Monday, March 29, 2010

Chiến Tranh Và Người Mỹ Trên Quê Hương Tôi

Kỷ niệm 35 năm người Việt tị nạn tại hải ngoại. Kính tưởng niệm tất cả anh linh chiến sĩ Việt Nam – Hoa Kỳ và đồng minh, có Anh Chị Em ruột thịt của tôi, đã hy sinh vì chính nghĩa Tự Do trong chiến tranh Việt Nam trước tháng 4 / 1975

Huyên Chương Quý

Năm 1961, má tôi bị bệnh tê liệt, chạy chữa khắp nơi, thuốc Bắc, thuốc Nam vẫn không khỏi, phải vào nằm nhà thương thí thị xã Phan Rang. Cha tôi đã mất. Chị Mùi, trưởng nữ, đi buôn dưa tận tỉnh Long Khánh, thỉnh thoảng mới về thăm má. Anh Phùng, trưởng huynh, anh Thiện kế tôi, đều đi học nghề thí công ở nhà chủ. Em Hỷ làm con nuôi người ta. Chỉ còn tôi luôn quấn quýt ở bên má. Thấy gia cảnh má nghèo, ban giám đốc cho tôi được ở lại luôn tại nhà thương để phụ chăm sóc má.
Hàng ngày, ngoài hai lần đến nhà bếp lãnh cơm về cho má và tôi cùng ăn, tôi thường đi la cà các khu bệnh khác trong nhà thương. Có lần đi ngang khu cấp cứu, tôi thấy nhiều thương binh nằm ở ngoài sân. Người nào cũng máu me lênh láng đầy mình. Họ rên rĩ, la hét vì cơn đau của những vết thương. Không hiểu vì sao có nhiều người bị thương như vậy, tôi tần ngần đứng nhìn một lúc, thấy tội nghiệp cho họ lắm. Lần khác, khi có vài anh lính khỏe mạnh khiêng thương binh vào khu cấp cứu xong thì ngồi nghỉ mệt, tôi làm gan đến hỏi. Các anh cho biết vừa mới đánh nhau ác liệt với tụi Việt cộng ở Sông Pha, cách thị xã vài chục cây số. Tôi không biết tụi Việt cộng là ai. Tôi nghĩ chắc là bọn ăn cướp. Tuổi mới lên bảy, tôi chưa biết gì về chiến tranh.
Nằm nhà thương vài tháng, bệnh.má tôi vẫn không thuyên giảm. Cô Ba Tình, em kết nghĩa của cha tôi, đưa hai má con tôi về lại làng Tấn Tài B, cách thị xã bốn cây số, ở trong ngôi nhà tranh nhỏ trong vườn nhà cô. Tháng 8 / 1962, má tôi mất. Cô Ba nhận tôi làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Sau vài lần ngồi khóc một mình trong xó tối vì nhớ má, tôi trở lại tính hồn nhiên, đi học, đi chơi với bạn bè, quên đi thời gian cơ cực mỗi ngày phải tự đi chợ, đi lượm củi, nấu cơm, nấu thuốc Bắc, lo lắng cho mẹ hiền bệnh hoạn nằm một chổ; quên cả hình ảnh các thương binh máu me đầy mình ở khu cấp cứu trong nhà thương. Có vài ngày má nuôi và nhiều người khác trong làng đi làm hàng rào ấp chiến lược. Tôi đi theo má nuôi, lanh chanh chạy chổ này, chổ nọ chứ chẳng giúp được gì cho ai. Tôi hỏi má nuôi sao phải làm hàng rào dài thế, má nuôi nói là để không cho Việt cộng vào làng, vì Việt cộng nó ác lắm. Cuối năm, có anh Phước, người cháu của má nuôi từ tỉnh Lâm Đồng về chơi, kể cho tôi nghe những trận đánh của anh với Việt cộng; nhiều lần một mình anh mà đánh lui cả trăm tên Việt cộng. Anh đặt nhiều khẩu súng dọc theo giao thông hào, rồi chạy xẹt tới, xẹt lui bắn loạn xà ngầu, tụi Việt cộng sợ quá phải bỏ chạy. Lớn lên, tôi biết anh nói dóc. Anh còn nói dóc là Việt cộng nó ốm tong, ốm teo như con khỉ, nhiều thằng leo lên cây đu đủ cũng không gãy. Nhưng lúc đó còn nhỏ, nghe anh kể, tôi phục lăn. Anh cho tôi biết Việt cộng đang gây chiến tranh ở nhiều nơi trên đất nước. Rồi nhờ các bài học lịch sử vở lòng, thêm đọc truyện “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ, tôi mới hiểu thế nào là giặc ngoại xâm gây họa chiến tranh, sự tàn ác của bọn Tàu và sự bóc lột dân ta của người Pháp. Bây giờ thêm tụi Việt cộng ác ôn gây chiến. Tôi thấy sợ chiến tranh, căm ghét tụi Việt cộng, oán hận giặc Tàu phương Bắc và giặc Pháp phương Tây. Đời sống quanh tôi ở Phan Rang bấy giờ rất thanh bình. Nhưng qua lời kể chuyện của anh Phước, trí óc tuổi thơ tôi cũng lờ mờ hiểu được hiểm họa chiến tranh đang xảy ra trên quê hương.
Hè 1965, tôi học xong lớp ba. Chị Mùi đưa mấy anh em tôi vào Long Khánh sống với chú thiếm Bảy tại ấp Tân Phú. Con đường đất đỏ từ thị xã Xuân Lộc đi vào ấp mang tên Hoàng Diệu có một đồn lính Mỹ ở đầu ấp. Mọi người gọi là đồn Hoàng Diệu. Cách ấp khoảng hai cây số, có thêm căn cứ đóng quân của Sư đoàn 18 bộ binh và Lực lượng Thiết giáp. Nhiều lần, xe thiết giáp và xe GMC chở đầy lính chạy rầm rầm ngang qua ấp, đi về hướng rừng sâu, bụi tung mù mịt cả con đường. Tôi đoán là lính đi hành quân đánh Việt cộng. Rồi, nhiều lần có những tiếng nổ ầm ầm trong đêm, nghe rất gần. Cả gia đình đều chạy xuống hầm. Chú Bảy nói đó là Việt cộng pháo kích. Bộ mặt chiến tranh đã hiện rõ trước mắt tôi.
Một ngày, đi học về trên đường Hoàng Diệu, ngang qua đồn lính Mỹ, tôi nhìn thấy nhiều người lính Mỹ ra, vào đồn. Họ da trắng, cao lớn, mủi lỏ, mắt xanh. Có vài người cũng cao lớn nhưng mặt mày đen thui. Nhớ lời má nuôi kể giặc Pháp thời trước cũng dáng người cao lớn, mủi lỏ, mắt xanh, thêm có nhiều lính lê dương da đen rất hung ác, tự nhiên tôi thấy sợ sợ những người lính Mỹ này. Tôi nghĩ, chắc là họ xâm lăng nước mình. Lòng hiếu kỳ khiến tôi cứ đứng nhìn chăm chăm vào họ. Nhưng sao trông họ hiền hòa quá, chẳng có chút gì hung dữ như giặc Tây. Họ cười vui vẻ khi thấy tôi đứng nhìn. Còn vẫy vẫy tay với tôi nữa. Một người lính đen đến gần, chìa ra trước mặt tôi cây kẹo chewing gum. Tôi lắc đầu không nhận, ù chạy về nhà. Tôi nói với chú Bảy :
- Hôm nay lần đầu tiên con gặp người Mỹ. Trông tướng họ giống như giặc Tây vậy. Bộ người Mỹ xâm lăng nước mình hở chú ?
Chú Bảy cười xòa :
- Họ không phải là giặc xâm lăng đâu con.
- Vậy họ đến nước mình làm chi ?
- Vì nước Mỹ, còn gọi là Hoa Kỳ, là đồng minh nước Việt Nam Cộng Hòa mình, nên họ gửi lính qua giúp mình đánh Việt cộng.
- Vậy người Mỹ là bạn của mình. Hèn chi con thấy họ hiền ghê, còn cho con kẹo nữa, mà con không lấy. Nước Mỹ ở đâu chú ?
- Ở Châu Mỹ. Còn nước Pháp ở Châu Âu. Hai nước cách xa nhau lắm. Mỹ là nước giàu mạnh, lãnh đạo khối thế giới tự do chống lại cộng sản. Tụi cộng sản Tàu, Nga nó ác lắm, thường giết hại dân lành. Việt cộng là tay sai của cộng sản Nga, Tàu nên cũng rất ác ôn, chuyên đấu tố, cướp của, giết người. Trước năm 1954, ba của con làm Chánh tổng ở tổng Phước An, tỉnh Ninh Thuận, giàu có lắm, bị Việt cộng, hồi đó gọi là Việt minh, vào đốt nhà, cướp hết tài sản, đất đai. Ba má con mới chạy về làng Tấn Tài B lánh nạn, sống nghèo khổ như vậy.
Đối với tuổi thơ tôi, người Mỹ đã hiện diện trên quê hương tôi bắt đầu từ lần đầu tiên nhìn thấy đó. Rồi hình ảnh người Mỹ trở thành quen thuộc khi tôi thường nhìn thấy những xe GMC chở lính Mỹ chạy trên nhiều con đường khác trong thị xã. Đám trẻ nhỏ mỗi khi thấy xe lính Mỹ chạy qua là ùa ra vẫy tay, kêu ỏm tỏi những tiếng ô kê, ô kê, hê lô, hê lô để mong được lính Mỹ quăng cho vài cây kẹo.
