Monday, March 1, 2010

TÌNH ĐỒNG MINH VÀ HẬU TRƯỜNG CUỘC HOÀ ĐÀM PARIS NĂM 1973

 
Từ lâu, mọi người đều biết Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã chịu áp lực nặng nề của Hoa Kỳ để phải chấp nhận tham dự cuộc hòa đàm Paris năm 1973. Nhưng, áp lực như thế nào thì sự thật chỉ được đưa ra ánh sáng dần dần, mỗi ngày một ít.
 
Áp lực bắt đầu từ cuối năm 1968 khi cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ bước vào giai đoạn chót giữa Richard Nixon (Cộng Hòa) và Hubert Humphrey (Dân Chủ). Đảng Dân Chủ Mỹ đã đưa Humphrey ra tranh chức tổng thống sau khi TT Johnson quyết định không ra tái tranh cử vì vụ Tết Mậu Thân làm mất sự ủng hộ của cử tri Mỹ đã chán Chiến tranh Việt Nam.
 
Chiến tranh VN trở thành vấn đề số 1 của cuộc tranh cử và Humphrey chỉ có hy vọng thắng với sự giúp sức của TT Johnson bằng cách ngưng oanh tạc Bắc Việt và khai thông hòa đàm Paris. Ngày 1.11.1968, TT Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc Bắc Việt đồng thời áp lực TT Thiệu cử phái đoàn VNCH sang Paris tham dự hòa đàm, mở ra một triển vọng hòa bình, giải quyết cuộc chiến tranh, đưa tù binh Mỹ về nước.
 
Ngược lại, Nixon muốn đắc cử phải phá hòa đàm và xúi giục TT Thiệu “đừng đi Paris” khiến đảng Dân Chủ bi “sa lầy” trong chiến tranh VN đang bị dân Mỹ chống đối với phong trào “phản chiến” ngày càng lớn mạnh.
 
Về phần ông Thiệu cũng có mưu lược riêng của mình. Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết như sau:
“Ông Thiệu biết quá rõ về lập trường của ông Humphrey. 'Nếu ông ta thắng cử thì có nghĩa là sẽ có một chính phủ liên hiệp (với cộng sản) trong vòng sáu tháng; còn nếu Nixon thắng thì ít ra cũng còn có hy vọng'. Ông kể lại cho chúng tôi nghe vào một buổi chiều mùa xuân năm 1985 tại Luân Đôn. Ông cho rằng sau khi có một chính phủ liên hiệp thì Mỹ sẽ rút đi hết, để mặc Việt Nam Cộng Hòa cho số phận quyết định. Bởi vậy, ông đánh một ván bài liều. Kế hoạch của ông Thiệu là cố gắng trì hoãn quyết định  của Tổng thống Johnson về việc ngưng oanh tạc Bắc Việt và về việc Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hòa đàm Paris.” (ngưng trích)
 
Thế nhưng, ba hôm trước ngày bầu cử, TT Johnson đã công bố quyết định ngưng oanh tạc Bắc Việt, đồng thời khai mạc cuộc hòa đàm Paris mà không cần có sự tham dự của VNCH. Sự tẩy chay hòa đàm Paris của VNCH, cộng với việc ông Thiệu tuyên bố việc ngưng oanh tạc Bắc Việt là quyết định đơn phương của Tòa Bạch ốc, đã giúp ông Nixon thắng cử.
 
Nhưng sau khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ông Nixon đã trả ơn ông Thiệu bằng cách là làm y hệt TT Johnson trước ngày bầu cử: thúc hối VNCH tham dự hòa đàm Paris! Về việc này, Ông Nguyễn Tiến Hưng đã viết như sau trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”:
“Một tuần lễ sau khi bầu cử, ngày 11.11, Nixon tuy đã thắng nhưng chưa chính thức nhậm chức (ngày 20 tháng giêng 1969 mới đăng quang) đã tới thăm Johnson tại Bạch Cung và được hướng dẫn về chính sách đối ngoại. Cuối phiên họp, khi bàn về Việt Nam, Nixon tuyên bố: 'Chính phủ Johnson không những có thể hành động nhân danh chính quyền hiện nay mà còn nhân danh cả toàn quốc, và như thế có nghĩa là nhân danh cả chính quyền (của Nixon) sắp tới nữa.' Khi tin này được công bố, báo chí lập tức giải thích câu phát biểu của Nixon là chính tổng thống tân cử cũng đã bắt đầu làm áp lực với ông Thiệu.” (ngưng trích)
 
