Monday, August 27, 2012

Woman In Combat / Nữ Quân Nhân QLVNCH / 100,000 viewers



Đoàn Nữ Quân Nhân Của QLVNCH
TUYẾT MAI .
Việt Báo Thứ Bảy, 8/18/2007
Trong những năm chiến trường VN sôi động, hàng hàng lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, để đáp lời sông núi, bên cạnh những thanh niên hăng say cũng có hằng ngàn thiếu nữ, mang trong tim dòng máu kiêu hùng của Nhị Vị Trưng Vương, của Bà Triệu đã tình nguyện gia nhập vào Đoàn Nữ Quân Nhân của QLVNCH. Sau 30 Tháng Tư, 1975, cùng chung thân phận của các quân nhân trong QLVNCH, các chị em Nữ Quan Nhân cũng tan hàng rã cánh, người bị kẹt lại VN phải tù cải tạo, kẻ vượt biên chôn mình trong biển thẳm rừng sâu, người phiêu dạt bốn phương trời. Để có cơ hội gặp lại nhau, duy trì tình thân thương đoàn kết, hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn trong quân ngũ và cũng để tưởng nhớ những chị em đã quá vãng, các chị em Đoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH cứ ba năm tổ chức một kỳ đại hội . Đại Hội I được chức ở Bắc Cali năm 1998, Đại Hội Kỳ II ở Nam Cali năm 2001, Đại Hội III ở Washington, D.C. năm 2004.
Đại Hội kỳ IV sẽ tổ chức :
- Họp nội bộ sáng Thứ Bảy 25/8 tại phòng họp Báo Người Việt từ 9Am – 2PM.
- Dạ tiệc từ 6Pm – 11Pm , ngày 26 Tháng 8, 2007, tại
Nhà Hàng Paracel Seafood Restaurant
15583 Brookhurst Street
Westminster , CA 92683

***
Mặc dầu với quân số khá đông, một phần trăm của nam quân nhân trong QLVNCH , Đoàn Nữ Quân Nhân đã góp phần tích cực trong cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng, tuy nhiên nhiều người có một ý niệm rất mù mờ về vai trò của người nữ quân nhân trong quân đội. Các chị em được coi như “hoa lạc giữa rừng gươm”, nhiều người nghĩ sự hiện diện của các chị em là để tô điểm cho Quân Đội thêm tươi mát.
Sự thực thì, cứ mỗi một nữ quân nhân gia nhập vào quân đội thì một nam quân nhân ở hậu phương được thuyên chuyển ra chiến đấu ở tiền tuyến. Các chị em nữ quân nhân đã được huấn luyện và yểm trợ một cách hữu hiệu ở hậu phương.
Mặc dầu nữ quân nhân không tác chiến hiểm nguy như những nam quân nhân ngoài mặt trận, nhưng xương máu của các chị em cũng thấm đẩm trong lòng đất mẹ qua những chuyến công tác liên tỉnh, liên vùng, bị giật mìn, bị pháo kích, bị bắn rớt phi cơ…Trong Nghĩa Trâng Quân Đội có mộ của Hồ Thu Hương, của Ngọc Sương, của Thiếu Uý Quỳnh Hoa… Và người chị cả của Gia Đình Nữ Quân Nhân là Cố Đại Tá Trần Cẩm Hương đã bị đi tù cải tạo mười năm. Sau khi được trả tự do, về nhà Bà tiếp tục bị đày đọa và đã từ giả chị em, về cõi vĩnh hằng năm 1986 .
Tưởng cũng nên nhắc lại sơ lượt về sự hình thành của Đoàn Nữ Quân Nhân trong QLVNCH. Theo lời của Cố Trung Tá Hồ Thị Vẻ, từ năm 1950 ở Miền Trung, quân đội địa phương có Việt Binh Đoàn Trung Việt, Bộ Tham Mưu đặt tại Huế. Ở đây người ta có thu nhận nữ nhân viên làm việc, và đồng hóa với nam quân nhân.
Tổng số những nữ nhân viên này có khoảng vài trăm, họ làm việc trong các văn phòng như thư ký, đánh máy, kế toán, y tá trong quân y viện…