Có lính Mỹ đóng quân, con đường Hoàng Diệu dần dần trở nên vui nhộn với những quán bar mọc lên san sát, đối diện với suốt cả chiều dài của đồn Mỹ. Những cô gái trẻ, mặt đầy phấn son, mặc Mini bó sát, ngắn củn cởn, thường ra đứng trước cửa quán mời mọc lính Mỹ. Có anh nào chịu vào quán là các cô ôm eo, bá vai, cười nói lả lơi. Thỉnh thoảng, có vài anh lính Mỹ say xỉn làm bậy cái gì đó, các cô la ới ới, chạy sấp chạy ngửa ra đường.
Số phận ấp Tân Phú có chung số phận với đồn Mỹ khi phải chịu đựng những trận đạn pháo của Việt cộng rót vào. Mỗi khi bị Việt cộng pháo kích, đồn Mỹ pháo trả lại. Tiếng nổ ầm ầm vang dội trong đêm. Cứ sau giờ cơm nước buổi tối, người dân trong ấp lại phập phồng lo sợ, không biết lúc nào Việt cộng sẽ bắn pháo. Họ ngủ không yên giấc. Gia đình chú thiếm Bảy tôi cũng vậy. Phần tôi, mỗi lần phải chạy xuống hầm tránh đạn pháo kích, tôi thấy ớn ớn căn hầm. Tôi với cả nhà tám người chụm lại, ngồi chồm hổm ở dưới hầm. Vách hầm đất đỏ ẩm ướt, bốc lên mùi hôi hám, thật khó chịu, tôi muốn ói. Tôi còn gục tới, gục lui vì cơn buồn ngủ, nhiều lúc ngã lăn kềnh trong hầm, mặt, mủi, tay, chân, quần áo dính đầy đất đỏ..
Có nhiều trận pháo kích, đạn rót trúng ngay nhà dân. Tiếng la hét, kêu gào của những người hàng xóm bị thương nghe thật thảm thiết, thê lương trong đêm đen. Những trận pháo kích của Việt cộng tăng lên, từng đêm, từng đêm. Riết rồi chú Bảy tôi không thèm chạy xuống hầm nữa. Mọi người trong gia đình ngồi dưới hầm mà cứ nơm nớp lo lắng cho chú. Thiếm Bảy gào lên :
- Xuống hầm đi ông. Xuống hầm đi ông.
Tiếng chú tôi nói vọng xuống :
- Mấy người cứ ở yên dưới hầm đi. Đừng lo cho tôi.
Thiếm Bảy càng gào to hơn :
- Trời ơi ! Ông muốn chết sao ? Tôi lạy ông !. Xuống hầm đi ông.
- Đừng lo. Gần đất, xa trời rồi, sợ gì chết.
Cứ vậy, đêm nào cũng điệp khúc đó giữa chú thiếm, thành quen thuộc với tôi. Cũng từ đó, tôi bắt đầu mỗi ngày biết dán mắt vào những mẫu tin tức chiến sự trên các nhật báo. Tôi biết được chiến tranh đã lan ra khắp miền Nam Việt Nam. Con số lính Mỹ tham chiến lên tới mấy trăm ngàn người. Còn có thêm quân các nước đồng minh khác như Đại Hàn, Thái Lan, Tân tây Lan, Úc đại Lợi, Phi luật Tân. Cường độ chiến tranh leo thang, thì lính Mỹ ở đồn Hoàng Diệu và người dân ấp Tân Phú càng hứng chịu nhiều hơn những trận pháo kích của Việt cộng. Cứ vài ngày là có một ngôi nhà bị đổ sập, tan hoang, và vài người dân chết hoặc bị thương. Tuổi thơ tôi có lần tự hỏi : Vì người Mỹ có mặt càng ngày càng đông trên quê hương tôi mà chiến tranh lan rộng, hay vì Việt cộng tăng cường chiến sự, mở rộng chiến tranh mà người Mỹ mới ngày càng có mặt đông đảo trên quê hương tôi ? Rồi tôi cũng quên đi những thắc mắc đó. Chuyện chiến tranh ngày càng khốc liệt trên quê hương trở thành quen thuộc, như chuyện ăn cơm mỗi bửa, sáng, trưa, chiều. Trí óc non nớt của tôi chưa đủ sức để tìm hiểu những vấn đề phức tạp. Tôi phải lo học hành. Còn phải đi phụ ruộng rẫy với gia đình chú thiếm.
Cuối năm 1966, chị Mùi lấy chồng là lính Biệt kích Mỹ. Tôi và anh Thiện theo ở với chị. Biệt kích Mỹ là binh chủng do người Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ huy và trả lương. Mới đầu, đại đội anh Vọng, anh rể tôi, đóng quân ở Gia Liêu, gần thị xã. Vài tháng sau, đơn vị anh Vọng chuyển lên đóng trại ở lưng chừng núi Thị, cách thị xã khoảng mười cây số. Ở trên đỉnh núi, có căn cứ sĩ quan Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ. Chị tôi nhận được công việc nấu ăn cho sĩ quan Mỹ. Mỗi tối, khoảng 8 giờ, tôi lên đỉnh núi đón chị về. Nhiều lần tôi gặp các sĩ quan Mỹ. Họ rất thân thiện, cởi mở. Lúc thì ông sĩ quan Mỹ trắng lấy bánh ngọt mời tôi ăn. Lúc khác thì ông sĩ quan Mỹ đen lấy cho tôi lon cô ca lạnh, rồi xoa đầu tôi và nói vài câu tiếng Anh. Chị tôi thông ngôn lại : “Ổng nói em hiền hậu, trắng trẻo, dễ thương, nhưng dáng người có chút xíu khoảng tám, chín tuổi. Ổng không tin là em đã 13 tuổi rồi” Tôi bẽn lẽn cảm ơn ông. Tôi thấy thiện cảm với người Mỹ. Nên lúc đọc báo, biết được nhiều lính Mỹ bị thương, tử trận khi sát cánh chiến đấu với lính mình ở khắp nơi trên nửa lãnh thổ hình cong chữ S, tôi thấy đau xót cho họ. Quên bẵng những lời giải thích của chú Bảy, tôi lại tự hỏi : Tại sao từ một nơi xa lắc, xa lơ cách một Thái Bình Dương vời vợi, người Mỹ lại đến đây chiến đấu cho quê hương tôi và chết vì quê hương tôi như thế ?
Gần cuối năm 1967, đại đội anh Vọng chuyển đi trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, ở tận tỉnh Tây Ninh. Chị tôi theo chồng. Tôi và anh Thiện về ở với cô Lang, em họ lớn tuổi của tôi trong xóm cây cao su, gần bến xe Xuân Lộc. Anh Phùng rời nhà chú Bảy đi Sài Gòn sống với gia đình dì Mười, bà con bên ngoại. Tết Mậu thân, 1968, Việt cộng tổng tấn công vào Sài Gòn, Huế và khắp các tỉnh, thành khác ở miền Nam. Thị xã Xuân Lộc cũng không tránh khỏi. Tôi không ngờ cô Lang là cán bộ Việt cộng nằm vùng. Trong đêm giao thừa, cộng quân tấn công vào thị xã, cô dẫn Lộc, 17 tuổi, con trai cô và anh Thiện đi vòng vòng trong xóm, kêu gọi người dân nổi dậy lật đổ chính quyền “Mỹ, Ngụy”. Nằm trong nhà, tôi nghe rõ mồn một tiếng cô Lang, Lộc và anh Thiện vang lên om om trong đêm khuya. Cuộc tấn công của Việt cộng bị thất bại, phơi nhiều xác trong thị xã. Cô Lang dẫn Lộc và anh Thiện đi vào rừng làm du kích. Tôi chạy về lại nhà chú Bảy. Học hết lớp đệ thất ( lớp 6 ), tôi đi Sài Gòn sống với anh Phùng. Tại Sài Gòn, nhiều nơi vẫn còn dấu tích bị tàn phá bởi đạn pháo, và người dân vẫn còn nét lo lắng, ưu tư trên khuôn mặt. Riêng Huế bị cộng quân chiếm giữ 25 ngày, tàn sát hơn sáu ngàn dân rồi chôn vào mấy chục hố chôn tập thể trong thành phố. Nghe người ta kể lại, tôi thấy ớn lạnh vì sự tàn ác của Việt cộng.
Cuối năm 1968, cô Lang cho người báo tin cho chú Bảy là anh Thiện và Lộc đã chết trong một trận càn quét của Sư đoàn 18. Nghe chú Bảy kể lại, tôi ra sau hè, ngồi lặng lẽ một hồi thì bật khóc nức nở. Kế tiếp là Ngọc, lính Sư đoàn 18, con trai duy nhất của chú Bảy cũng hy sinh trong một trận đánh vào cứ địa Việt cộng tại biên giới Việt – Miên. Rồi anh Phùng vào lính, sư đoàn 7 bộ binh, đóng quân tại căn cứ Đồng Tâm, gần thành phố Mỹ Tho. Tôi đi Tây Ninh, sống với anh chị Mùi trong trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, từ giữa năm 1969 đến giữa năm 1970. Đây chính là thời gian tôi có những kỷ niệm thật đẹp, thật êm đềm, vui vẻ với nhiều người lính Mỹ, và hiểu rõ hơn tại sao người Mỹ đã đến đất nước tôi, ra công, ra sức, ra tiền, tốn hao bom, đạn, xương máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam.
….
Trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi do một nhóm sĩ quan Lực lượng đặc biệt Việt Nam trực tiếp chỉ huy nhưng thuộc quyền chủ quản của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ B16, tỉnh Tây Ninh. Trại cách biên giới Việt – Miên khoảng sáu, bảy cây số. Chung quanh công sự phòng thủ của trại có sáu hàng rào kẻm gai gắn mìn “định hướng”, loại mìn bắn mìểng về phiá trước chống địch quân xâm nhập. Vòng ngoài xa xa, ở phía Bắc và Tây là những xóm nhà dân, phía Đông là cánh đồng hoang, phía Nam là con sông Vàm Cỏ lượn lờ chảy ngang qua. Quân số của trại có bốn đại đội Biệt kích, thêm một đội Pháo binh tăng cường. Lính của ba đại đội : 349, 351, 352 đều là người Việt chính gốc. Riêng đại đội 350 do anh Vọng làm đại đội phó toàn người Việt gốc Miên, được Mỹ tuyển dụng từ tỉnh Trà Vinh.
Anh Vọng cũng là người Việt gốc Miên nhưng có nước da trắng hơn nhiều người Việt. Dáng người anh dong dong, phong nhã, trông như thư sinh. Khuôn mặt anh có nét rắn rỏi, can trường của một người lính dày dạn gió sương. Miệng anh lúc nào cũng nở nụ cười tươi, và tính tình rất hòa nhã, khiêm tốn. Có lẽ đó là điều khiến chị tôi hết mực yêu thương anh và sống với anh rất hạnh phúc. Tôi mừng cho chị tôi lấy được người chồng tốt. Anh Vọng thương tôi như em ruột. Lần này, chính anh viết thư kêu tôi đi Bến Sỏi sống với anh chị; cho anh chị em gần gũi nhau. Anh đã chờ cả buổi ở bến xe Tây Ninh để đón tôi, đưa tôi về Bến Sỏi. Anh kể lại, trong mấy năm qua, vì ở gần biên giới là vùng cứ địa Việt cộng, nên trại Bến Sỏi chịu đựng nhiều áp lực nặng nề của cộng quân. Đã nhiều lần cộng quân tấn công vào trại bằng chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung, nhưng đều bị thất bại trước sự chống trả quyết liệt của lực lượng Biệt kích Mỹ. Chúng rút lui, đã bỏ lại nhiều xác chết vắt vẻo trên các hàng rào kẻm gai. Còn chuyện hứng chịu những cơn mưa pháo của Việt cộng hằng đêm là chuyện quá thường tình đối với người lính Biệt kích Bến Sỏi và vợ con của họ. Chị Mùi theo anh Vọng mấy năm qua, đã quen với những gian nguy, khổ cực của đời vợ lính. Đạn, bom, sự chết chóc của con người trong chiến tranh, đối với chị đã trở thành quen thuộc.
Anh chị Mùi bấy giờ đã có một đứa con trai lên một tuổi, tên Quang. Tôi sống với anh chị và cháu Quang trong một căn nhà mái tôn xập xệ ở xóm dân, gần bến phà sông Vàm Cỏ. Anh Vọng bận nhiều công vụ, chỉ xẹt về nhà một chút khi có giờ rãnh. Mỗi trưa, tôi vào trại lãnh cơm về cho cả nhà ăn. Mỗi chiều, chị Mùi bế cháu Quang cùng với tôi vào trại, ngủ qua đêm trong một căn hầm chất đầy bao cát chung quanh và trên nóc; cũng là công sự phòng thủ rất kiên cố. Hai tháng đầu, tôi chỉ long nhong đi chơi trong các xóm dân. Tôi làm quen được vài đứa bạn cùng lứa tuổi, thường hẹn nhau đi hái ổi, hái me ở các vườn hoang. Ăn đã rồi bắn bi, vật lộn. Sau đó rủ nhau đi tắm sông, thi đua bơi lội. Có lần, tôi xin theo ca nô của các anh đội Giang thuyền. Ca nô lướt nước dọc theo dòng sông Vàm Cỏ uốn khúc quanh co. Hai bên sông, chen lẫn với hàng dừa xanh, là những khóm hoa dại đủ màu, đỏ, vàng, tím. Phong cảnh thật đẹp, nên thơ. Khi đã xa khu dân cư, các anh Giang thuyền quăng một trái lựu đạn xuống nước. Vài phút sau, cá nổi lềnh bềnh, nhìn vui con mắt. Chúng tôi tranh nhau vớt cá, cười, nói ầm ĩ. Đời sống thật vui, nhưng vô tích sự. Có lẽ thấy cái vô tích sự đó, nên giữa tháng 8 / 1969, tôi đi bán đậu phộng rang trong trại.
Thường, ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi một tiếng, tôi mới đến nhà chủ lấy đậu phộng rang đem vào trại. Công việc nhẹ nhàng này cũng cho tôi có được vài chục đồng tiền lời mỗi ngày để tiêu xài lặt vặt. Mới đó, đã đi bán được một tháng. Một buổi chiều, thấy thùng đậu chỉ còn lại vài gói, tôi ngồi nghỉ trên một công sự gần dãy nhà cố vấn Mỹ. Một ông cố vấn Mỹ, trông còn trẻ, từ trong dãy nhà bước ra, đi tới, đi lui ở hàng hiên. Không biết ông định làm cái gì. Chắc là vận động cho giãn gân, giãn cốt. Bỗng ông nhìn về phía tôi, rồi đến gần. Ông nở nụ cười rất tươi, nói :
- Hello! How are you ?
Tôi cũng biết bập bõm vài câu tiếng Anh thông thường, hiểu câu này là câu chào, hỏi thăm, nên cũng cười tươi, trả lời :
- Yes ! I am very good. And you ?
- Very good too !
Rồi ông chỉ vào thùng đậu phộng : - How much ?
Vốn đã có thiện cảm với người lính Mỹ, tôi muốn nhân dịp này thể hiện cảm tình của tôi nên vội lấy ra hai gói đậu đưa ông, rồi quơ quơ tay, nói :
- I like you. I don’t take money
Nét ngạc nhiên hiện lên trên khuôn mặt ông. Ông nói một câu hơi dài, tôi tỏ vẻ không hiểu. Ông mới ngoắc tay : - Come with me.
Tôi đi theo ông vào nhà cố vấn. Ông gọi một anh lính Việt đến, nói với ảnh điều gì đó. Ảnh quay sang tôi, tự giới thiệu :
- Anh là Tô, thông dịch viên. Còn ổng là Bonny, trung úy cố vấn trưởng ở đây. Ổng nói em đi bán mà sao lại không muốn lấy tiền của ổng ?.
Tôi ấp úng, ơ ơ một hồi mới nói :
- Dạ, tại vì em thấy rất quý trọng những người lính Mỹ. Họ từ nước Mỹ xa xôi lại đến nước mình, giúp mình đánh Việt cộng. Em ghét Việt cộng lắm.
Anh Tô nói lại với ông Bonny, ông gật gật đầu. Qua anh Tô thông ngôn, ông nói chuyện với tôi :
- Em tốt lắm. Em tên gì ? Mấy tuổi ?
- Dạ, em tên Quý, 15 tuổi.
- Em đang ở với ai trong trại ?
- Dạ, em ở với anh chị. Anh rể em là anh Vọng, đại đội phó đại đội 350
- Còn ba má em đâu ?
- Dạ, ba má em đã mất lúc em còn nhỏ.
- Em có đi học không ?
- Dạ, em học hết lớp đệ thất thì nghỉ. Bây giờ ở đây muốn đi học cũng khó. Từ Bến Sỏi đến thị xã Tây Ninh mấy chục cây số. Xa quá.
Trung úy Bonny trầm ngâm một lúc rồi nói với anh Tô một câu hơi dài. Anh Tô mỉm cười thông ngôn lại :
- Ổng nói hoàn cảnh của em thật tội nghiệp. Ổng thấy thương. Em 15 tuổi gì mà có chút xíu, như là mười tuổi. Nhìn dễ thương lắm. Từ ngày mai, em đừng đi bán đậu phộng nữa. Cực khổ. Em đến ở tại nhà cố vấn này luôn. Coi như ổng nuôi em. Anh Tô vỗ vai tôi, nói tiếp : - Sướng rồi đó. Em cảm ơn ổng đi.
Tôi đứng dậy, nói lí nhí :
- Thank you very much. Rồi tôi lấy ra hết mấy gói đậu trong thùng đưa cho anh Tô : - Còn mấy gói, em biếu anh. Ngày mai, em sẽ đến.
Ông Bonny bắt tay tôi :
- See you tomorrow.
Tôi cúi đầu chào ông, cảm ơn anh Tô rồi về hầm kể cho chị Mùi nghe. Chị vui vẻ nói :
- Ờ, vào sống trong nhà cố vấn thì sướng cho mày rồi. Nhưng nhớ đừng có làm cái gì bậy mà người ta coi thường người Việt Nam mình.
