Monday, June 6, 2022

ABC, không có nhà đi ở thuê Viết thêm về chuyện đuổi nhà Giao Chỉ.

 ABC, không có nhà đi ở thuê

Viết thêm về chuyện đuổi nhà

Giao Chỉ.

Khi viết về chuyện ông bạn bị đuổi nhà, có người nói làm gì mà to chuyện. Quả thực không có gì to chuyện. Hơn 1 triệu dân ở San Jose có đến hàng ngàn gia đình đi ở thuê tại các chung cư cao ốc. Gặp chuyện rắc rối chủ nhà có sẵn luật sư xin lệnh trục xuất. Ra tòa khiếu nại có khi được ở lại nhưng phần nhiều là bị đuổi. Khi có lệnh tòa, cảnh sát sẽ thi hành. Dân ABC phải đi tìm chỗ khác. Đi hay ở là chuyện nhỏ. Nhưng câu chuyện của chúng tôi có sự khác biệt. Xin kể rõ như sau.

Gia đình bác Luyện có hai ông bà trên 80 tuổi ở cùng cô con gái. Thuê nhà trên lầu 2 rất nhỏ hẹp chỉ có một phòng ngủ dành cho ông bà già lão ốm yếu. Con gái ngủ bên ngoài nhà bếp. Cô ngoài 50 tuổi có việc làm nhưng bỏ việc về ở để nuôi ông bà trong quãng đời còn lại. Bỏ job chính thức làm cho hãng điện tử về trông nom cha mẹ với cố tiền trợ cấp rất eo hẹp. Hỏi cô sẽ ở đây đến bao giờ. Trả lời rằng đến khi cả ông bà không còn nữa mới tính đến đời con

Gia đình ông Luyện không được hưởng giá đặc biệt vì tổng cộng tiền già của 2 người cộng với tiền trông nom của con gái nên đã phải trả trên 1,300 đồng mỗi tháng. Việc này đã kéo dài trên 3 năm. Mới đây văn phòng thuế quen biết gửi giấy cho quản lý chung cư ghi rõ theo luật chính phủ tiền phụ cấp trông nom người bệnh của con gái không phải là lợi tức để khai thuế. Như vậy tiền già của ông bà thành lợi tức rất thấp. Có thể chỉ phải trả tiền nhà giá đặc biệt khoảng $500 một tháng. Chung cư đã thu quá nhiều của gia đình này tổng cộng trên 30 ngàn trong thời gian qua. Mặt khác nơi ông bà cư ngụ có nhiều trở ngại và ông Luyện đã khiếu nại trên 5 lần. Văn phòng chung cư không giải quyết dù lần sau cùng bác Luyện nhờ luật sư can thiệp. Kết quả là tổ hợp luật sư của công ty chủ nhà đòi dân ABC phải hầu tòa. Văn phòng luật sư Thu Hương kỳ gửi 2 luật sư ra đại diện cho ông bà Luyện và cô Kim là con gái của gia đình. Điều quan trọng đối với bác Luyện là chủ nhà không nói gì đến những tình tiết bên trong mà chỉ buộc tội người thuê khai gian. Ông Luyện là người suốt đời không gian dối nên hết sức bất bình muốn giải quyết vấn đề danh dự. Trên thực tế chủ nhà không thể chứng minh được là người thuê khai gian để được điều gì.

Hơn 3 năm ở thuê một căn hộ chật hẹp với tiền thuê hiện nay trên 1,300 hàng tháng không phải là lý do để khai gian. Dù đã cao nien và đau ốm tuổi già, đi không vững những ông Luyện quả quyết rằng suốt thời gian cư ngụ tại đây ông bị đối xử kỳ thị và đòi hỏi công ty tư bản này phải xem lại luật lệ cùng với phương cách quản trị công bình hợp lý cho mọi người.

 Nguyễn Hữu Luyện. Ông là ai?