Áp lực ấy cứ tăng dần qua nhiều viên chức khác nhau, nhưng nặng nhất là qua Henry Kissinger, Cố vấn An ninh của TT Nixon tại Bạch Cung. Kissinger vừa trực tiếp thương thuyết với phái đoàn Cộng sản Bắc Việt tại hòa đàm Paris, vừa gây áp lực với Tổng thống Thiệu tại Sài Gòn, vừa đóng vai trò “quân sư” cho TT Nixon để ép buộc VNCH ký vào bản Hiệp định “chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình” mà Hoa Kỳ đã thỏa thuận với CS Bắc Việt, để người Mỹ có thể rút khỏi Việt Nam “trong danh dự”.
 
Bản dự thảo hiệp định này với những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho VNCH nên ông Thiệu đã nhiều lần chống đối khiến ông Nixon tức giận đến phát khùng và đã gửi cho TT Thiệu những văn thư vào cuối tháng 1.1973 với lời lẽ gay gắt và đe dọa cắt viện trợ để trừng phạt. Nội dung những bức thư này (do chính Kissinger thảo) được biết đến từ lâu, nhưng gần đây với việc công bố 36 cuốn băng dài 154 giờ ghi lại những cuộc đàm thoại tại Bạch Cung thời Nixon trong hai tháng 1 và 2 năm 1973, nhiều bí mật về Việt Nam vào giai đoạn ấy đã được đưa ra ánh sáng.
 
Thời gian này là giai đoạn cuối của hòa đàm Paris, sau khi TT Nixon ra lệnh đình chỉ oanh tạc Hà-nội và Hải-phòng vào cuối tháng 12.1972. Phần lớn nội dung 36 cuốn băng này là những cuộc thảo luận giữa TT Nixon và Cố vấn Anh ninh quốc gia Kissinger.
 
Trong cuộn băng ghi lại cuộc thảo luận giữa Nixon và Kissinger ngày 20.1.1973, Kissinger nói:
 
- Điều chúng ta nên viết vào bức thư của ông (để gửi cho ông Thiệu) là ông ta phải trả lời trước trưa ngày mai rằng ông ta có đồng ý để chúng ta sơ thự (ký tắt) vào bản hiệp định hay không...
 
TT Nixon:
- Các lãnh tụ ở quốc hội... sẽ hành động để cắt viện trợ. Điều ấy có đi quá xa không? Nói cách khác, tôi không biết sự đe dọa có đi quá xa hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều mẹ gì, thế đó, hay để cắt đầu hắn nếu cần. (Nguyên văn: “The congressional leaders... will move to cut off assistance. Is that going too far? In other works, I don't know whether the threat goes too far or not, but I'd do any damn thing, that is, or to cut off his head if necessary.”)
 
Ngày hôm sau, 21.1.1973, TT Thiệu nhượng bộ. Những gì xảy ra sau đó được ông Nguyễn Tiến Hưng ghi lại như sau:
 
“Ngày 21 tháng 1, TT Thiệu họp với Đại sứ Bunker để trao văn thư gửi TT Nixon, thông báo VNCH sẽ ký bản Hiệp Định.
 
Ngày hôm sau Nixon hồi âm:
 
White House
Ngày 22 tháng Giêng 1973
 
Thưa Tổng thống,
... Với lòng can đảm và kiên trì, Ngài đã bảo vệ được quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong công cuộc theo đuổi mục tiêu duy trì tự do và độc lập.
 