Nhà cố vấn Mỹ có năm gian. Gian thứ nhất ăn thông với hầm làm việc và ngủ, nghỉ của ban cố vấn. Gian thứ hai rất rộng, gồm nhà bếp, phòng giải trí, cũng là nơi ngủ của anh Tô, anh Kim và tôi. Gian giữa hẹp hơn, dùng làm phòng khách, có cửa ra vào phiá trước, phía sau. Gian thứ tư và gian thứ năm là nơi làm việc, ngủ, nghỉ của đội Công binh, Truyền tin Mỹ tăng cường. Họ phụ trách đài quan sát cao mấy chục mét dựng ở giữa sân trại. Phía sau dãy nhà có các hầm trú ẩn cho mọi người mỗi khi có pháo kích. Hai tuần lễ đầu ở đây, ngoài trung úy Bonny và anh Tô, tôi còn quen thân với trung sĩ John, cố vấn phó, anh Kim, thông dịch viên, chị Dung, nấu ăn, anh Lai, giặt quần áo, và vài anh lính Mỹ khác trong đội tăng cường như Henry, Andy, Jim, Danny, Peter… Anh Lai và chị Dung là thường dân ở thị xã, sáng đến làm, chiều về nhà. Chị Dung nấu các món ăn Mỹ rất ngon. Nhưng tôi chỉ ăn vào buổi chiều ở nhà cố vấn. Buổi trưa, tôi vẫn đi lấy cơm ở nhà bếp trại lính về nhà ăn với anh chị Mùi và cháu Quang cho vui với gia đình
Lúc còn ở ngoài trại, nhiều khi thèm uống một ly đá chanh, hay ngay cả một ly nước đá lạnh cho đã họng dưới cái nóng như thiêu đốt của vùng Bến Sỏi khô cằn, tôi cũng không có tiền để mua mà uống. Từ ngày tự do ra, vào nhà cố vấn, tôi tha hồ uống cô ca lạnh và ăn cam, táo, nho, bánh ngọt. Không có việc gì làm, tôi thường lân la nói chuyện với các anh lính Mỹ. Hết nói chuyện với anh này thì gặp anh khác. Nhiều câu nói không được thì quơ tay làm dấu loạn xà ngầu. Rồi các anh cũng hiểu. Tôi học hỏi thêm được nhiều câu tiếng Anh đàm thoại qua các anh. Các anh thường lấy hình ảnh người thân, cha, mẹ, vợ, con bên Mỹ cho tôi xem và nói nhớ họ lắm. Tôi hiểu được tình cảm của các anh; nỗi nhớ nhà da diết của người lính Mỹ phải xa gia đình để đi chiến đấu ở một đất nước xa lạ. Cũng buồn lắm. Nhiều khi các anh hát cho tôi nghe, hoặc rủ tôi leo lên đài quan sát chơi. Đứng trên đài cao, có thể nhìn thấy cảnh vật ở xa mấy cây số.
Trung úy Bonny, 30 tuổi, da trắng, dáng người cao lớn, khuôn mặt bầu bầu, tính tình nghiêm nghị, ít nói chuyện với mọi người. Trung sĩ John, 35 tuổi, ngược lại, rất cởi mở, vui vẻ, nói nhiều. Tướng ông cũng cao lớn, khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, hai cánh tay hay khuỳnh ra khi đi, đứng. Ông thích các món ăn Việt. Mỗi cuối tuần, ông và anh Kim chở tôi đi Tây Ninh, đến bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt B16 lấy phim, tài liệu linh tinh, rồi ghé vào thị xã ăn phở. Thỉnh thoảng, ông dẫn tôi vào chợ mua bún, rau sống, tôm, thịt heo ba chỉ, nước mắm đem về cho chị Dung nấu, rồi bày ra giữa gian nhà giải trí, mời mọi người cùng ăn. Xem cách ông John lấy rau, cuốn bún, tôm, thịt, chấm nước mắm ớt ăn ngon lành, không khác gì một người Việt chính gốc, tôi thấy vui lắm. Ăn xong là ông chiếu phim cho cả nhà cố vấn xem.
Ông John có tánh thương người, đặc biệt với trẻ em. Ông hay ra chơi ở xóm dân, cho bánh, kẹo và vui đùa rất vô tư với các em bé. Khi biết có nhà dân nào bị đạn pháo kích của Việt cộng, ông ra thăm, biếu một ít tiền. Có lần, tôi đưa ông đến thăm nhà chị Mùi. Ông rất thích cháu Quang, thường mua quà cho cháu. Ông còn tận tình giúp đỡ một gia đình nghèo ở gần nhà chị tôi có đứa con gái chín tuổi bị cụt chân quá đầu gối. Ông mua cho bé một chiếc xe lăn và nhiều đồ chơi. Mỗi tuần, ông ra thăm bé một lần, đẩy xe cho bé đi chơi vòng vòng trong xóm..Tôi xem ông như một vị Thánh sống. Tình thương của ông là tình thương nhân loại vô bờ bến.
Tôi ở nhà cố vấn được một tháng thì trong một bửa ăn chiều, trung úy Bonny nhờ anh Tô thông ngôn lại với tôi, là ông có người anh bác sĩ ở bên Mỹ muốn tìm con nuôi ở Việt Nam. Ông đã giới thiệu về hoàn cảnh tôi với người anh, anh ổng đồng ý nhận tôi làm con nuôi. Ông hỏi tôi có chịu đi Mỹ làm con nuôi anh ổng không. Tôi chịu ngay. Ông bảo tôi mai về nhà đưa chị Mùi đến gặp ông nói chuyện.
Ngay trong tối đó, tôi đến hầm công sự tìm chị Mùi. Chị đang ngồi ngoài sân với mấy bà bạn. Vừa nghe tôi thuật lại chuyện sẽ làm con nuôi người Mỹ, mấy bà bạn của chị Mùi dèm pha :
- Trời ! Qua ở một nước xa lắc, xa lơ, làm sao chị em được gặp nhau.
- Biết làm con nuôi người Mỹ có sướng không. Hổng chừng bị người ta cho làm ở đợ thì khổ.
- Qua đó, hổng biết tiếng Anh, tiếng u gì, làm sao sống.
- Rồi biết bao giờ chị mới gặp lại nó. Chị đừng cho nó đi.
Tôi tức mình :
- Anh Tô, thông dịch viên, ảnh nói ông đó là bác sĩ, giàu lắm. Nước Mỹ giàu mạnh, văn minh nhất thế giới. Luật pháp ở nước họ quy định con nuôi cũng như con ruột, được nuôi dưỡng, cho học hành đến khi thành tài. Chị đừng nghe mấy bả xúi.
Chị Mùi trầm ngâm một hồi thì quyết định :
- Tao không đồng ý. Cha mẹ không còn. Thằng Thiện đã mất. Thằng Hỷ làm con nuôi cho người ta ở Phan Rang, ngay trong nước mình mà bao năm rồi chưa có dịp gặp lại. Anh Phùng mày thì đang đời lính nay đây, mai đó tận vùng bốn. Tao chỉ còn mày gần gũi. Làm sao mà… Chị Mùi ngập ngừng giây lát rồi dứt khoát : - Tao không chịu. Tao không muốn chị em xa cách nhau.
Tôi cố thuyết phục :
- Chị. Em muốn đi. Nghe anh Tô nói đời sống ở Mỹ vui lắm, sướng lắm. Mà em qua đó được làm con của bác sĩ thì càng sướng hơn nữa. Cho em đi đi chị. Em sẽ viết thư cho chị thường chứ có phải mất biệt luôn đâu. Có dịp thì em sẽ về thăm chị.
Chị Mùi nín thinh. Tôi khẩn khoản :
- Chị… Chị… Cho em đi đi chị…
. Thấy tôi cứ đứng năn nỉ hoài, chị Mùi trả lời nước đôi :
- Thì để tối nay tao suy nghĩ đã. Rồi ngày mai tao cũng đến gặp ông Bonny, nghe ổng nói gì.
Trưa hôm sau, tôi và anh Kim đưa chị Mùi xuống hầm làm việc của ông Bonny. Sau khi ông Bonny nói một tràng tiếng Anh, anh Kim thông ngôn lại với chị Mùi :
- Ổng nói anh của ổng ở bên Mỹ là bác sĩ, đã 45 tuổi, nhà rất giàu mà không có con. Tính tình anh của ổng rất hiền, thương người. Ổng thấy em Quý của chị cũng hiền hậu, dễ thương, nên muốn xin phép chị cho em Quý làm con nuôi của anh ổng. Nếu chị đồng ý thì ký vào giấy thỏa thuận. Rồi tuần sau ổng sẽ cho em Quý về Sài Gòn học Anh văn sáu tháng. Mọi chi phí ăn, ở của em Quý ở Sài Gòn sẽ được ổng lo hết. Sau đó ổng làm thủ tục cho em Quý qua Mỹ.
Tôi nhìn chị Mùi. Cả cái tương lai xán lạn của tôi chỉ chờ một chữ ký của chị là sẽ có được. Nhưng, chị Mùi cứ ngồi im lặng. Im lặng. Rồi hai dòng lệ tuôn dài trên khuôn mặt xinh đẹp đượm nét u buồn của chị. Chị khóc ! Ông Bonny thấy vậy thở dài. Tôi thất vọng !. Tất cả lại im lặng. Một lúc sau, ông Bonny đứng lên nói, anh Kim thông ngôn lại :
- Thôi. Chị không chịu thì đành vậy ! Ổng nói, không đi Mỹ thì cứ ở đây. Nhưng em Quý nên đi học lại. Để nó cứ chơi long nhong hoài, hư người.