Tháng 3 năm 1954 có 300 thanh niên Bắc Kỳ trình diện trại Ngọc Hà tại Hà Nội theo lệnh động viên vào học khóa tư phụ Cương Quyết số 2 Thủ Đức. Trong số này có anh Luyện công tử Hà Nội. Vào đến Sài Gòn, trường Thủ Đức hết chỗ nên thanh niên Hà Nội được gửi lên học Võ Bị Liên quan Đà Lạt cùng thời với khóa 10. Ngay từ trong trường tay Luyện đã nổi tiếng đại diện đại đội 6 tham dự trận Boxing với Phạm Huy Sảnh bên đại đội 5 tại võ đường Đà Lạt. Ra trường thiếu úy Luyện cùng 16 bạn tình nguyện đi Nhảy Dù. Qua thập niên 60 qua Lực lượng đặc biệt và tham dự vào chương trình huấn luyện Biệt kích nhảy Bắc tại Long Thành do Hoa Kỳ trực tiếp phụ trách. Dù là huấn luyện viên nhưng đại úy mũ đỏ Nguyễn Hữu Luyện cũng rất thắc mắc về số phận thực sự của các toán đã ra đi từ nhiều năm qua. Năm 1966 các toán viên học trò của anh thú nhận rất lo ngại nên dự tính đào ngũ bỏ cuộc. Cả toán chỉ ở lại Nhảy Bắc nếu có ông thầy đích thân chỉ huy. Đây là lần đầu tiên có một đại úy tình nguyện dẫn toán lên đường. Gia đình vợ con không biết tin. Anh em cùng khóa cũng không biết tin. Câu chuyện người tù kiệt xuất đã được trung tá Phan Lạc Phúc giám đốc cục Tâm Lý Chiến của tổng cục CTCT viết lại đầy đủ. Bị bắt từ năm 1966 đến 1975 là 11 năm. Tháng 4-75 là thời gian tuyệt vọng trong tù cộng sản của đại úy Luyện. Sài Gòn không còn nữa.Ông Luyện không còn hy vọng gặp lại chiến hữu miền Nam. Trung tá Phúc cũng từ giã Sài Gòn lên miền Việt Bắc mà gặp đại úy Luyện. Cái cảnh trong tù đại úy biệt kích đứng chào trung tá “cải tạo” thực vô cùng xúc động mà cũng cay đắng não nề.

Gần 10 năm sau, cả 2 ông được tự do cùng HO xuất ngoại vào thập niên 90. Ông Luyện đi Mỹ theo đại học Boston, ông Phúc đi Úc viết Tạp ghi cho văn chương hải ngoại. Sau 21 năm tù đày miền biên giới ông Luyện vẫn bình tĩnh theo học chương trình đại học Hoa Kỳ. Nhưng gặp chuyện bất bình ông đã mở hồ sơ kiện nhà trường vì thuê chuyên gia Hà Nội viết biên khảo về người ty nạn Sài Gòn. Vụ kiện tuy không đạt được kết quả sau cùng nhưng có tiếng vang rất đáng kể. Những năm sau này ông mở hồ sơ đoàn tụ cho các con lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Riêng phần ông bà và con gái cư ngụ tại San Jose. Gia đình sống rất đơn giản và kín đáo. Không hội họp giao tiếp bên ngoài, cho đến lần này. Như bác Phan Lac Phúc mô tả khi còn trong tù ông Luyện vẫn con phong độ người trắng và cao. Quần áo tươm tất. Nói năng nhỏ nhẹ lịch sự. Đó là câu chuyện viết về một người bạn cùng khóa. Anh em chúng tôi nếu còn sống cũng trên 88 tuổi cho đến ngoài 90. Trong số 300 anh em tháng 3 năm 1954, khóa chúng tôi chỉ còn địa chỉ các ông anh là 30 người. Nếu tính thêm các bà chị thì tổng cộng 50. Chia ra trên 5 châu 4 bể trong ngày cùng tháng tận. Bây giờ có bạn bị ra tòa làm sao ta về gặp nhau. Thôi đành kêu gọi bằng hữu bốn phương. Ai thuận tiện quan tâm thì đến với nhau buổi sáng. Không phải nói năng gì cả, chỉ mang hình ảnh Việt Nam ngồi yên lặng là ông Tòa biết chúng ta muốn gì.

No comments:

Post a Comment