội quan trọng đối với đất nước, nó là tâm điểm giáo dục cảm tính con người. Và quân đội Nga đã và đang là một trường huấn luyện nô lệ.
Bản chất của nghĩa vụ quân sự nằm ở "các quy tắc ứng xử không theo quy định", những luật quân đội bất thành văn, không thể phá vỡ đó được gọi là “decovshchina” (*). Vị trí của một người lính trong cái xã hội phân chia giai cấp này phụ thuộc vào thời gian anh ta tại ngũ. Những tay lính lão làng có quyền lực hầu như vô hạn đối với những tân binh và họ lạm dụng, cưỡng bức tân binh vào những công việc nặng nhọc hàng ngày.
°
🔘 Tân binh giỏi, trước tiên phải từ bỏ phẩm giá con người của mình
Nếu anh lính mới muốn sống sót, trước hết phải chấp nhận thân phận nô lệ, từ bỏ nhân phẩm của mình. Sau này, anh sẽ từ chỗ nô lệ lên hàng quý ông, bấy giờ đến lượt anh đánh đập những người lính mới, anh bắt họ ăn miếng bánh mì có bôi xi đánh giày, anh cướp đồ thăm nuôi của gia đình họ.
Hầu hết đàn ông Nga đã hoàn thành chương trình giáo dục nô lệ này và mang các kỹ năng và khả năng có được vào mỗi gia đình. Các cuộc xung đột bằng bạo lực diễn ra hàng ngày trên đất nước tôi thật là kinh khủng. Sự khoan dung đã không còn tồn tại.
Trong báo cáo về "Tình hình của các lực lượng vũ trang Nga", Tổ chức Konrad Adenauer đã công bố các số liệu sau đây vào năm 2006: Khoảng 130.000 vụ phạm pháp hình sự đã được thực hiện mỗi năm. Các thủ tục tố tụng hình sự đã được tiến hành đối với 15.700 binh lính và sĩ quan, và 15.000 người trong số họ đã bị kết án.
Hơn một nghìn binh lính và sĩ quan đã bị kết án tù vì ăn cắp vũ khí, công nghệ, thiết bị và quỹ. 40 phần trăm là các tội bạo lực thể chất. Trung bình có 88 binh sĩ và sĩ quan thiệt mạng mỗi tháng (trong thời bình!). Mỗi năm thiệt mạng 1064 binh sĩ, 276 người trong số họ do tự sát và 16 người chết do bị cấp trên và những người lính khác bạo hành thể xác.
Đây chỉ là những con số từ các nguồn công khai. Sau đó, cuộc cải tổ quân đội của Putin bắt đầu. Theo sau cuộc cải tổ, Novaya Gazeta của phe đối lập cho biết, những dữ liệu đó đã được giữ bí mật. Bộ trưởng Quốc phòng liên tục thề thốt rằng tình trạng “decovshchina” đã chấm dứt trong quân đội. Nói vậy mà không phải vậy. Báo chí thường xuyên đưa tin về những người lính bị chính đồng chí của họ bắn và họ phải bỏ trốn.
Công bằng mà nói, quân đội Nga cũng đã được văn minh hóa. Ngày 15 tháng 2 năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Sergei Ivanov tuyên bố tại Duma: “Lần đầu tiên trong đời, nhiều lính nghĩa vụ được nhìn thấy bồn cầu, bàn chải đánh răng và ba bữa ăn mỗi ngày”.
°
🔘 Bây giờ thế hệ Nga được văn minh hóa này cũng tham chiến
Ai đó nói rằng mọi thế hệ đều cần chiến tranh? Ở Nga, điều đó đúng. Hai người bạn của tôi đã ngã xuống chiến trường Afghanistan. Thế hệ tiếp theo phải tham gia vào các cuộc chiến ở Chechnya. Vô số báo cáo từ các cựu chiến binh đã vẽ nên bức tranh giống nhau về quân đội Nga: đói khát và tham nhũng. Các chỉ huy thường bán vũ khí và thông tin tình báo cho phe đối lập là phiến quân Chechnya, hay nói cách khác là bán mạng sống của chính binh lính của họ.
Nhà báo nổi tiếng Arkady Babchenko, người từng chiến đấu ở Chechnya, đã đưa ra châm ngôn nổi tiếng về tinh thần người lính trong quân đội Nga: "Tổ quốc của ta luôn bỏ rơi ta trong khốn khó, luôn luôn."
Thế hệ tiếp theo có cuộc chiến của họ. Hình ảnh một quân đội cải cách, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu - hóa ra chỉ là trò tuyên truyền lừa dối của Putin. Cả một chế độ tội phạm tham nhũng và biển thủ ngân quỹ nhà nước được nuôi dưỡng từ các khoản chi khổng lồ cho cải cách và trang bị lại quân đội.
Các khoản chi tiêu mờ ám trong việc phân bổ ngân sách đã khiến mọi nỗ lực cải cách đều thất bại. Không có ngân sách quân sự khổng lồ nào có thể thay đổi tình hình nguy hại này. Sự ô nhục của ngành công nghiệp quốc phòng càng trở nên nổi tiếng hơn, khi vào tháng 5/2015, một chiếc xe tăng Armata T-14 thế hệ mới bỗng tắt máy trên Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh, và sau đó nó phải được kéo đi. Việc sản xuất loại quân bị mới này rơi vào bế tắc. Nó là thứ cải trang từ nhiều thiết bị cũ kỹ, có từ thời Liên Xô.
Trong cuộc chiến ở Ukraine, quân đội Nga sử dụng chiến thuật tương tự đã được áp dụng trong tất cả các cuộc chiến trước đó: không ngừng đẩy hàng loạt binh lính vào biển lửa. Nga có một lợi thế, cái lợi thế mà thế giới văn minh không thể làm được: Putin không quan tâm đến việc phải hy sinh bao nhiêu binh sĩ, hàng nghìn hay hàng chục nghìn trên đất Ukraine. Georgy Zhukov, người được mệnh danh là Nguyên soái chiến thắng, đã nói rõ ràng: “Không sao hết. Đàn bà Nga sẽ đẻ thêm binh sĩ”.
Ông Putin đã từ chối đề nghị của ICRC về việc chuyển thi thể các binh sĩ Nga từ Ukraine về Nga. Đó là thực chất về mối quan hệ giữa quyền lực và nhân dân ở quê hương tôi.
Khi tôi đang tìm cách viết đoạn cuối về quân đội Nga và những người lính Nga, thì con trai tôi đến và hỏi: "Ba ơi, tại sao một người lính bộ binh Hy Lạp trên chiến trường lại mạnh hơn hàng chục lính đánh thuê của vua Ba Tư?"
Tôi trả lời con trai: "Anh ấy là một công dân tự do bảo vệ quyền tự do của anh, và quân Ba Tư là những người nô lệ."
*
Chú thích
(*) Dedovshchina: Huấn nhục tân binh một cách bạo tàn bằng bạo lực. Nhiều người trẻ tuổi bị giết hoặc tự vẫn mỗi năm do bị dedovshchina. Theo báo The New York Times, ít nhất có 292 lính Nga bị giết chết bởi dedovshchina trong năm 2006 (dù quân đội Nga chỉ thừa nhận có 16 lính bị giết chết trực tiếp bởi những hành động của dedovshchina và tuyên bố rằng số còn lại là tự tử).
*
Mời đọc lại bài viết từ ngày 12.03 của tôi, về nạn tham nhũng trong quân đội Nga. Một điều kỳ lạ, tôi và Schischkin - hai người không quen biết - lại có nhiều suy nghĩ như nhau:

No comments:

Post a Comment