Vậy là tôi đi học lại. Tôi xin học lớp đệ lục ( lớp bảy ) ở trường trung học Hàn Thuyên, thị xã Tây Ninh. Vào học trễ một tháng, nhưng tôi vẫn học giỏi, theo kịp bạn bè. Ông Bonny cho tôi tiền mua sách vở và tiền tiêu vặt mỗi tuần. Mỗi sáng, tôi được tài xế cố vấn chở đi học bằng xe Jeep. Xế chiều, tôi quá giang xe nhà binh GMC về lại trại. Mỗi cuối tuần, tôi đi chơi với ông John, hoặc với các anh lính Mỹ trong đội tăng cường. Có lần, ông John chở tôi đi chơi ở Sài Gòn và Biên Hoà, thưởng thức nhiều món ăn Việt, ngày hôm sau mới về lại trại. Có khi, Peter và Henry chở tôi đi chơi căn cứ Mỹ, Trảng Sụp. Vào PS, Perter mua cho tôi cái radio. Henry mua cho tôi mấy cái áo thun. Hôm khác, Danny chở tôi đi, mua cho tôi cái máy chụp hình. Những món quà này thật quý giá, đong đầy tình thương mến của các anh dành cho tôi; cũng là tấm lòng tử tế của người lính viễn chinh đối với người dân nghèo ở một nước đang điêu linh, thống khổ vì bom, đạn, khói lửa chiến tranh.
Những cơn mưa pháo vào trại vẫn tiếp diễn hàng đêm. Anh Tô, anh Kim và tôi chẳng bao giờ chạy vào hầm trú ẩn. Anh Kim nói : “Mặc kệ. Cho chúng pháo. Chết, sống có số”. Vài lần trong đêm, giữa những tiếng nổ của đạn pháo, tôi nghe xen lẫn có những tiếng hét đau đớn của ai đó ở vòng đai công sự phòng thủ. Tôi biết có vài anh nơi vọng gác bị trúng đạn pháo kích. Nhờ nằm ngủ kế bên anh Tô, anh Kim, nghe các anh nói chuyện, tôi biết thêm nhiều về nước Mỹ, người Mỹ. Nhiều lúc hai anh tranh luận với nhau các vấn đề thời sự mà với tuổi tôi bấy giờ, đã có trí khôn đủ để hiểu được những điều các anh nói. Giọng của anh Tô :
- Tôi thấy thời của Tổng thống Ngô đình Diệm, đất nước còn thanh bình lắm. Vì có người Mỹ đưa quân vào miền Nam, chiến tranh mới lan tràn.
Anh Kim không đồng ý :
- Thanh bình là trước 1960 kìa. Từ năm 1960, tụi Việt cộng thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chúng hoạt động mạnh, đánh phá nhiều nơi. Rồi tụi cộng sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam, người Mỹ mới trực tiếp tham chiến.
- Tôi nghĩ, nước Mỹ cứ viện trợ khí giới, đạn dược, tiền bạc và cố vấn quân sự cho ông Diệm là đủ rồi. Ông Diệm và ông Nhu thừa sức lãnh đạo miền Nam chống cộng sản. Ông Diệm đã từng tuyên bố : “Nếu để người Mỹ đưa quân vào, chúng ta sẽ mất đi thế chính nghĩa. Bắc Việt sẽ có cớ xâm lăng miền Nam” Quả nhiên, từ khi quân đội Mỹ ném bom Hà Nội sau sự kiên vịnh Bắc bộ, 1964, rồi trực tiếp đưa quân tham chiến, chiến tranh mới khốc liệt như bây giờ. Người Mỹ giết anh em ông Diệm uổng quá. Ông Diệm và ông Nhu đều là người yêu nước.
Tôi xen vào, hỏi :
- Ủa, sao lại người Mỹ giết ? Em nghe nói đám tướng lãnh người Việt mình giết ông Diệm mà.
Anh Tô trả lời :
- Đám tướng đó do người Mỹ mua chuộc làm đảo chánh, thì chuyện giết ông Diệm cũng do người Mỹ xúi giục thôi.
- Em thấy người Mỹ hiền hòa, tốt tánh lắm. Chắc không phải đâu anh.
- Lớn lên, em sẽ hiểu.
Tiếng anh Kim :
- Chuyện người Mỹ nếu có lệnh cho đám tướng đảo chánh giết anh em ông Diệm cũng phải thôi. Vì chế độ ông Diệm độc tài, gia đình trị, lại cứng đầu với Mỹ lắm. Trong khi người Mỹ bỏ tiền, bỏ của ra, họ muốn người lãnh đạo miền Nam phải nghe theo lời họ. Cuộc chiến chống cộng sản không phải chỉ với cái đám du kích Việt cộng lẻ tẻ ở miền Nam, mà là với cả một khối cộng sản quốc tế, do quân chính quy Bắc Việt làm công cụ. Dù không có quân Mỹ trực tiếp tham chiến, tụi cộng sản Bắc Việt cũng sẽ xâm lăng miền Nam theo lệnh Nga, Tàu. Nuốt xong miền Nam Việt Nam, chúng sẽ nuốt luôn các nước khác ở Đông Nam Á theo ý đồ nhuộm đỏ toàn cầu. Sau hiệp định Genève, 1954, cộng sản Bắc Việt đã gài cán bộ nằm vùng ở khắp miền Nam, chính là để chuẩn bị một cuộc chiến xâm lăng của chúng vào miền Nam trong vài năm sau. Điều đó, bây giờ đã thấy rõ rồi. Người Mỹ là đàn anh lãnh đạo khối tự do, vì lý tưởng bảo vệ cho chính nghĩa tự do và vì lòng nhân đạo, họ bắt buộc phải hành động quyết liệt để ngăn chận làn sóng “đỏ”. Nếu không có quân Mỹ và nhiều nước đồng minh khác đến giúp Việt Nam Cộng Hòa mình, giờ này Việt cộng chắc đã chiếm xong miền Nam rồi.
Anh Tô vẫn chưa chịu thua :
- Tôi vẫn thấy thương ông Diệm, ông Nhu. Nghe hai ông bị đánh đập rồi bị bắn vào đầu rất dã man, chết thảm trong chiếc xe tăng, tội nghiệp quá. Tôi vẫn cứ nghĩ người Mỹ đừng đưa quân vào mà chỉ nên tăng cường viện trợ tiền bạc, xe tăng, tàu bay, khí giới, đạn dược, thêm cố vấn quân sự là đủ rồi. Như vậy tốt hơn. Quân dân miền Nam mình chiến đấu rất anh dũng, thừa sức đánh bại tụi cộng sản Bắc Việt. Chính phủ Mỹ đưa nửa triệu quân vào nước mình, một phần giúp mình chống cộng sản, một phần cũng là business. Họ vừa thỏa mãn quyền lợi tư bản Mỹ, vừa giải quyết nạn thất nghiệp, giúp công ăn, việc làm cho dân xứ họ
Chẳng biết anh Kim có nghe anh Tô vừa nói không, chỉ nghe tiếng ngáy khò khò của anh. Tôi hỏi anh Tô :
- Thỏa mãn quyền lợi tư bản Mỹ là thế nào hở anh ?
- Là tiêu thụ cho tư bản Mỹ số súng, đạn tồn đọng có từ thời đệ nhị thế chiến, đem trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa mình. Đồng thời, với chiến tranh và nửa triệu quân viễn chinh, tư bản Mỹ có dịp sản xuất nhiều vũ khí tối tân khác, nào là xe tăng, phi cơ, tàu chiến, súng cá nhân, bom, đạn, rồi còn quân trang, quân dụng, thuốc men, luơng thực và nhiều thứ khác nữa… để cung ứng cho nhu cầu của quân lính tác chiến trên chiến trường. Nhờ vậy, tư bản Mỹ hưởng lợi rất nhiều, và người dân có thêm nhiều việc làm trong sản xuất vũ khí và hàng hóa quốc phòng.
Tôi lại thắc mắc :
- Nhưng chiến tranh là sự tốn kém tiền của và tốn hao xương máu. Ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ tăng cao lắm. Sự thu lợi vào có hơn được sự chi ra không ?
- Anh không làm được bài toán đó. Nhưng anh nghĩ có lợi nhiều hơn, về lâu, về dài cho tư bản Mỹ là không sai chút nào. Tuy vậy, lời anh Kim nói cũng có phân nửa đúng. Nước Mỹ văn minh, dân chủ nhất thế giới, nên họ có cái lý tưởng vương đạo, cảm thấy có trách nhiệm phải đứng ra gánh vác việc bảo vệ thế giới tự do đối đầu với thế lực cộng sản quốc tế độc tài, chuyên chế. Như thời đệ nhị thế chiến, nhờ có Mỹ lãnh đạo phe đồng minh đánh bại Đức quốc xã, mới giải phóng được nước Pháp và vài nước Âu châu khác thoát khỏi sự cai trị khát máu của Adolf Hitler.
- Em cũng nghĩ vậy. Em thấy thương người lính Mỹ lắm. Họ đã vì quê hương mình mà chiến đấu. Tất cả những người lính Mỹ mà em biết, đều tốt tánh, tử tế quá..
- Ừa, anh cũng thấy thương họ. Thôi, ngủ đi.