Năm 1952 Ban Nữ Phụ Tá Bộ Tổng Tham Mưu được thành lập do một Nữ Sĩ Quan Pháp Melle Arlette Arnaud và Chuẩn Uý Nguyễn Thị Hằng là người đặt nền móng cho Đoàn Nữ Phụ Tá, trực thuộc Phòng Nhất Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.
Sau đó có rất đông phụ nữ được tuyển mộ vào phục vụ trong các văn phòng Tham Mưu, Ban, Ngành và các Cơ Quan trong Quân Đội Miền Nam kể cả Bộ Tư Lệnh Không Quân và Hải Quân.
Đoàn Nữ Phụ Tá gồm các ngành :
1. Tham Mưu: Thư ký, đả tự viên.
2. Quân Y: Y tá và các chuyên viên khác trong ngành
3. Truyền Tin: Tổng Đài viên điện thoại, viễn ấn tự viên, mật mã viên..
4. Quân Nhu: gấp và sửa chữa dù, kế toán quân trang quân dụng .
5. Xã Hội: Cán sự và Nữ Trợ Tá Xã Hội.
Trong ngành Quân Nhu, một số NQN sửa chữa dù được huấn luyện nhảy dù nếu muốn, để tham gia nhảy dù biểu diễn tại các vùng chiến thuật.
Về ngành Xã Hội, người đầu tiên được mời làm Sở Xã Hội Quân Đội là Bà Trần Cẩm Hương, Cán sự Xã Hội từ Dòng Nữ Tu Saint Vincent de Paul. Sau này có nhiều cán sự xã hội đựơc đào tạo từ trường Cán Sự Xã Hội Caritas ở đường Tú Xương.
Từ Tháng 10, 1959 Nha Xã Hội được phép tổ chức khoá Sĩ Quan Xã Hội Quân Đội , thời gian thụ huấn là hai năm rưỡi. Các ứng viên phải có bằng Tú Tài và khi tốt nghiệp được mang cấp bậc Chuẫn Úy và được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội Sư Đoàn.

Năm 1959 Bộ Quốc Phòng quyết định hủy bỏ ba trong năm ngành chuyên môn của Đoàn Nữ Phụ Tá, chỉ còn giữ lại Quân Y và Xã Hội.
Đến 1965 chiến tranh leo thang, cần thêm quân số nên Bộ Quốc Phòng cho thành lập Đoàn Nữ Quân Nhân để tuyển phụ nữ vào quân đội, thay thế nam quân nhân ở hậu phương. Sau đó Nữ Phụ Tá được sáp nhập vào Đoàn Nữ Quân Nhân. Văn Phòng Trưởng Đoàn và Trung Tâm Huấn Luyện NQN được đặt tại đường Nguyễn Văn Thoại, ranh giới Quận 10 – 11 Saigon và dưới sự chỉ huy của Bộ TTM/QLVNCH.
Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Trung Tâm Huấn Luyện/NQN đầu tiên là Thiếu Tá Trần Cẩm Hương. Trung tâm Huấn luyện NQN đảm nhận việc tuyển mộ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. NQN được huấn luyện căn bản quân sự, tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn… học chút ít về vũ khí ở Trung Tâm huấn luyện Quang Trung .

Tùy nhu cầu, nữ quân nhân được huấn luyện chuyên môn tại các trường Tổng Quản Trị, Quân Y, Hành Chánh Tài Chánh, Quân Nhu, Xã Hội …Về sĩ quan Nữ Quân Nhân, Trung Tâm Huấn Luyện NQN đã đào tạo được bảy khóa. Bốn khóa căn bản sĩ quan Nữ Điều Dưỡng cho Không Quân và Hai khóa sĩ quan cho ngành Cảnh Sát .
Một số sĩ quan căn bản và cao cấp NQN được huấn luyện ở Hoa Kỳ như ở Fort Mc Clellan, Alabama; khóa Dân Sự Vụ ở Fort Gordon, Georgia; Khóa Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị ở Foprt Bragg, North Carolina; Tổng Quản Trị tại Fort Benjamin Harrison, Indiana.