Trân trọng,
Richard M. Nixon
 
Trong bầu không khí xám ngắt, lạnh lẽo và mưa sụt sùi buổi xế trưa ngày Thứ Ba, 23 tháng Giêng hồi 12 giờ 45, hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã phê chuẩn Hiệp Định Paris tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Tế, Khách sạn Majestic, Đại lộ Kleber. Hai bên giằng co về số trang và so sánh bản văn rồi phê chuẩn vào 36 chỗ. Ông Kissinger ký tắt bằng hai chữ 'HK' (Henry Kissinger) và ông Lê Đức Thọ ký vỏn vẹn 'Thọ'. Kissinger dùng một số bút mực và tặng cho bộ tham mưu của ông mỗi người một cái. Lê Đức Thọ thì đưa bút của mình cho Kissinger 'để nhắc Hoa Kỳ về việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định này'. Vừa ký xong, Kissinger vội bay về Washington.
 
Ngày 27 tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ William Rogers và Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm đồng ký Hiệp Định. Hiệp Định Paris bắt đầu có hiệu lực.” (ngưng trích)
 
Trên thực tế, bản Hiệp định Paris chẳng bao giờ có hiệu lực. Tất cả những thủ tục bên ngoài, giấy tờ... chỉ là một trò bịp trên vận mệnh của Việt Nam Cộng Hòa và tương lai của mười bảy triệu dân miền Nam VN. Người Mỹ chỉ cần một bản hiệp định có chữ ký của VNCH để bỏ rơi đồng minh “trong danh dự”. Cộng sản BV chỉ cần cô lập và trói tay VNCH trước khi dốc toàn lực đánh chiếm miền Nam. Bản Hiệp định Paris 1973 là dấu tích của lừa lọc, phản bội trước sự làm ngơ của cả thế giới mà sau đó hai thủ phạm Lê Đức Thọ và Henry Kissinger đã được Na-uy trao Giải Nobel Hòa Bình!
 
Một câu hỏi đáng được đặt ra: Nếu năm 1973 TT Nguyễn Văn Thiệu cương quyết chống lại áp lực của TT Nixon, nhất định không chấp nhận Hiệp định Paris thì việc gì sẽ xảy ra?
 
Trả lời: Ông Thiệu có thể sẽ “mất đầu” giống như số phận TT Ngô Đình Diệm mười năm trước, và sẽ có người khác làm theo ý muốn của người Mỹ.
 
Năm 1963, ông Ngô Đình Diệm chết vì ngăn cản người Mỹ vào Việt Nam.
Năm 1973, nếu không nhượng bộ, ông Nguyễn Văn Thiệu cũng có thể đã chết vì ngăn cản người Mỹ rút khỏi Việt Nam.
 
Nếu việc ấy xảy ra thì đó chỉ là sự “khác nhau nhỏ” giữa hai cái chết trong lịch sử bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, một trang sử đen tối mà ta chỉ nên trách ta khi quá tin vào tình đồng minh mà không hiểu rằng “đồng minh” chỉ có nghiã là “đồng quyền lợi”. Một khi quyền lợi trở nên mâu thuẫn thì không có nước nào hy sinh quyền lợi của nước mình cho quyền lợi nước khác, và lại càng không có chính trị gia nào hy sinh quyền lợi chính trị của mình vì một “đồng minh” nào khác.
 
Quân dân miền Nam Việt Nam chỉ hiểu được điều ấy khi đã quá muộn. Nhưng bài học đắt giá ấy có giúp gì được cho cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp tục để giải thoát đất nước Việt Nam khỏi chế độ cộng sản?
 
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Phong trào Dân Chủ tại Việt Nam ngày nay có thể trông đợi gì ở người Mỹ một khi Hoa Kỳ đã thiết lập bang giao với “kẻ thù xưa” Cộng sản VN, và có cùng quyền lợi với chính quyền Hà-Nội về kinh tế cũng như quân sự trong cuộc “Chiến tranh Lạnh” loại mới đang thành hình để đối phó với tham vọng bành trướng của bá quyền Bắc Kinh tại Á Châu?
 
Vật đã đổi sao đã dời kể từ ngày máu người Việt và máu người Mỹ đã cùng đổ ra trên mảnh đất miền Nam VN để chống lại kẻ thù chung cộng sản; ngày nay để tránh những sai lầm và thất bại trong quá khứ, người Việt Nam yêu tự do cần thay đổi cái nhìn và thay đổi cách hành động.
 
Sơn Tùng
Tháng 3.2010

No comments:

Post a Comment