Đại đội 350 của anh Vọng thỉnh thoảng đi hành quân cả tuần mới về. Những lần như vậy, chị Mùi lo lắng, trông đứng, trông ngồi. Có lần đơn vị anh Vọng chạm địch, có mấy quân nhân bị tử trận. Nhìn các vợ con họ khóc lóc thảm thiết, tôi cũng mủi lòng, chảy nước mắt. Đầu năm 1970, Việt cộng lại cả gan kéo về xóm dân, gần trại, ngay giữa ban ngày. Thám báo cho biết cũng cỡ hai đại đội địch. Xế chiều, đại đội 350 và 351 được lệnh xuất kích, dàn trận ở cánh đồng hoang ở phía Đông của trại. Đại úy Hải, trưởng trại, đứng trên nóc hầm trực tiếp chỉ huy ra ngoài. Tôi cũng bắt chước đứng trên một nóc hầm khác nhìn ra cánh đồng hoang, chẳng nghĩ gì đến chuyện tên bay, đạn lạc. Tôi nhận ra được anh Vọng đang dẫn đầu hàng quân chạy lom khom tiến lên phía trước. Cả hàng quân cùng tiến lên khoảng chục mét thì nằm xuống. Rồi lại chạy lom khom tiến lên, và nằm xuống. Những tiếng nổ ầm ầm liên tục vang dội cả một vùng trời. Đạn bay chéo chéo từ phía địch quân núp ở các bụi cây phía xóm dân bắn ra hàng loạt. Tiếng đạn tạch tạch của đại liên, trung liên và súng cá nhân từ đội quân Biệt kích cũng bắn đi không ngớt. Trung úy Bonny và trung sĩ John cùng ra đứng trên nóc hầm với đại úy Hải. Quan sát trận chiến một hồi, nói chuyện với đại úy Hải điều gì đó, hai ông vào lại nhà cố vấn. Khoảng tiếng rưởi đồng hồ sau, một trực thăng bay đến phun khói màu cuồn cuộn dọc theo cánh đồng hoang. Ngay sau đó, nhiều trực thăng bay đến thả quân bộ binh tăng viện sau làn khói mù. Tôi nghĩ là ông Bonny đã kêu viện binh. Trận chiến ác liệt kéo dài đến chiều thì địch quân tháo chạy, bỏ lại nhiều xác chết. Quân ta bắt sống hai tên Việt cộng, tịch thu được một số súng Ak47 và súng pháo B40, B41, triển lãm ở phòng sinh hoạt trại. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được chứng kiến một chiến trường thực sự diễn ra trước mắt. Nhìn thấy được sự chiến đấu dũng cảm của người lính Biệt kích Mỹ nói riêng, và của tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hoà trong công cuộc chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Và cũng nhìn thấy được sự làm việc hữu hiệu của các cố vấn Mỹ trong hiệp đồng tác chiến với quân đội ta. Nghe anh Kim, anh Tô kể lại, nhiều địa phương thuộc vùng một, vùng hai ở miền Trung còn diễn ra nhiều trận chiến kinh hồn gấp ngàn lần. Những địa danh như Đắc Tô, Khe Sanh đã vang lừng trong chiến sử. Ở Khe Sanh, lực lượng lính Mỹ tử thủ đã liên tục nhiều ngày đêm phải đương đầu với đạn pháo và chiến thuật tấn công biển người của quân chính quy Bắc Việt. Người ta ví cường độ ác liệt của trận chiến Khe Sanh như trận chiến Điện Biên Phủ. Có điều, ở Điện Biên Phủ, Việt cộng thắng quân Pháp, còn ở Khe Sanh, Việt cộng thất bại nặng nề trước sự chiến đấu dũng mãnh của những người lính Mỹ kiêu hùng.
Tháng 3 / 1970, một chuyện bất ngờ khiến tôi buồn rũ rượi suốt một ngày. Đại đội 350 của anh Vọng theo lệnh của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, phải chuyển đi Nam Vang để trợ giúp chính phủ Lonnol ở Campuchia; sau khi Lonnol lật đổ chế độ quân chủ của ông hoàng Sihanouk. Chị Mùi phải theo chồng. Ngày lên đường, chị Mùi vừa bế cháu Quang, vừa khóc nức nở. Chị nói :
- Chị đâu có ngờ phải xa em để theo chồng qua một nước khác thế này. Nếu biết vầy, chị đã cho em đi làm con nuôi ông bác sĩ Mỹ. Chị đã hại em rồi !.
Tôi an ủi chị :
- Chị đừng buồn nữa. Em hiểu vì chị thương em mà. Qua bên đó, xem tình hình thế nào rồi chị viết thư về cho em theo địa chỉ dì Mười ở Sài Gòn, nhen chị…Tôi hôn lên má cháu Quang rồi nói tiếp : - Ở Campuchia bây giờ cũng chiến tranh với Khmer Đỏ. Em lo cho anh chị và cháu Quang lắm. Anh chị giữ gìn sức khỏe.
Anh Vọng ôm chặc tôi :
- Mong là chiến tranh sớm kết thúc, anh em mình có ngày gặp lại.
Chị Mùi lên xe rồi vẫn cứ nhìn tôi bằng đôi mắt u sầu, đẫm lệ. Từng chiếc xe từ từ chạy lên phà, qua sông. Những bàn tay vẫy vẫy những bàn tay. Nhìn đoàn xe chở quân dần xa khuất bên kia sông, tôi mới bật khóc.
Buổi chia ly nào không nước mắt
Mây mù giăng kín mảnh hồn tôi
Tiễn anh, tiễn chị, lòng đau thắt
Mơ ngày gặp lại ấm êm đời…
Về nhà cố vấn, tôi báo cho ông Bonny và ông John là tôi sẽ về Sài Gòn. Hai ông khuyên tôi ở lại, học cho hết niên học rồi hãy về. Tôi nói để suy nghĩ thêm. Qua hôm sau, tôi đồng ý ở lại. Ông John cười ha hả, ôm chầm lấy tôi rồi bế tôi lên, cứ như bế một đứa con nít ba, bốn tuổi. Tôi xúc động, cũng cười ha hả với ông.
Nửa tháng sau, ông Bonny và ông John được thuyên chuyển về bộ chỉ huy ở Tây Ninh. Hai ông giới thiệu tôi với ban cố vấn mới là trung úy Calvin và trung sĩ Munoz. Bến phà sông Bến Sỏi lại chứng kiến sự chia ly. Lần này là giữa hai người lính Mỹ với một thiếu niên Việt mà sự cảm động không khác gì giữa những người thân trong gia đình. Tôi nói với hai ông:
- I very thanks for your support. You two have the best of human kindness in the world. I always keep in mind your love for me.
Ông Bonny và ông John cùng mỉm cười và lần lượt ôm chặc lấy tôi trước khi lên xe. Nhìn chiếc xe Jeep qua đến bên kia sông chạy xa dần, xa dần rồi mất hút trong bầu trời xám xịt, tôi mới uể oải đi vào trại.
Trung úy Calvin, 32 tuổi, người Mỹ gốc Mễ, tướng nhỏ con giống người Việt, cũng ít nói như ông Bonny. Ông không thân thiện gì với tôi, nhưng thường nở nụ cười tươi mỗi khi gặp tôi.trong giờ ăn uống hay xem phim. Trung sĩ Munoz, 34 tuổi, người Mỹ gốc Đức, tướng người mập, cao vừa tầm, tính điềm đạm, nói năng chừng mực, không bao giờ cười. Ông nói tiếng Việt thông thạo, nhờ học nơi cô vợ Việt. Do ông biết tiếng Việt, nói giọng nhỏ nhẹ, tôi thấy gần gũi với ông. Nghe tôi kể về hoàn cảnh sinh ly, tử biệt giữa các người thân trong gia đình tôi, ông nói thương tôi lắm. Ông tốt với tôi như ông John và ông Bonny trước đó. Cuối tuần, đi thị xã, ông chở tôi theo, vào chợ ăn hủ tíu hay bánh xèo là hai món ông thích nhất. Ăn xong, ông cho tôi một ít tiền, nói : “Quý giữ lấy để tiêu vặt. Mỗi tuần, anh sẽ cho em như vầy”. Có nhiều ngày, ông tự lái xe Jeep chở tôi đi học vào buổi sáng rồi đến xế chiều đón tôi về. Tôi thấy thương ông quá. Cuối tháng tư, chị Hồng, vợ ông Munoz, từ tỉnh Biên Hòa lên thăm ông, ở lại trại một tuần. Chị 27 tuổi, có nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, tính cởi mở, vui vẻ. Chúng tôi thân nhau như hai chị em. Chiều nào, ông Munoz cũng dẫn chị Hồng và tôi ra xóm dân, vào một quán lá bên đường uống cà phê đá. Ông nói rất thích cà phê Việt vì hương vị đậm đà; không như cà phê Mỹ nhạt phèo. Có lúc ông nhờ Giang thuyền lấy ca nô chở chúng tôi hóng mát trên sông. Sự thân mật, vui vẻ giữa ba người chúng tôi như trong một gia đình. Ngày chị Hồng về lại Biên Hòa, ông Munoz chở chị và tôi đi ăn sáng rồi dạo chơi vòng vòng thị xã Tây Ninh. Đến trưa lại vào nhà hàng. Ăn uống thỏa thuê rồi mới ra bến xe.
Cuối tháng 5 / 1970, tôi mãn học với giải thưởng hạng nhì. Ông Munoz xoa đầu tôi khen :
- Very good ! Em giỏi quá. Mai mốt về Sài Gòn cũng rán học giỏi vậy.
- Dạ. Em cảm ơn anh. Vậy, vài hôm nữa em về Sài Gòn nhen anh ?
Ông Munoz trợn mắt :
- Sao gấp vậy ? Ở chơi nửa tháng nữa đi. Anh cũng không ở trại này bao lâu nữa đâu.
- Ủa. Sao vậy anh ?
- Vì trại Biệt kích này sắp chuyển thành Biệt động quân biên phòng. Thôi, bây giờ anh thưởng em học giỏi bằng một bửa ăn nhà hàng. Lên xe, anh chở đi Tây Ninh.