Quân số Nữ Quân Nhân trên lý thuyết dự định là 10 ngàn người, đã thực hiện gần 6000, riêng sĩ quan kể cả Chuẩn Uý là 600 trước 1975.
Như trình bày trên đây, sự hiện diện của Nữ Quân Nhân trong QLVNCH không phải chỉ là những bông hoa để tô đẹp cho Quân Đội mà họ là những chuyên viên, là những người được huấn luyện để có thể hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp ở hậu phương.
Trong hai lãnh vực Y Tế và Xã Hội, không phải chỉ đòi hỏi người NQN có khả năng chuyên môn mà đòi hỏi một tấm lòng thiết tha với tình người và đất nước. Người Nữ Quân Nhân phục vụ trong ngành Y tế làm công việc của một “nữ cứu thương”, để hàn gắn, để xoa dịu nỗi khổ đau của chiến tranh, thể hiện trên thân thể của người lính chiến, những anh em Thương Phế binh. Các chị em là những thiên thần áo trắng .
Người Nữ Quân Nhân trong ngành Xã Hội, không phải chỉ lo về những vòng hoa chiến thắng và mấy gói quà ngày xuân …mà họ là những người thật sự giúp đỡ gia đình để người lính an lòng chiến đấu ngoài mặt trận. Trong lúc người lính đi hành quân xa nhà , gần như bất cứ việc gì vợ con cần giúp đỡ, họ đều đến phòng xã hội, từ việc đưa trẻ con đi khám ở bệnh xá cho đến việc học hành của trẻ con lớp mẫu giáo, trong các trại gia binh.

Khi người lính bị thương được tải về bệnh viện ở xa, người vợ làm sao đi thăm chồng, ăn ở đâu lúc xa nhà, làm sao lãnh lương của chồng, ai lo phương tiện cho người thương binh trở về đơn vị cũ? … mọi việc được điều hành bởi bàn tay và tâm huyết phục vụ của người nữ trợ tá xã hội.
Trong những trận đánh lớn, xác tử sĩ được chuyển thẳng về Quân Y Viện hay Nghĩa Trang Quân Đội . Nữ trợ tá xã hội là người giúp các quả phụ nhận diện xác chồng, liên lạc với phòng Tuyên Úy để mời vị lãnh đạo tinh thần đến làm lễ, quấn lên đầu trẻ mồ côi những vành khăn tang, lắng nghe để chia sẻ và dìu đỡ những bà mẹ khổ đau, tiễn con ra nơi an nghĩ cuối cùng…
Dưới cái nắng thiêu đốt của miền nhiệt đới, nhiều xác chết chưa có thân nhân đến nhận xình chương, hôi thối không thể tưởng và người nữ trợ tá phụ với các nam quân nhân lo chôn cất, làm việc ngày này qua ngày khác trong cái môi trường nặc nồng ám khí …người nữ trợ tá xã hội phải là những người rất nặng tình với đất nước. Họ là những nàng tiên áo xanh, đã đem bàn tay bé nhỏ và trái tim dào dạt tình người ra phục vụ quê hương.
Trong cuộc chiến chống xâm lăng của CS, Nữ Quân Nhân đã không tạo được chiến tích vẻ vang lừng lẫy ngoài mặt trận, nhưng đã hỗ trợ tích cực ở hậu phương, rất xứng đáng và hãnh diện mình là con cháu của hai Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần không nhỏ trong việc tô thắm màu cờ và những trang sử oai hùng của dân tộc Việt

No comments:

Post a Comment