- A…cảm ơn anh. Tôi reo mừng rồi nhảy tót lên xe Jeep. Hôm đó, sau khi ăn xong, ông Munoz dẫn tôi đi vào chợ, mua cho tôi mấy bộ quần áo, thêm cái va li. Ông nói : “Để cho em đựng đồ ngày về Sài Gòn”. Tôi có cảm giác như đang được một người anh ruột quan tâm, chăm sóc cho mình.
Nửa tháng sau. Ông Munoz xách chiếc va li của tôi bỏ lên chiếc xe Jeep. Tôi bắt tay trung úy Calvin, nói :
- Thank you so much for your kindness. I wish you the best of health and happiness.
Ông nở nụ cười tươi và xiết chặc tay tôi : - Have a good trip.
Tôi đến bắt tay anh Tô và anh Kim, nói lời cảm ơn hai anh. Anh Tô vỗ vai tôi :
- Về Sài Gòn lo học hành nhen em. Đừng có lêu lổng ham chơi mà khổ cái thân.
Anh Kim nói đùa :
- Khi nào chú em cưới vợ nhớ mời hai anh uống rượu nhen..
- Dạ. Em sẽ viết thư thăm hai anh.
Tôi lại lần lượt bắt tay Peter, Henry, Jim, Danny, Andy, rồi nói :
- I hope one day we will meet each other. Hope you have the best of health and happiness.
Ông Munoz đã ngồi sẵn trước tay lái. Tôi lên ngồi ghế kế ông, ngoái nhìn lại phía sau và vẫy vẫy tay chào các anh. Chiếc xe Jeep chạy đi, tôi vẫn còn thấy các anh đứng nhìn theo. Ông Munoz lái chiếc Jeep rời khỏi phà, từ từ leo lên bờ sông rồi vụt chạy bon bon trên con đường đất đỏ. Xin từ biệt Bến Sỏi. Từ biệt một vùng hỏa tuyến nhiều hiểm nguy nhưng đượm thắm tình người. Xin chúc bình an cho các anh lính Mỹ tốt lành và tất cả người lính Biệt kích Mỹ oai hùng của trại Bến Sỏi.
Cũng như lần tiễn chị Hồng, ông Munoz đưa tôi đến một khu phố trung tâm thị xã, vào nhà hàng ăn một bửa thịnh soạn. Trong buổi ăn lần cuối này, tôi mạnh dạn hỏi ông :
- Anh có buồn khi phải xa nhà, xa xứ để đi chiến đấu cho quê hương nghèo khổ của em không ?
Ông Munoz nói giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi :
- Xa nhà, xa xứ thì ai cũng buồn. Nhưng đã là quân nhân thì phải chấp nhận đi tác chiến ở bất cứ nơi nào mà cấp trên điều động. Qua chiến đấu cho quê hương em là bổn phận, nghĩa vụ của quân nhân Mỹ các anh để giúp cho người dân nước em không bị cộng sản xâm chiếm. Tụi cộng sản nó độc tài, gian ác lắm. Anh mong người dân Việt sớm có ngày thanh bình.
- Anh thấy người dân Việt nước em như thế nào ?
- Người dân Việt rất can đảm, gan lì trong đấu tranh chống ngoại xâm. Anh biết chút ít lịch sử nước Việt của em. Một ngàn năm bi người Tàu đô hộ vẫn không bị đồng hóa. Nhiều lần người dân Việt đã anh hùng đánh đuổi được giặc Tàu, giặc Pháp, giặc Nhật, giữ yên đất nước. Còn mở rộng thêm lãnh thổ nữa. Tiếc rằng bây giờ bị họa cộng sản mà thành hai miền Nam, Bắc, hai chế độ khác nhau. Nước Đức của ông bà nội anh cũng bị chia cắt làm hai. Đau lòng lắm !
Ông Munoz cầm ly nước lên uống vài hớp rồi nói tiếp : - Người dân Việt còn có nhiều đức tính rất đáng quý. Bản tánh hiền hòa, hiếu khách, siêng năng, nhẫn nại, dám hy sinh cho người thân. Đặc biệt, phụ nữ Việt có nét đẹp dịu dàng, hiền hậu. Vì vậy anh mới cưới cô Hồng làm vợ.
- Anh có làm hôn thú với chị Hồng không ?
- Có. Anh còn làm đám cưới với Hồng ở Biên Hòa theo phong tục người Việt. Khi về nước, anh sẽ làm bảo lãnh cổ.
- Em kính chúc anh chị luôn hạnh phúc, sống mãi với nhau trọn đời.
- Cảm ơn em nhiều. Thôi mình ra bến xe, em.
Đến bến xe, tôi ôm chặc ông. Ông cũng ôm chặc lấy tôi một hồi lâu. Mắt tôi cay sè. Tuổi niên thiếu tôi có nhiều cuộc chia tay, ly biệt quá. Ông Munoz xách cái va li của tôi đem đến cho anh lơ xe rồi đi lại phía tôi. Ông đưa tôi một phong thư, nói :
- Em giữ lấy, để dành khi về Sài Gòn mua sách vở đi học.
Cầm phong thư, tôi xúc động nói :
- Em cảm ơn anh nhiều lắm. Anh thật tốt với em, như anh chị ruột của em đối với em vậy. Em rất thương anh. Em sẽ nhớ anh mãi.
Ông Munoz vỗ vỗ bàn tay lên vai tôi :
- Anh cũng thấy thương em lắm. Em nhớ học cho giỏi nhen. Thôi, em lên xe đi. Chúc em đi bình an.
Tôi ôm chặc ông một lần nữa rồi lên xe. Chiếc xe đò đã chật cứng khách. Anh lơ cho tôi ngồi ở cuối xe. Tôi ló đầu ra cửa xe nhìn ông Munoz. Ông vẫn còn đứng bên chiếc Jeep, giơ tay lên vẫy vẫy, miệng nở một nụ cười. Lần đầu tiên tôi thấy ông cười. Nụ cười thật tươi, có nét hiền lành, phúc hậu. Xe rời bến. Tôi cố ngoái lại nhìn ông và hét lớn : “I love you”. Tôi còn kịp nhìn thấy nụ cười hiền hòa của ông một lần nữa trước khi chiếc xe đò vụt chạy nhanh trên tỉnh lộ. Trời đổ mưa. Cảnh trời xám ngoét trong mưa gây cho tôi cảm giác lạnh lẽo, buồn buồn. Ngồi thừ người ra một hồi, tôi mở bao thư xem. Ông cho tôi $ 250 dollars đỏ. Khá nhiều đối với một người trẻ chưa biết làm ăn gì ra tiền như tôi. Bấy giờ là giữa tháng 6 / 1970.
….
Về Sài Gòn sống nhờ nhà dì Mười, tôi vừa đi làm vừa tiếp tục việc học. Chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày trên quê hương. Ngày nào tôi cũng đọc báo theo dõi tình hình thời sự. Tin tức chiến sự dồn dập từ bốn vùng chiến thuật choán đầy các trang nhật báo. Ở Hoa Kỳ, phong trào phản chiến lan ra nhiều tiểu bang. Tổng thống Nixon triển khai kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh”, trang bị thêm cho quân đội miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí tối tân, có thể chiến đấu hữu hiệu hơn trên khắp chiến trường, để rút dần quân Mỹ về nước. Trong nước, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu tái đắc cử trong cuộc bầu cử “độc diễn” ngày 3 / 10 / 1971. Ông Thiệu là người chống cộng quyết liệt với lập trường “ bốn không” và câu nói bất hủ : ”Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”, rất được lòng chính phủ Mỹ. Nhưng, gió lịch sử đổi chiều. Tháng 2 / 1972, Tổng thống Mỹ qua thăm Trung cộng, gặp gỡ Mao trạch Đông và Chu ân Lai. Cái bắt tay lịch sử giữa Nixon và Mao mà về sau này tôi hiểu, vừa cô lập cộng sản Liên xô, vừa đáp ứng nguyện vọng người dân Mỹ đang quyết liệt phản đối chiến tranh, và vừa để tìm kiếm thị trường béo bở hơn tỉ dân Trung quốc; là cái bắt tay ‘định mệnh’ dọn đường cho sự bức tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Để tăng áp lực lên hòa đàm Paris, Việt cộng tổng tiến công lần thứ hai. Chiến sự bùng nổ tàn khốc trong mùa hè đỏ lửa, 1972. Đông Hà, Cổ thành Quảng Trị, Tân Cảnh, Kom Tum, Bình Giã, Lộc Ninh, An Lộc, Bình Long, nhiều địa danh khác nữa…ở vùng một, vùng hai, vùng ba bốc lửa vì hỏa lực khủng khiếp của cộng sản Bắc Việt điên cuồng tấn công mong tìm một chiến thắng vang dội. Nhưng chúng đã bị chặn đứng mưu đồ bởi sự chiến đấu kiên cường của chiến sĩ Việt - Mỹ và đồng minh. Mặt trận vùng bốn cũng sôi động không kém. Tôi ngày đêm phập phồng lo lắng cho an nguy của anh Phùng. Điều lo sợ của tôi không tránh khỏi. Ngày 9 / 5 / 1972, anh Phùng hy sinh tại chiến trường Mộc Hóa. Chú Bảy cho người nhà lên Sài Gòn báo tin. Tôi khóc ngất !... Tôi đi lang thang khắp Sài Gòn như người mất hồn suốt một ngày đêm không thiết gì ăn uống.
Trong khi người lính Mỹ đang đổ máu tại chiến trường thì cô đào màn bạc Mỹ, Jane Fonda, người cuồng nhiệt cổ võ phong trào phản chiến, đã trơ trẽn đến Hà Nội trong tháng 7 / 1972. Cô đội nón sắt vào thăm từng chiến hào của bộ đội cộng sản Bắc Việt. Hành động đâm sau lưng chiến sĩ của Jane Fonda đã gây nên sự căm phẫn của nhiều người dân Việt, Mỹ thù ghét cộng sản. Tổng thống Nixon thì bị tai tiếng vụ Watergate sau khi các nhân vật thân cận của ông cho người đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate để nghe lén. Uy tín ông xuống thấp. Ông càng lo tìm kiếm một giải pháp hòa bình với Bắc Việt nhằm sớm rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam để lấy lòng dân Mỹ. Trong tháng 10 / 1972, cố vấn Kissinger đến Sài Gòn yêu cầu Tổng thống Thiệu ký hiệp định Paris. Mới đầu, ông Thiệu phản đối kịch liệt vì cho rằng bản hiệp định bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng trước áp lực của chính phủ Mỹ, hăm dọa sẽ cắt hết viện trợ quân sự, ông Thiệu đành phải chấp nhận. Hiệp định Paris chính thức được ký kết ngày 27 / 1 / 1973.
Ngày 29 / 3 / 1973, người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Từ đó, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đơn độc chiến đấu chống lại cộng quân vẫn đang ngày càng mạnh lên nhờ vào viện trợ quân sự tối đa của cộng sản Nga, Tàu. Trong suốt hai năm từ tháng 4 / 1973 đến tháng 4 / 1975, Việt cộng xé bỏ hiệp định Paris, ngang nhiên tiếp tục phát động chiến tranh, tổng tấn công trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Chính quyển Tổng thống Thiệu cố gắng xoay trở, chống đở cuộc chiến trong khó khăn, tuyệt vọng vì bị Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cắt giảm nhiều nguồn viện trợ. Tỉnh Phước Long bị Việt cộng chiếm trong đầu tháng 1 / 1975. Kế tiếp, thành phố Ban Mê Thuột bị thất thủ ngày 16 / 3 / 1975 dẫn đến sự biến “di tản chiến thuật’ trong hỗn loạn, kinh hoàng, đưa đến hậu quả bị mất vùng một, vùng hai. Rồi nhiều tỉnh thuộc vùng ba cũng bị rơi vào tay giặc. Ngày 21 / 4 / 1975, Việt cộng tiến quân vào Biên Hoà. Tổng thống Thiệu từ chức, giao quyền lại cho tân Tổng thống Trần văn Hương. Vài ngày sau, có tin đồn ông Thiệu rời Việt Nam mang theo 16 tấn vàng. Nhiều năm về sau này ở Mỹ, qua những tài liệu đọc được trên vài trang Web, tôi mới biết ông ra đi với tư cách đặc sứ của Việt Nam Cộng Hòa đến Đài Bắc phúng điếu Tưởng giới Thạch. Ông sống đạm bạc nơi xứ người, chẳng có tấn vàng, tấn bạc gì cả. Ngày 28, cộng quân áp sát Sài Gòn. Tổng thống Trần văn Hương trao quyền cho tướng Dương văn Minh. Khi phần lớn binh lính miền Nam ở quanh Sài Gòn còn ghìm chặc tay súng, sẵn sàng chống trả quyết liệt với quân cộng, thì rất nhiều tướng, tá chỉ huy đã đào ngũ, tháo chạy ra nước ngoài. Sự mất nước phải tới. Sáng ngày 30 / 4 / 1975, xe tăng Việt cộng tiến vào dinh Độc lập, nơi biểu tượng uy quyền của hai triều đại Cộng Hòa. Tổng thống Dương văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức sụp đổ. Chiến tranh Việt Nam kết thúc trong sự tức tưởi, nghẹn ngào của hàng triệu quân, dân miền Nam Việt Nam. ( * )
Trong những ngày tàn cuộc chiến cuối tháng tư, vẫn còn nhiều quân nhân hy sinh vì lý tưởng bảo vệ miền Nam tự do. Ngày 23 / 4 / 1975, Hỷ, 17 tuổi, em kế tôi, là lính tình nguyện binh chủng Biệt động quân, đã hy sinh trong một cuộc chạm súng với Việt cộng ở Gò Dầu. Khi anh lính Biệt động báo tin đi khỏi, tôi vào căn phòng vắng ngồi lặng lẽ nhớ về người em hiền lành mà can đảm. Nước mắt tuôn rơi không biết từ lúc nào. Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ này, giữa một bên là chính nghĩa tự do, nhân bản, với một bên là phi nghĩa, độc tài, bạo tàn, khát máu, tôi đã bao lần phải khóc thương cho những người thân ruột thịt đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất lạnh.!...
….
Sau tháng 4 / 1975, khi nắm trọn quyền cai trị đất nước, cộng sản Việt Nam càng bộc lộ rõ hơn bộ mặt xảo trá, gian ác, phi nhân khi ra sức cướp bóc tài sản người dân miền Nam, bắt cả trăm ngàn sĩ quan miền Nam và nhiều văn nghệ sĩ, tu sĩ đi tù cải tạo không biết ngày về, và kềm kẹp người dân cả nước từ Bắc đến Nam phải sống trong nghèo nàn, cơ cực, thiếu thốn, đói khổ để xây dựng cái thiên đàng cộng sản ảo tưởng của chúng. Hàng triệu trẻ em bị thất học. Cái sự đói ăn, khát uống khiến cho trộm cắp, cướp bóc, đĩ điếm tràn lan trên cả nước. Xã hội băng hoại. Để được ngoi ngóp sinh tồn trong xã hội cộng sản, con người phải tập nói dối, tập gian trá với bọn cầm quyền và ngay cả giữa những người dân với nhau; phải dẫm đạp lên nhau mà sống. Cộng sản Việt Nam thống nhất được đất nước nhưng không thống nhất được lòng người. Mấy triệu người dân lần lượt bỏ nước ra đi bằng đường biển hay đường bộ để mưu tìm một con đường sống mới có ánh sáng của tự do, dân chủ và quyền làm người. Cuối năm 1980, tôi tiếp nối bước chân tìm tự do của những người đi trước, liều mạng một mình vượt biên đường bộ. May mắn có Ơn Trên thiêng liêng phù hộ, tôi đã được nước Mỹ đón nhận từ giữa năm 1982 để có cuộc sống yên lành trong 28 năm nay.
Chiều nay, tôi đến thăm Tượng đài Chiến Sĩ Việt - Mỹ trên đường All American Way trong khu thị chính Westminster city, quận Cam. Tiết trời giữa thu mát mẽ, dễ chịu. Mưa phùn lất phất bay tăng thêm trong tôi nỗi bâng khuâng, u hoài khi nhìn lên tượng hai người lính Mỹ và Việt đứng sát bên nhau giữa kỳ đài. Những đường nét chạm khắc khéo léo làm tăng vẻ uy nghi, oai vệ, can trường nơi dáng dấp và khuôn mặt của hai người lính. Tôi cúi đầu thật lâu trước tượng hai chiến sĩ, rồi nhìn lên hai quốc kỳ Việt - Mỹ đang phất phới trong trời gió lộng, cảm nghe trong thinh không như có tiếng quân hành ca hùng tráng. Tôi nhớ đến anh chị em ruột thịt của tôi đã mất hết trong chiến tranh. Rồi nghĩ về trung úy Bonny, trung sĩ John, trung sĩ Munoz, trung úy Calvin, các anh : Peter, Henry, Danny, Andy, Jim, những người lính Mỹ đã dành cho tôi tình thương mến đặc biệt thời niên thiếu ở trại Bến Sỏi. Không biết bây giờ các anh đang làm gì, ở đâu ?
Tôi lại cúi đầu thật lâu trước tượng đài, tưởng tiếc đến tất cả anh linh chiến sĩ Việt - Mỹ đã hy sinh vì chính nghĩa tự do.( Có 58.209 quân nhân Mỹ tử trận, 2000 quân nhân Mỹ mất tích và 220.000 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa “vị quốc vong thân” ( * ). Dù kết thúc chiến tranh là sự thua cuộc của miền Nam Việt Nam, nhưng sự hy sinh của các anh không vô nghĩa. Bởi nhờ vào sự chiến đấu quả cảm và hy sinh của các anh từ thời chiến tranh Việt Nam mà sau cùng hệ thống cộng sản quốc tế hoàn toàn sụp đổ. Liên xô tan rã. Các nước cộng sản Đông Âu đã chuyển qua chế độ tự do, dân chủ từ 20 năm nay. Chẳng bao lâu nữa, chế độ đảng trị độc tài Việt Nam cũng sẽ cáo chung vì phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của người dân Việt trong và ngoài nước đang mỗi ngày lan rộng, và sẽ trở thành sức mạnh vô địch không thế lực phi nhân nào chống đỡ nổi. Sự tiêu vong của cộng sản Việt Nam là điều tất nhiên phải đến.
Chiến sĩ Việt - Mỹ anh hùng ! Các anh là những người chiến thắng trận sau cùng ! Vinh quang thuộc về các anh.!
Sau khi cúi đầu thật lâu trước tượng đài lần nữa, tôi lững thững ra xe, lòng thanh thản. Gíó thu thổi nhẹ từng cơn mát rượi. Những cánh hoa vàng, đỏ, tím nở rộ ở ven đường rung rinh, rung rinh trong gió như cười vui tiễn bước chân tôi. Hoàng hôn dần buông. Phố đã lên đèn.

No comments:

Post a Comment